.

Cửa sổ tri thức

.
Y gờ-rec

* Xin cho biết, vì sao chữ Y dài được gọi là “y gờ-réc”? (Nguyễn Hồng Lan, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng).

Mô tả ảnh.
- Chữ Quốc ngữ chính thức được thế giới biết đến từ năm 1651, khi Alexandre De Rhodes, một giáo sĩ người Pháp, cho in cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Trước đó, chữ Quốc ngữ được hình thành theo hướng chung của các giáo sĩ phương Tây là muốn La-tinh hóa các chữ Á Đông nằm trong địa bàn truyền giáo của họ.

Do bối cảnh ra đời như thế, nên chữ Quốc ngữ chịu ảnh hưởng rất lớn đến chữ viết các nước phương Tây, đặc biệt là tiếng Pháp.

Trong tiếng Pháp, mẫu tự Y được gọi là “y grec” vì nó không phải là nguyên gốc tiếng La-tinh, mà được người Romains mượn từ một mẫu tự Hy Lạp là Υ (viết hoa, còn viết thường là υ). Y, trong tiếng Hy Lạp đọc là upsilon, nhưng trong tiếng Pháp thì được phát âm giống như mẫu tự I (ngắn).

Việc này đã được LM Nguyễn Khắc Xuyên giải thích trong một tài liệu do ông biên soạn và đăng trong Văn Hóa Nguyệt San số 61, trang 519-526, Sài Gòn, tháng 6 năm 1961, như sau:

“Ngày nay, một cách phổ thông và bình dân, chúng ta gọi Y là I dài để phân biệt với I là I ngắn. Nhưng có thể gọi như đã có người và có thời kỳ người ta gọi theo người “Âu Mỹ” là Y gờ-rét hoặc Y gờ-rếch, không dè rằng “gờ-rét” hay “gờ-rếch” có nghĩa là Hy Lạp, bởi chữ Pháp “grec”. Nhưng một điều kỳ lạ, đó là trong tiếng Hy Lạp, thực ra không có I dài này. Vậy tại sao lại gọi là I Hy Lạp?

Trong tiếng Hy Lạp chỉ có một chữ I ngắn đó là chữ “iota” viết như chữ i thường của ta song không có chấm ở trên. Còn có một chữ như chữ U của ta gọi là “upsilon”. Nhưng chữ này khi viết chữ nhỏ thì viết như chữ u của ta, còn khi viết chữ lớn hay chữ hoa thì lại viết là Y. Bởi vậy, nếu đọc tiếng Hy Lạp người ta gặp Y ở đầu câu hay mệnh đề hoặc tên riêng vì đó là chữ lớn, nhưng không đọc là I nhưng U. Song tại sao đang là U mà lại trở thành Y?

Nguyên do là vì khi người La-tinh phiên âm tiếng Hy Lạp có lẽ vào thời kỳ giáo hội Ki-tô nguyên thủy (?), nghĩa là khá muộn theo ông Gaffiot (trong cuốn Dictionnaire Illustré Latin-Français, Hachette, Paris 1934, trang 865, của F. Gaffiot mà tác giả đã dẫn trước đó - ĐNCT), họ thường phiên âm U ra Y và không đọc là U mà đọc là Y, thí dụ rõ rệt nhất đó là chữ Hy Lạp Kurios, song người La-tinh đã phiên âm và đọc là Kyrios. Từ đó, chữ Y đã gia nhập vào các tiếng khác. Người ta không còn gọi Y “upsilon” chữ hoa, hay chữ lớn nữa như trên chúng tôi đã trình bày, song gọi là Y gờ-rét nghĩa là Y Hy-lạp”.

Ai là tác giả?

* Câu thơ “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” trên một số bản thư pháp ghi là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng theo tôi biết, hình như là của một tác giả khác? (nvnanh…@gmail.com).

- Đây là hai câu thơ được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch từ nguyên tác của Kahlil Gibran (1883-1931), một thi sĩ và họa sĩ người Mỹ gốc Liban. Những câu thơ này được trích trong tập thơ Nhà tiên tri (The Prophet) xuất bản năm 1923.

Đ.N.C.T
;
.
.
.
.
.