7 năm nữa, sẽ là chủ nhà của World Cup song nạn phân biệt chủng tộc vẫn đang là mối quan ngại rất lớn với nước Nga. Nhất là việc hậu vệ trái Roberto Carlos - một trong những cầu thủ Brazil nổi tiếng, từng giành World Cup và Champions League - đã trở thành nạn nhân của đám khán giả cực hữu.
Chỉ 4 tháng sau khi đến thi đấu tại giải Bóng đá Vô địch quốc gia Nga, R.Carlos đã 2 lần chịu các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc. Một quả chuối đã được ném vào hậu vệ này trong trận đấu mà CLB Anzhi Makhachkala của anh thắng 3-0 trước Krylya Sovetov. Cảm xúc sau đó của Carlos thật dễ hiểu khi anh đã yêu cầu nhà chức trách phải có phản ứng phù hợp; đồng thời, tiết lộ anh có thể chia tay sân cỏ Nga sau sự việc này:
- Tôi bị xúc phạm bởi hành vi đáng ghê tởm của không ít người hâm mộ mà trên thực tế, điều đó không chỉ xúc phạm tôi mà còn với tất cả cầu thủ.
Carlos không phải là cầu thủ duy nhất bị lăng mạ. Sau khi chia tay Lokomotiv Moscow hồi tháng 9-2010 để sang Premier League thi đấu cho West Brom Albion, tiền vệ Peter Osaze Odemwingie cũng đón nhận thái độ thù địch từ một bộ phận khán giả với một tấm biểu ngữ có hình ảnh một quả chuối và thông điệp “Cảm ơn West Brom”!
Vào thời điểm ấy, người đứng đầu Ủy ban tổ chức World Cup 2018 của Nga Alexei Sorokin phủ nhận thực tế về những khán giả bóng đá có tư tưởng phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, sau đó, Sokorin hứa hẹn, LĐBĐ Nga sẽ thiết lập một chiến dịch chống phân biệt chủng tộc để giải quyết những vấn đề tương tự. Đồng thời, ông khẳng định và tin rằng, một vài sự cố sân cỏ không có nghĩa nước Nga có những vấn đề sâu sắc, bắt nguồn từ nạn phân biệt chủng tộc.
Song theo báo cáo từ các nhà báo và các tổ chức nhân quyền cho biết, đã có những vấn đề thực sự trong nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực giữa các sắc tộc đang diễn ra ở Nga. Những sự cố liên quan đến Carlos hay với Peter Osaze Odemwingie được xem là những điển hình. Được biết, có đến gần một nửa số tên đầu trọc của thế giới là người Nga. Và từ năm 2004, các cuộc tấn công của bọn phát-xít mới đã tăng đến mức chính quyền phải thừa nhận và có những biện pháp ứng phó cần thiết. Nhờ đó, số vụ giết người do phân biệt chủng tộc đã giảm, với 37 vụ trong năm 2010 so với 71 vụ trong năm 2009 và 109 vụ của năm 2008. Nhưng khi mở cửa đón toàn thế giới vào năm 2018, rõ ràng, chính quyền Nga có nhiệm vụ rất quan trọng để đối phó thành công với vấn đề này.
Năm ngoái, một người Nga gốc Benin là Jean Gregoire Sagbo đã được bầu vào văn phòng Hội đồng thành phố Novozavidovo. Người ta hy vọng, việc một người da màu được bầu vào một vị trí quan trọng của xã hội rồi sẽ được nhân rộng ra trong bóng đá, ở tương lai. Ngay như Đông Âu, vốn nổi tiếng về việc không thiện cảm với các dân tộc khác nhưng trong bóng đá, họ đã tiếp nhận khá nhiều cầu thủ từ châu Phi hay Nam Mỹ tham gia vào các CLB thuộc giải vô địch quốc gia của họ.
Khi bóng đá Nga phát triển về mặt thương mại, họ sẽ thu hút rất lớn các tài năng bóng đá từ khắp nơi trên thế giới và thực tế, đã có một lượng lớn cầu thủ châu Phi và Nam Mỹ khoác áo các CLB Nga.
Nhà chức trách lẫn người dân cần phải nhận thức được tầm quan trọng của những chuyển đổi trong nhận thức và ý thức được tầm quan trọng của sự thay đổi này. Bởi lẽ, Đông Âu và Trung Âu sẽ là vùng trọng điểm phát triển của bóng đá trong tương lai rất gần.
Nguyên An