.
Cửa sổ tri thức

Vin hoa hay vinh hoa?

* Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên đã được chép lại trên nhiều tài liệu, sách báo với một số từ khác biệt gây tranh cãi. Trong đó, ở đoạn: “Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất/ Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai/ Thế đi đứng của toàn dân tộc/ Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người”, có một số người cho rằng từ vinh (hoa) chép ở đây là không đúng, mà lẽ ra phải là vin (hoa). Xin ĐNCT cho biết quan điểm của mình? (Nguyễn Hoàng Hoa, Hội An, Quảng Nam).

- Vinh hoa là từ khá phổ biến, như “Vinh hoa - Phú quý” (tên hai bức tranh Đông Hồ; “Vinh hoa” vẽ hình bé trai ôm gà trống, “Phú quý” vẽ hình bé gái ôm con vịt).

Trong khi đó, vin hoa là từ cổ, ít người dùng. Vin, theo Từ điển tiếng Việt (tra trực tuyến tại địa chỉ http://tratu.soha.vn, là động từ, có hai nét nghĩa: (1) với tay mà níu (cành cây) xuống - ví dụ: vin cành hái hoa; (2) dựa vào một lý do nào đó để làm luôn việc gì - ví dụ: vin vào cảnh con mọn, không đi họp; vin vào một câu nói hớ để sinh sự.

Từ vin hoa đã được một số văn nghệ sĩ sử dụng, như Đạm Phương nữ sử (1881 – 1948) trong Kim tú cầu (1928), ngay đầu Chương 1 của truyện dài này:

“Đêm Trung thu ở chốn đô thành, vừng trăng vằng vặc sáng quắc như ban ngày, gió đưa ngành quế ngào ngạt hương bay; trong một cảnh hoa viên kia, lầu, đài, trì, tạ cây cối riềm rà, cách sang quý hình như bồng lai, lãng uyển, thấp thoáng lại có bóng hồng vào ra; khi vin hoa (chúng tôi nhấn mạnh – ĐNCT) vít liễu, khi nhắm bóng soi hình, lúc lại dựa mình bên khúc lan can, bắt mặt trông lên chị Hằng mà lâm nhâm khẩn niệm mấy điều tâm sự”.

Quay lại với câu thơ và từ đang xét. Chế Lan Viên đã viết là “vinh hoa” hay “vin hoa”?

Nhà thơ đã viết “Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người”, nhưng rất nhiều trích dẫn bài thơ nổi tiếng này đã ghi sai thành vinh hoa. Điều này đã được tác giả Lê Xuân chỉ ra trong bài viết “Những sai sót đáng tiếc ở Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ” đăng trên trang phongdiep.net.

Theo đó, “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên là một bài thơ hay đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 (phần đọc thêm) và ở sách Ngữ văn lớp 12 (phần giảng văn trước đây). Nhiều học sinh và bạn đọc đã thuộc lòng bài thơ này. Thế nhưng, thật đáng tiếc! Tác giả Lê Xuân, sau khi đối chiếu với bản gốc ở Tuyển tập thơ Chế Lan Viên (NXB Văn học - Hà Nội, 1986), đã chỉ ra 8 lỗi về chính tả, thừa từ, thiếu từ... trong bài “Người đi tìm hình của nước” đã được in lại trên Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số 58 (tháng 5+6-2011) với chủ đề “Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”. Trong đó, lỗi thứ 2 là “Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người” thành “vinh hoa”.

Ngoài lỗi nói trên, một số bản chép, in lại bài “Người đi tìm hình của nước” còn “lấy bớt” hoặc “cho thêm” một số từ vào làm sai lệch nguyên gốc. Ví như ở các câu sau:

- “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc” đã bị thêm từ “với” vào câu thơ, thành “Luận cương đến với Bác Hồ…”.

- “Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát” bị chép thiếu từ “nước” thành câu “Giặc đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát”.

Đ.N.C.T
;
.
.
.
.
.