.
Truyện ngắn

Từng hạt nước…nhỏ xuống

Nhà hôm nay có việc, sửa soạn cho đám ăn hỏi của thằng út!

Ông bà có ba đứa con, hai chị gái đều đã lấy chồng, giờ đến lượt thằng em út lấy vợ. Nhớ ngày nào nó còn nhỏ tí xíu, đầu đội nón trông như cái nấm di động dắt một con bò lững thững theo đường tìm cỏ. Vậy mà hôm nay đã là đám ăn hỏi của nó!

Ăn hỏi thì lo gì! Gà, trà, gạo, rượu… những thứ đó nhà không có sẵn nhưng cố gắng lo cũng được. Oái oăm thay, cái đám ăn hỏi của thằng con ông bà vừa lạ vừa tốn kém! Nó vốn nổi tiếng là một thằng chơi bời lêu lổng nhất khu vực này, thế nên mới tán đổ một cô giáo trẻ ở ngoài thị xã vào đây dạy học. Cô giáo chê nhà nó nghèo nhưng khen nó đẹp trai, hai đứa mê nhau như điếu đổ, được ít thời gian dắt về đòi cưới. Vì cô dâu là con gái ngoài thị xã nên đám ăn hỏi cũng phải tổ chức theo kiểu ngoài thị xã. Ông bà chia nhau đi vay ở nhiều nơi từ mấy tuần trước, biết nhà chẳng có gì đáng giá nên mỗi nơi chỉ cho vay một ít, gom vào cũng kha khá, vậy mà thằng con vẫn chê ít, mặt sưng sỉa, nói câu nào gắt câu đó.

Nhà có một con chó đen nuôi từ năm ngoái, càng lớn lông nó càng xù ra, bên trên hai mắt có hai đốm trắng tinh, ông đặt tên nó là “Gấu”. Cả đời ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bán hay thịt chó, lần này ông cắn răng bảo thằng con bán nốt con chó lấy tiền bù vào cho đám ăn hỏi. Nó suy nghĩ một hồi rồi dắt xe máy ra ngoài. Ngày trước ông bán một cặp trâu mua được cái xe máy đẹp cho con, mấy tháng sau, một đêm, nó mang về một con xe bẩn cáu, cũ rích, ông bà hỏi “xe kia đâu?” nó thản nhiên trả lời “thua bạc, gỡ lại được mỗi con dem tàu!”. Nó mang con xe mới ra kỳ cọ rồi xuống huyện sơn lại, dán nham nhở những rồng phượng, hoa hoét vào, trông không mới nhưng diêm dúa, đẹp lạ. Nó gọi cái xe Dream này là con “Dailừntàu”. Giờ trong đầu nó đang phân vân không biết nên bán con Gấu hay bán con Dailừntàu? Cuối cùng nó cũng nghĩ được, nổ máy phóng xe ra ngõ. Chiều thằng con về, dắt theo một cái xe đạp mới tinh. Ai hỏi, nó cũng cười “Mua xe đạp, chở vợ đi ngắm núi…”.

Nhà nằm chênh vênh trên quả đồi thấp trong một làng chỉ còn mười tám nóc nhà. Chất đá vôi ăn ngấm vào máu thịt con người, từ trẻ con, người lớn đến người già, ai cũng gầy xanh. Làng trước kia đông đúc lắm! Nên khi chưa có điện về, tối tối chi chít các đốm sáng của đèn dầu, bếp lửa. Tiếng nói cười của đám thanh niên chen lấn tiếng nô đùa của lũ trẻ, át đi sự lạnh lẽo của những núi đá vôi sừng sững phía sau làng. 

Người ta sợ đá vôi, nên hễ có điều kiện là chuyển đi nơi khác ngay, dần dần làng chỉ còn mười tám nhà, những nơi khác gọi khu này là “Xóm núi nghèo”. Mười tám nhà dùng chung một cái lần nước chảy từ đỉnh núi xuống, phải lọc qua nhiều lớp đá to, đá sỏi đến một lớp cát rồi mới dùng nước, nhưng cũng chẳng ăn thua, đá vôi vẫn bám những lớp trắng đục, dầy cộp trong nồi, người làng vẫn phải uống những miếng nước sạn sạn bụi đá, mắc bứ ở cổ. Nên nhà nào cũng cố gắng mua một cái bình lọc về lọc nước uống.

Ông bà ao ước có một cái bình lọc nước như của hàng xóm từ lâu lắm nhưng mãi vẫn chưa mua được.

Chuẩn bị cho đám ăn hỏi, ngoài việc lo vay tiền, ông bà chẳng phải làm gì nữa, nghĩ cũng tủi! Có thằng con trai, nuôi lớn lên, mong được một lần bưng trầu cau đến nhà thông gia hỏi cưới con gái nhà người ta cho con trai mình, nhưng nó chẳng cho ông bà đi cùng đám ăn hỏi, vì đã sắp xếp đại diện đầy đủ rồi! Toàn những người lạ hoắc mà ông bà chưa gặp lần nào, với năm đứa bạn vận đồng phục sơ-mi trắng thắt cà-vạt đỏ, quần đen, giày đánh xi bóng nhoáng. Chúng nó mang về mấy cái thùng to gần bằng cái thúng, bên ngoài phủ chéo một mảnh vải đỏ viền tua rua xung quanh. Bà gõ thử nghe vang “côm côm”, thấy hay quá nên gõ lại lần nữa, bị thằng con mắng “ba triệu của con đấy mẹ ạ!”.

Có một việc mà ông nghĩ mãi mới dám bàn với bà, là chuyện mua một cái bình lọc nước, trước đây không có cũng được, nhưng cô giáo là người thị xã, làm sao uống được nước đá vôi. Bàn đi bàn lại, cuối cùng ông cũng rầu rầu quyết định, ứng trước của bà Phương bốn trăm nghìn, đợi con Gấu đủ mười hai cân sẽ gán nợ.

Đợi cho thằng con trai cùng đám đại diện của nó ùn ùn xe máy rẽ phía con đường ra ngoài thị xã, ông bà lẫm lũi dắt nhau đi mua cái bình lọc nước.

Ông tỉ mỉ bóc từng lớp giấy bọc, dỡ từng chi tiết của cái bình lọc đặt ra ngoài rồi lắp ghép chúng lại, hì hục một tiếng đồng hồ mới hoàn chỉnh. Bà bưng nồi nước đun từ đêm hôm qua ra, khẽ gạn lấy phần nước trong vào bình, còn phần cặn đục mang đổ đi. Hai ông bà vui lắm, ngồi ngắm cái bình nước rất lâu, chất nhựa cứng ánh màu tim tím trông thật đẹp mắt, từng hạt nước trong suốt nhỏ xuống… Mười một hạt… mười hai hạt… một chén…

Bà nghiêng cái bình, kéo vòi rót đầy một bát nước trong vắt không một gợn bụi đưa cho ông, hai bàn tay vô tình chạm vào nhau sao gầy quá! Ông đưa bát nước lên, hít hà rồi nhấp một ngụm, ngậm trong miệng cho tan chảy từng giọt xuống cổ họng, một lúc sau ông mới “khà” lên một tiếng. Bà đón bát nước từ tay ông uống cạn một hơi, xuýt xoa khen “ngọt quá!”. Hai người nhìn nhau cười, những nếp nhăn trên mặt xô vào nhau cũng cười. Mải ngắm cái bình nước, ông bà quên cả ăn, quên khuấy luôn việc hôm nay là ngày thằng con trai đi hỏi vợ.

Đến chiều, đám đại diện nhà trai mới kéo nhau về, mặt ai cũng phừng phừng men rượu, nói cười bả lả. Cô con dâu xinh đẹp trong bộ đồ mới, chiếc quần thô trắng tinh bó sát đôi chân dài thon thon, trên eo thắt hờ một chiếc đai trắng làm sáng bật cánh áo đỏ tươi rộng thùng thình từ trên ngực xuống cánh tay, nhưng lại bó chặt ở cái eo bé tẹo. Bà mừng tủi đứng thẫn thờ trước cô con dâu, mãi lâu sau bà mới rụt rè:

- Cô giáo đẹp quá!

Cô dâu nhăn mặt. Thằng con lườm mẹ một cái có vẻ không hài lòng lắm. Bà ngầm hiểu ý con nên ngượng ngập tự trách mình quê mùa quá, sực nhớ ra điều gì đó, bà vui vẻ cầm tay cô dâu vào xem cái bình lọc nước mới.

Bên ngoài có tiếng ồn ào, tiếng thằng con trai hét lớn:

- Bắt! Bắt! Sao bố lại thả nó ra? Nhử mãi nó mới chui vào đấy!
Tiếng ông run run lo lắng:
- Sao lại nhốt nó vào trong đấy?
- Thịt chứ còn sao nữa bố!
- Nhưng…
- Hôm trước con đã tính rồi! Bán con Dailừntàu, con Gấu thì để lại hôm nay liên hoan.

Ngoài kia, người cầm gậy, người cầm đá, người lăm lăm con dao dồn đuổi con Gấu. Trong này riềng, mẻ, mắm tôm đã chuẩn bị đầy đủ, chó cũng chuẩn bị cắt tiết. Ông đi thăm cái lần nước về, thấy con Gấu ở trong cái sọt, cứ tưởng nó tự chui vào đó nên ông đuổi ra. Nghe thằng con nói thịt chó liên hoan, mặt ông tái đi. Con Gấu đã bán lấy tiền mua cái bình lọc nước rồi, chỉ là chờ đủ mười hai cân người ta mới đến bắt. Thằng con nghe thế mặt ỉu xìu, nếu không thịt chó thì lấy gì để liên hoan? Hai bố con chợt nhớ tới đôi gà hôm trước chị cả mang về cho cậu em đi hỏi vợ, nhưng chưa dùng tới. Con Gấu thoát nạn hôm nay.

Ngoài này, con chó bị sổng vẫn chưa bắt được. Thấy người ta lăm lăm hung khí hướng về phía mình, nó cụp đuôi đứng ép vào một góc vườn.

Ông với thằng con đi ra chưa kịp nói gì thì viên đá trên tay đứa bạn ném “bụp” trúng lưng con chó, nó kêu “ẳng” một tiếng, chồm lên, lao vút qua chân của ông.

Con chó lao như mũi tên. Đám bắt chó chưa kịp trở tay thì ở trong nhà có tiếng nổ, tiếng chó kêu, tiếng người hét vang cùng một lúc  nghe giòn lắm.

Ông bà ngồi thụp xuống, mặt ngẩn tò te không còn hạt máu, cái bình đổ kềnh, nước lênh láng, những mảnh nhựa vỡ tung, vụn thủy tinh vương vãi…

Thằng con cũng ngồi xuống bên cạnh. Nó chợt nhìn thấy điều gì đó và thốt lên:
- Sao bố mẹ gầy thế?


Tuyên Quang, tháng 8-2011

 A Kiều
;
.
.
.
.
.