.
Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện ông Thầy Thừa

Trong quá trình sưu tầm văn hóa dân gian, tôi được nghe bà con kể nhiều chuyện rất ly kỳ. Trong đó, có chuyện ông Thầy Thừa, một nhân vật sống vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Tương truyền, ông rất giỏi phép thuật, thạo cúng bái, có biệt tài trừ tà ma, trừ quỷ dữ... Ông nổi tiếng đến mức cho đến nay, các cụ già trong làng vẫn thường kể cho con cháu nghe những biệt tài có một không hai của ông. Trong đó, có hai chuyện khá hấp dẫn...

Thuyền đậu… trên bờ!

Ngày nọ, có ghe bán mắm ghé vào làng. Bấy giờ, ghe chủ yếu là ghe chạy bằng buồm, không phải ghe máy như bây giờ. Còn mắm cái, món ăn “khoái khẩu” của người Quảng, được các lái buôn chở lên bán ở An Bằng quanh năm. Gì thì gì, An Bằng thời xa xưa vẫn còn là vùng núi heo hút. Củi gỗ nhiều, nhưng cá mắm hiếm. Thế cho nên, mắm cái là mặt hàng bán rất chạy. Mắm cái được đựng trong cái hũ sành, còn được gọi là cái tĩn.

Người có tiền, mua mắm xong, trả tiền ngay. Người không có, cũng mua nhưng trả bằng tre hay các thứ lâm thổ sản cần thiết khác. Khi nghe tin có người vừa chở ghe mắm đến bán, ông Thầy Thừa thèm quá, chạy ra bến, chỉ một tĩn mắm, hỏi: “Chứ các chú đổi tĩn mắm lấy bao nhiêu tre?”. Thằng bé, con ông chủ mắm, trạc trên mười lăm tuổi, nhanh nhảu đáp: “Ba cây!”. Ông Thầy Thừa bảo: “Hai cây tao đổi, chịu hông?”. Thằng bé cười nhạo: “Ông ơi, tre ông to bao nhiêu mà đòi hai cây? Tĩn mắm đổi hai cây, làm chi có. Thôi, ông về chấm muối ăn đi!”.

Nghe thằng bé mỉa mai, ông Thầy Thừa tức lắm. Chừng ấy tuổi đầu mà dám nói móc ông, hỏi ông không tức sao được? Nhưng lúc ấy, ông nén giận, cứ làm thinh bỏ về, xem như không có chuyện gì xảy ra…

Sáng hôm sau, chủ buôn mắm thức giấc, đưa mắt nhìn ra ngoài và dựng tóc gáy. Chiếc ghe rõ ràng tối hôm qua đang ở dưới nước, giờ bỗng dưng đậu trên bờ, như có ai khiêng lên vậy. “Chết cha rồi, chắc có ai thù oán, làm phép đưa ghe lên bờ, làm răng bây giờ!” - ông chủ ghe than trời. Không còn cách nào khác, ông đi hỏi khắp làng. Cuối cùng, ông cũng gặp được ông Xã Tịnh. Sau khi nghe chủ ghe trình bày, ông Xã Tịnh hỏi “Chớ bọn bay đến bán mắm ở đây có gặp ai mua mắm không?”. Chủ ghe thật thà khai: “Có gặp ông già già. Ổng đi mua mắm. Thằng con tui có nói bậy, bảo ổng về giã muối ăn chớ tre chi hai cây đổi lấy tĩn mắm!”.

Ông Xã Tịnh vỗ đùi cái đét: “Đúng ổng rồi! Thôi, bọn bay mua chút rượu, miếng trầu đến nhà ông Thầy Thừa nói tiếng, ổng sẽ giải cho”. Rồi, ông Xã Tịnh chỉ nhà cặn kẽ. Nghe lời, ông chủ ghe mua sắm lễ vật đầy đủ, đem đến nhà ông Thầy Thừa, xin lỗi chuyện vừa qua và nhờ ông đưa ghe xuống sông giùm. Ông Thầy Thừa cười cười: “Bay nói chi tau không biết. Ghe bay để mô, trên bờ hay dưới sông, tau cũng chịu. Chừ bay nói rứa tau hay rứa. Bay về đi, không chuyện chi mô!”. Ông chủ ghe nghe lời, đi về. Lại ngủ qua một đêm. Sáng hôm sau, ghe tự nhiên lại xuống sông, như có phép mầu. Và, cũng kể từ đó, nghe nói, ông chủ ghe bán mắm này không dám đem mắm đến bán ở làng An Bằng nữa.

Cá gáy trong ruộng lúa

Ngày kia, ông Thầy Thừa có việc, phải đi ngang qua cánh đồng nọ. Ông bị trượt, chân dính đầy bùn. Khi đến đám ruộng đang cấy đầy nước, ông bèn thò chân chao nước cho sạch. Bà chủ ruộng thấy ông chao mạnh quá, nước trong ruộng nổi sóng, làm những cây lúa vừa mới cấy ngả nghiêng, liền mắng sa sả như tát nước vào mặt: “Cái ông ni thiệt không có mắt, hay bị đui mù răng không thấy lúa người ta mới cấy mà cứ chao cho lúa nghiêng?”. Thấy bà ta quá hỗn, mặc bà ta nói gì thì nói, chửi gì thì chửi, ông vẫn làm thinh, giả câm giả điếc, không thèm đáp lại một câu. Thế nhưng, khi ông đi qua rồi, có một chị đang cắm cúi cấy ở đám ruộng đó “tình cờ” phát hiện một con cá gáy to cứ lượn lờ trước mặt. Chị liền nhón chân đến bắt, bị trượt, cá chạy thoát.

Khi ấy, các chị khác cũng thấy, la to: “Có cá gáy! Có con cá gáy kìa!”. Và, ngay lập tức, các chị quên cả chuyện cấy lúa, mỗi chị một góc để bắt con cá lạc này. Nhưng, cá cứ lượn lờ, khi sắp chụp được thì nó lại trườn đi, bắt cả buổi nhưng cuối cùng chẳng ai bắt được. Còn con cá gáy sau đó cũng lặn mất tăm. Kết cuộc, đám ruộng mới cấy cứ đổ nghiêng ngửa vì các chị lo bắt cá, dẫm chân lên, khiến bà chủ ruộng cứ phải la trời. Sau này, khi các chị về kể lại sự tình, người ta mới té ngửa ra rằng con cá gáy ấy không thực, chẳng qua do ông Thầy Thừa tức bà chủ ruộng chửi ác quá nên làm phép, làm ngả cây lúa cho... bõ ghét.

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

;
.
.
.
.
.