.

Tranh cãi về Graffiti ở Scotland

.
Graffiti là tên gọi một loại hình Nghệ thuật đường phố. Tranh được vẽ trên tường nhà hoặc trên các bờ tường ở địa điểm công cộng trong thành phố. Graffiti ra đời từ rất lâu, xuất phát từ tranh vẽ trên vách hang động, trên thành quách của Hy Lạp thời cổ đại, tường nhà thờ hay công sở Đế chế La Mã, tranh vẽ trang trí các cung điện hay ở các tòa nhà vua quan thời xa xưa. Đến đầu thế kỷ 21, graffiti phát triển và lan rộng nhiều nước trên thế giới. Các thành phố lớn ở  Đức, Brazil, Mỹ, Mexico… có những bức Graffiti với kích thước lớn.

Mô tả ảnh.
Lâu đài cổ Kelburn (mặt bên).
 
Ở châu Âu, Scotland, một trong những nước nổi tiếng với hàng trăm lâu đài cổ. Trong số đó có lâu đài Kelburn của bá tước Patrick Boyle, dòng họ Glasgow. Kelburn được xây dựng từ thế kỷ 13 ở vùng Largs, Ayrshire. Chung quanh mặt trước lâu đài đều “phủ” kín graffiti. Và cũng nhờ tranh graffiti nên tháng vừa qua, lâu đài cổ Kelburn được chọn vào Topten của thế giới về tranh nghệ thuật đường phố, tác phẩm do nhà thiết kế nổi tiếng Tristan Manco dàn dựng, ngang tầm chất lượng đối với tác phẩm “nghệ thuật đường phố” Banksy ở Los Angeles và Favela Morro Da Providencia ở Rio de Janeiro.

Mô tả ảnh.
Mặt trước lâu đài.
Lâu đài Kelburn tuy là điểm thu hút du khách nhiều nhất nhưng cũng là nơi gây ra nhiều cuộc tranh cãi vì toàn bộ bên ngoài lâu đài được trang trí bằng graffiti mang màu sắc nóng bỏng và rực rỡ, màu sắc thời thượng dạng hip-hop. Dù bức tranh tường được diễn tả phối hợp giữa những hình ảnh tươi vui, dí dỏm về đời sống đô thị nhưng do 4 họa sĩ graffiti, người Brazil thực hiện theo đơn đặt hàng của hai người con bá tước vào năm 2007 với chi phí 20 ngàn Euro và đã được sự chấp thuận “có thời hạn” của Hội đồng thành phố.

Nay đến ngày hết hạn, một số hội đoàn đã yêu cầu loại bỏ graffiti ở lâu đài cổ Kelburn. Bá tước Glasgow đã viết thư đến Historic Scotland, cơ quan nghiên cứu lịch sử của Scotland, xin phép được giữ lại nguyên vẹn tranh graffiti trên các bức tường bao bọc chung quanh lâu đài Kelburn để triển lãm cho du khách tham quan. Bức tranh đó đã tiêu tốn 1.500 thùng sơn xịt phủ men.

Khi những họa sĩ nghệ thuật đường phố, người Brazil hoàn thành bức tranh tường phủ kín mặt tường lâu đài cổ của bá tước Glasgow ở Scotland, thì nhiều người dân địa phương như cảm thấy bị tổn thương. Nhiều người cho rằng lâu đài cổ sao lại phải trang trí “nhí nhố” bằng thể loại graffiti?

Cuộc tranh cãi vẫn còn kéo dài, tuy nhiên gia đình bá tước  Glasgow vẫn còn hy vọng vì theo lời ông Neil Baxter, thư ký của Hội Kiến trúc Hoàng gia Scotland thì các lâu đài ở Scotland tuy thuộc về tài sản mang dấu ấn lịch sử nhưng không nên xem nó như nhà bảo tàng, vậy nên thể loại tranh có phần sặc sỡ như graffiti cũng có thể góp phần hấp dẫn bởi một công trình như một lâu đài cổ sẽ trở nên vô dụng nếu thiếu đi sự sinh động.

HOÀNG ĐẶNG
;
.
.
.
.
.