.
Chuyện xưa xứ Quảng

Nữ sĩ đất Quảng đầu tiên trên văn đàn

Ở Quảng Nam qua các thời đại, những người phụ nữ làm thơ, viết văn không ít, nhưng những người mở đường và tạo được dấu ấn  “Quảng Nam” trên văn đàn không nhiều, trong số đó phải kể tên Lam Anh nữ sĩ.

Phạm Thị Lam Anh được các nhà nghiên cứu cho là người mở đầu không những cho thơ ca nữ mà còn cho thơ ca Quảng Nam nói chung. Bà tên thật là Phạm Thị Khuê Ấu, sinh trong khoảng thập niên 30 của thế kỷ XVIII, người huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Bà là con gái cưng của Phạm Hữu Kính, Cai bạ Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Từ nhỏ Lam Anh đã  nổi tiếng thông minh, làm thơ hay lại thích ngâm vịnh nên tự đặt cho mình biệt danh “Ngâm Si” nghĩa là người si thơ.

Phạm Hữu Kính rất thương con nên nuôi một gia sư tên là Nguyễn Dưỡng Hạo (có tài liệu ghi là Nguyễn Dưỡng Hiệu) trong nhà để dạy cho con học thêm. Phạm Hữu Kính là người hiên ngang học rộng, tính tình cương trực, chí công vô tư nhưng cũng rất nghiêm khắc. Chuyện kể có lần khi ông đi vắng, người con trưởng của ông là Phạm Quả Nghị nhận tiền đút lót. Biết được, ông đã kêu án tử hình con; nha lại, bạn bè can ngăn thế nào cũng không được. Ông bảo: “Thằng con ngu như heo này làm ô nhục gia phong để sống có ích gì! Hơn nữa, phép nước trờ trờ ra đó, lệ nào lấy tư bỏ công được”. Lúc án dâng lên, được Chúa Nguyễn tha cho nhưng Phạm Quả Nghị sợ quá mà chết.

Một hôm, khi Phạm Hữu Kính phụng mạng đi tuần sát ở các hạt đến hai ba tháng thì ở nhà Lam Anh và Nguyễn Dưỡng Hạo trước xướng họa thơ văn với nhau sau si mê nhau đi đến chỗ vụng trộm tình ái. Khi trở về Phạm Hữu Kính biết được, rất giận, đòi đưa con gái đi dìm sông. Nhờ được bạn bè và bà con  khuyên can ông mới tha tội và cho kết duyên với nhau. Sau khi Phạm Thị Lam Anh được Nguyễn Dưỡng Hạo cưới về, đôi trai tài gái sắc này cùng nhau xướng họa và để lại cho hậu thế tập thơ Chiến cổ đường thi nổi tiếng. Theo Phạm Việt Tuyền (Văn học miền Nam, NXB Khai Trí, Sài Gòn 1965) thì Đại Nam liệt truyện Tiền biên khi đề cập đến tập thơ này có viết: “Trong tập toàn những câu bắt bẻ cổ nhân! Nhất là thơ Lam Anh thì lại nhiều câu cổ kính”.

Điều này được thể hiện rõ trong các bài thơ bà để lại cả bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm. Hiện ba bài thơ chữ Hán của bà còn lưu truyền viết cho Hàn Tín, Kinh Kha và Khuất Nguyên - ba nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Với Hàn Tín bà viết: Sàm ngư bất ngộ thu Tuy Thủy/ Cao điều đồ bị tận Hán thiên. (Lê Hoài Nam dịch: Sau trận thắng ở Tuy Thủy không sớm tỉnh ngộ còn tham ăn cá/ Thương xót uống hoài đã hết chim bay cao trên trời Hán).

Với Kinh Kha bà viết: Kế xảo kỳ như thiên ý xảo/ Đồ cùng phiên sử tráng tâm cùng. (Mưu khéo sao bằng trời sắp khéo. Đường cùng chí lớn cũng tâm cùng).

Nổi tiếng nhất là bài viết cho Khuất Nguyên với hai câu được người đời sau truyền tụng và cho là hay nhất: Cô phẫn khí thành thiên khả vấn/ Độc tinh nhân khứ quốc cơ không. (Quách Tấn dịch: Khí uất riêng thành trời khá hỏi/ Người ngay một khuất nước còn chi).

Về thơ Nôm còn được truyền tụng bài “Vịnh lúc gần sáng”. Có giai thoại cho rằng đây là bài được chấm giải nhất tại một cuộc thi thơ ở huyện Diên Phước:

Một giải thương lang lộn mắt mèo/ Xóm chài mới dậy đuốc leo leo/ Lằn kêu thức chúa chầu sân phụng/ Gà gáy khuyên chồng dõi dấu cheo/ Ải sói Thường Quân vừa cất bước/ Thuyền tên Gia Cát vội phăng neo/ Phương đông chửa lố vừng con ác/ Cửa Khổng nho sinh nhóm tựa bèo.

Không những là người nữ đầu tiên làm thơ để lại cho hậu thế, thơ bà còn mang đậm tố chất “hay cãi” của Quảng Nam. Vì thế, cố học giả Nguyễn Văn Xuân đã gọi bà là “nữ sĩ hay cãi” và cho rằng bà thuộc thế hệ tiên phong tạo nên “đặc tính hay cãi của người Quảng Nam”. (“Đàn bà mà còn chuyên bắt bẻ cổ nhân thì đàn ông chắc còn chuyên hơn và đó là tiền bối giữa thế kỷ XVIII huống gì các thế kỷ sau”, Phong trào Duy Tân, Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 1995, trang 72, 73).

Tiến sĩ Phạm Liệu - đệ nhất Ngũ phụng tề phi của Quảng Nam - đã không tiếc lời ca ngợi bà: “Trong giới nữ lưu từ trước tới giờ ở xứ Quảng này không có ai thơ hay bằng bà Phạm... Nữ sĩ Lam Anh là ngọn đuốc đầu tiên chiếu sáng nền văn học nữ giới xứ Quảng từ thời đó. Hẳn là tên tuổi của nữ sĩ sẽ còn lưu danh muôn thuở”.

Gần đây, GS Nguyễn Văn Hạnh đã nhận xét về bà trong Trăm năm thơ đất Quảng (NXB Hội Nhà văn, 2005): “Trong cuộc đời riêng, trong tình yêu và hôn nhân bà đã sống chân thật, tự do và phóng khoáng thế nào thì trong thơ bà, ta bắt gặp nhân cách bản lĩnh ấy, sự cảm nhận, suy nghĩ không theo thói thường, có tính cách phá cách ấy. Phải chăng đó cũng là một cái gì tiêu biểu cho tâm hồn và tính cách con người Quảng?”.

Sau này ở Quảng Nam nhiều nhà thơ nữ thành danh nhưng Phạm Thị Lam Anh được xem là người mở đường đầy cá tính.  

LÊ NAM QUẢNG
;
.
.
.
.
.