Bảo An là một trong 24 làng của vùng đất Gò Nổi xưa (gồm 3 xã ngày nay là Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang). Bảo An ngày nay đã tách ra làm hai, Bảo An Đông và Bảo An Tây, là hai trong 11 thôn của xã Điện Quang.
Theo “Phan tộc kỷ yếu” thì làng Bảo An trước đây có 12 dòng tộc tiền hiền và hậu hiền sinh sống; trong đó tộc Nguyễn, Phan, Ngô, Thái, Phạm, là những người theo chân vua Lê vào khai phá vùng đất này.
Theo “Bảo An - Đất và Người” của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 1999 thì 3 tộc phái Nguyễn, Phan, Ngô đều có gốc gác từ huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An, kết bạn tâm giao cùng theo vua Lê vào Nam khai phá vùng đất mới vào thế kỷ XV. Tuy nhiên, theo tộc phả của 2 họ Phạm và Thái thì nhóm bạn trên có cả 2 họ Phạm và Thái kết thành 5 người vào khai phá đất Bảo An xưa.
Những ngày đầu khai canh khai cư, 3 họ Nguyễn, Phan, Ngô đến định cư tại ấp Hòa Đa, lúc này thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hóa, phía bắc sông Thu Bồn; rồi sang phía Nam sông Thu lập ra làng Phi Phú (xã hiệu đầu tiên của Bảo An) cách Hòa Đa khoảng 4 km.
Trải qua thời gian, các tiền nhân của làng Bảo An xưa đã dựng làng, lập ấp, biến nơi đây từ một vùng đất hoang sơ, cây cối rậm rạp, giao thông hầu như chỉ bằng thuyền trên dòng sông Thu Bồn trở thành xóm làng trù phú, đất rộng, người đông, tiếng thơm vang khắp nước. Chính nhờ sự cần cù lao động, ham học hỏi và đỗ đạt cao trong các khoa thi dưới triều đại phong kiến cũng như những đóng góp đáng kể cho việc xây dựng và bảo vệ xóm làng, đất nước của con dân làng Bảo An qua các thời đại đã làm cho Bảo An rạng danh đất học lắm hiền tài.
Làng Bảo An là đất học có tiếng của Quảng Nam xưa. Theo thống kê, ngôi làng nhỏ này có 22 người đỗ phó bảng, cử nhân, 26 người đỗ tú tài. Thời Tây học có 52 người có bằng từ Thành chung trở lên. (Thành chung là bằng Cao đẳng Tiểu học trong hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc, tương đương với lớp 9 ngày nay. Phải có bằng Thành chung mới được dự thi lên bậc Trung học tức bậc Tú tài).
Những đóng góp to lớn trong mở đất lập làng của các bậc tiền nhân đối với mảnh đất Bảo An xưa đã được triều đình nhà Nguyễn ghi nhận và phong sắc thần cho tiền hiền các tộc họ. Cả 3 sắc phong của 3 tộc tiền hiền Nguyễn, Phan, Ngô đều có nội dung giống nhau, chỉ khác tên và ngày cấp sắc. Trong đó, sắc phong của tộc Nguyễn vẫn còn nguyên bản gốc, viết bằng chữ Hán, phiên âm như sau:
Sắc Quảng Nam tỉnh Điện Bàn phủ, Bảo An Đông Tây nhị xã phụng sự tiền hiền khai canh Nguyễn Liệt đại lang chi thần, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim chánh trực, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật, trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò tôn thần, chuẩn kỳ phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.
Khải Định cửu niên, lục nguyệt, nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho hai xã Bảo An Đông và Bảo An Tây, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam phụng thờ vị thần tiền hiền mở đất là thần Nguyễn Liệt đại lang vô cùng linh ứng. Nay nhân đại lễ mừng Trẫm 40 tuổi, triều đình long trọng ban chiếu sắc phong, sắc phong cho thần tước hiệu Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò, chuẩn cho hai xã trên phụng thờ thần. Thần hãy che chở bảo vệ dân ta. Vậy thay.
Khải Định năm thứ 9, tháng 6, ngày 25.
Qua các văn bản sắc phong trên, chúng ta có thể biết được phần nào lai lịch, quá trình lao động của các bậc tiền nhân, những người có công mở đất, dựng xây xóm làng; đồng thời đáp ứng được phần nào về mặt nghiên cứu văn hóa, lịch sử của thời Nguyễn đối với những bậc tiền nhân có công trong việc dựng xây và bảo vệ xóm làng ở làng Bảo An xưa nói riêng, những người có công khai phá đất Quảng nói chung. Đây là một trong những tư liệu quý góp phần làm sáng tỏ phần nào về lịch sử của vùng đất đã có bề dày lịch sử như Bảo An này.
Phạm Văn Bính