.

Đời sang trang mới

.
“…Đến lúc về ở và học nghề với cô Liền, được đi sinh hoạt ở các hội trại, được giao tiếp với nhiều người, em mới hiểu thế nào là cuộc sống”. Cô gái Trần Thị Hoa Măng bộc bạch tâm sự về cuộc sống của em sau gần 3 năm “đổi đời”, trở thành thợ thêu chính của Công ty TNHH MTV Dạy nghề Thanh Ngọc Minh.

Cuộc sống có thêm ý nghĩa

Mô tả ảnh.
Rời quê từ Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế vào Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Quốc tìm được một công việc phù hợp với sức khỏe và tình trạng khuyết tật tại Công ty N.Trung. 
Hoa Măng sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm 3 tuổi, sau một trận ốm, hai chân em bị teo dần. Năm 12 tuổi, “thèm” học quá, Hoa Măng bảo em gái kế dạy mình học chữ. Măng theo học bằng cách đó được  khoảng 4 năm. Rồi cô xin theo học vẽ chân dung, quảng cáo ở một tiệm in được 2 năm. Nhưng Măng để ý thấy tiệm cần người có sức khỏe để treo bảng hiệu, cô thấy mình “làm phiền” họ quá, nên xin thôi, rồi theo học nghề thêu ở Trung tâm Dạy nghề của Hội Chữ thập đỏ thành phố. Thời gian ở đây, Măng gặp cô Nguyễn Thị Liền, cô giáo dạy thêu tình nguyện. Khi thành lập Công ty Thanh Ngọc Minh, cô Liền ngỏ ý muốn Măng đến làm việc.

Từ ngày đó cô gái Hoa Măng trở thành người học nghề ở công ty, cùng ăn, ở lại nhà cô Liền như một thành viên trong gia đình. Sau Măng, cô Liền đón về nhà gần 10 em nữa, có em ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các em có cùng chung nỗi đau là sự khuyết tật của cơ thể. Cô Liền giúp các em có thêm quyết tâm, nghị lực, vượt qua hoàn cảnh, học từng đường kim, mũi chỉ trong nghề thêu tranh. Tranh thêu xong, chưa bán được nhưng cô vẫn trả lương cho các em đầy đủ. Hiện nay ngoài nhiệm vụ là thợ thêu chính, buổi tối cô Liền còn dạy Măng đan len, hướng cho Măng trở thành họa sĩ vẽ mẫu thêu.

Trước khi trở thành thợ in lụa ở Công ty TNHH N.Trung, anh Nguyễn Văn Quốc đã từng học rất nhiều nghề, có cả nghề làm bánh ga-tô, nhưng nghề làm bánh cũng cần đôi chân lành lặn để bưng ổ bánh đặt vào lò, anh đành thôi. Khi tham gia sinh hoạt trong Hội Người khuyết tật (NKT) thành phố, anh Quốc xin vào học nghề và ở lại làm tại Công ty N.Trung gần 8 năm nay. Hầu như gia đình nào có con em là NKT cũng dành hết tình thương cho họ, nhưng lại không có điều kiện để đầu tư, khiến cho cuộc sống của NKT dễ rơi vào cảnh phụ thuộc, bế tắc. Những ước mơ nếu có cũng sẽ xa vời, nếu như trong bước đường đời, họ không gặp được những người có hoặc không cùng cảnh ngộ, giúp họ nhận ra giá trị của bản thân.

Tạo việc làm - cần một cách nhìn khác

Hiện có 5 công ty có NKT đang làm việc với số lượng khá, nơi ít nhất là 10 người và nơi đông nhất lên đến 46 người. Tập trung vào những công việc như thiết kế, in ấn, thêu tay nghệ thuật, may và vật lý trị liệu, chủ yếu dành cho những người có khuyết tật về vận động. Và có 11 công ty, trung tâm có nhận NKT vào làm việc. Điều đặc biệt ở những công ty này là trong phần giới thiệu về công việc, có mục những công việc dành cho NKT (dạng nhẹ, làm được những việc phù hợp với sức khỏe và trình độ). Theo anh Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội Khuyết tật TP. Đà Nẵng, thì đây là “một cách nhìn khác về NKT của các doanh nghiệp. Họ chủ động gọi điện đến Hội, thông báo các vị trí tuyển dụng phù hợp, dành cho NKT. Và từ hơn nửa năm nay, Hội đã giới thiệu được hơn 20 người có việc làm”.

Như với anh Nghiêm, bị khuyết tật 2 chân, anh tìm học nghề ở một cơ sở in hơn 2 năm. Khi ra nghề, anh hùn vốn mở tiệm với một người bạn, cùng sáng lập Chi hội Thanh niên khuyết tật thành phố và đến năm 2005, anh thấy mình đủ bản lĩnh để mở một tiệm in-thiết kế quảng cáo riêng. Buổi đầu anh nhận 7 người thợ học nghề, trong đó có 5 NKT. Nhờ tham gia sinh hoạt hội, nhiều người tìm đến nhờ anh dạy nghề, tạo việc làm. Đến nay Công ty N.Trung của anh có 12 NKT đang làm việc, đã có 30 NKT được anh đào tạo nghề.

Anh Nghiêm cho rằng, khi chưa có nghề nghiệp ổn định, NKT thường tự cô lập mình, nhưng nếu được giới thiệu một công việc phù hợp, NKT thường làm khá tốt và làm hết mình, thể hiện rõ trách nhiệm. Với anh, sau nhiều năm làm việc với những người có cùng hoàn cảnh, cũng thấy tinh thần mình tốt hơn, phải nỗ lực nhiều hơn để tìm kiếm khách hàng, phải cố gắng gấp 2-3 lần để tìm đủ công việc cho anh em, cũng là cho bản thân mình.

NKT tạo việc làm cho NKT, bởi trên hết, họ cùng chung cảnh ngộ, như chị Ngọc Ánh, chủ doanh nghiệp Tâm Thiện tạo việc làm cho hàng chục NKT khác trong cơ sở may mặc của mình. Hiện Tâm Thiện là đơn vị có số lượng NKT làm việc đông nhất ở Đà Nẵng với 46 người. Hay như Công ty Thanh Ngọc Minh, đã đón về nhà mình hàng chục NKT, nuôi ăn, dạy nghề, giúp cuộc sống nhiều người thêm ý nghĩa.

Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho NKT được thành lập tại Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi gần 1,5 năm nay đã mở được 20 lớp với khoảng 100 học viên là NKT học nghề, được giới thiệu việc làm, mỗi người đi học được trợ cấp thêm 240 nghìn đồng/tháng.

Với những doanh nghiệp có nhận NKT, đây là một sự cởi mở về nhận thức, các công ty thừa nhận sự đóng góp các giá trị kinh tế của NKT, và đây cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hiện nay Luật NKT đã được ban hành, nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật chưa có, nên vấn đề mỗi đơn vị, doanh nghiệp sử dụng từ 2% đến dưới 35% lao động là NKT làm việc vẫn chưa có hiệu lực, chưa tạo được hiệu ứng xã hội cũng như các đột phá để nhiều NKT có việc làm hơn nữa.

Sự giúp đỡ về dạy nghề, tạo việc làm cho NKT là sự giúp đỡ bền vững và nhân văn nhất. Chỉ qua học nghề, có một công việc ổn định, NKT mới tự khẳng định mình, tiến đến không phụ thuộc và có thể đóng góp cho xã hội.

Hoàng Nhung
;
.
.
.
.
.