.

Bên lề chuyện bỏ học

Trong buổi kiểm tra tình hình học sinh bỏ học (HSBH) mới đây, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Nguyễn Minh Hùng cho biết, ở Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Sơn Trà), có giáo viên đã cố gắng từng buổi đến tận nhà để chở một HS đi học, bởi em này đang có nguy cơ bỏ học. Theo ông, đây là một việc làm đáng biểu dương trong đội ngũ thầy, cô giáo với nỗ lực ngăn chặn tình trạng HSBH nhằm thực hiện một trong 3 nội dung trọng tâm của Chỉ thị 24-CT/TU. 

Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, phụ thuộc nhiều vào tình thương yêu và trách nhiệm của mỗi giáo viên trước tình trạng HSBH, chứ chưa phải được xem là nền tảng vững chắc.

Có một điều dễ nhận thấy, là qua thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy, được cụ thể hóa thành Đề án “Không có HSBH trong độ tuổi” trong chương trình “Thành phố 5 không”, với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và nhất là của ngành giáo dục-đào tạo, thì việc quan tâm đến vấn đề HSBH đã được chú trọng đúng mức. Các giải pháp, biện pháp cụ thể đã được triển khai. Hoàn cảnh gia đình của mỗi HS đã được quan tâm để từ đó có hướng giải quyết đối với từng trường hợp. Một điều được khẳng định, là đến nay, trên địa bàn toàn thành phố không có trường hợp HSBH vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Các địa phương đã tạo được chuyển biến rõ nét trong giải quyết tình trạng HSBH. Trong đó cụ thể như quận Sơn Trà, cấp THCS năm học 2007-2008 có 154 trường hợp bỏ học, thì đến năm học 2010-2011 chỉ còn 16 trường hợp; huyện Hòa Vang năm học 2010-2011 còn 33 trường hợp...

Tuy nhiên, qua việc ngăn chặn tình trạng HSBH, cũng thấy một thực trạng đáng lo ngại là “bệnh thành tích” vẫn ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết tận gốc vấn đề. “Bệnh thành tích” ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở từng cấp học, bậc học. Vì vậy, có tình trạng HS “ngồi nhầm lớp” cả về học lực cũng như hạnh kiểm; nhất là ở cấp tiểu học. Nhiều HS chậm phát triển trí tuệ hoặc quá hoang nghịch, không được chăm sóc chu đáo và giáo dục theo phương pháp đặc biệt... thường được các giáo viên phụ trách, kể cả lãnh đạo nhà trường “đưa” lên các lớp trên bằng cách hợp thức hóa điểm học lực và hạnh kiểm. HS vi phạm nội quy, quy chế... được giải quyết một cách xuê xoa.
 
Chính việc này đã đẩy các em HS đến nguy cơ bỏ học vì không đủ kiến thức để theo kịp chương trình học; hoặc các em trở thành HS chưa ngoan, thậm chí vi phạm pháp luật - một đối tượng được quan tâm khác trong Chỉ thị 24-CT/TU. Để giải quyết tình trạng này, theo nhiều ý kiến, cần phải xóa bỏ “bệnh thành tích”, dám nhìn thẳng vào thực trạng để có những giải pháp hiệu quả, căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực sự.

Một vấn đề đáng quan tâm liên quan đến HSBH, đó là thực chất của con số báo cáo về “học nghề” của HS sau khi bỏ học hẳn. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, qua khảo sát, thì có 7 HSBH ở Trường THCS Phạm Ngọc Thạch được đưa vào diện “đi học nghề”. Nhưng trên thực tế, là cả 7 em này đều đi phụ việc ở các quán cà-phê vỉa hè, các quán ăn bình dân...; công việc, thu nhập và cả tương lai của các em vì thế cũng rất bấp bênh. Đây cũng là dạng “né tránh thực tế” của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng nhằm tăng thêm thành tích trong việc vận động HSBH “ra lớp” hoặc “học nghề” tại địa phương, giảm số HSBH trên con số thực tế.

Như vậy, có thể thấy, để giải quyết tốt tình trạng HSBH, thì vấn đề chất lượng cần được đưa lên hàng đầu. Đó là chất lượng của giáo dục ở từng bậc học, cấp học phải được quan tâm toàn diện và đánh giá thực chất. Đó là chất lượng của việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU phải được cấp ủy, chính quyền nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn, trung thực, đầy đủ và kịp thời. Và cao hơn nữa, đó là chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần của mỗi gia đình phải được nâng lên từng bước, tạo nền tảng vững chắc hơn trong việc giải quyết những vấn đề xã hội nói riêng và sự phát triển của thành phố nói chung.

Anh Quân
;
.
.
.
.
.