.

Gaddafi hay Kaddafi?

.
Gaddafi hay Kaddafi?
* Về tên gọi nhà cựu lãnh đạo Libya, có báo viết là Gaddafi, có báo lại viết Kaddafi. Xin cho biết vì sao lại có các cách gọi khác nhau như thế? Cách nào phổ biến hơn? (Nguyễn Hùng, Thanh Khê, Đà Nẵng).

- Tên nhà lãnh đạo của Libya nguyên được viết bằng tiếng Ả Rập nên đã không đồng nhất khi chuyển qua mẫu tự La-tinh. Vì mẫu tự tương đương với Q trong tiếng Ả Rập có thể phát âm nhiều cách khác nhau, “q” hoặc “k” hay “g” và “gh” tùy theo vùng.
 
Theo Wikipedia, vì không có sự chuẩn hóa trong việc chuyển tự chữ và cách phát âm theo vùng của tiếng Ả Rập nên tên của Gaddafi có thể được chuyển tự theo nhiều cách khác nhau. Một bài viết trên tờ London Evening Standard năm 2004 liệt kê 37 cách đánh vần tên ông này, trong khi một bài báo năm 1986 của The Straight Dope kê một danh sách 32 cách đánh vần đã biết tại Thư viện Quốc hội Mỹ.
 
“Muammar Gaddafi” là cách đánh vần được dùng bởi tạp chí Time, BBC News, phần lớn báo chí Anh và ban tiếng Anh của Đài Truyền hình Ả Rập Al-Jazeera. Trong khi đó, Associated Press, CNN, Wall Street Journal và Fox News sử dụng cách đánh vần “Moammar Gadhafi”. Edinburgh Middle East Report sử dụng “Mu’ammar Qaddafi”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dùng “Mu’ammar Al-Qadhafi”, báo Los Angeles Times viết “Kadafi” trong khi nhật báo New York Times viết “el-Qaddafi” cho có vẻ Ả Rập hơn!
 
Năm 1986, Gaddafi được thông báo đã trả lời một bức thư của một trường học tại Minnesota bằng tiếng Anh với cách đánh vần “Moammar El-Gadhafi”. Tân Hoa xã dùng “Muammar Khaddafi” trong các thông báo của mình.

Bản thân Gaddafi muốn website của mình dùng cách đánh vần “Muammar Al Gathafi”. Tên của ông trong tiếng Pháp thường được viết là “Mouammar Kadhafi” hay “Moammar Kadafi”.

Riêng tại Việt Nam, các phương tiện truyền thông chủ yếu thường sử dụng “Muammar Gaddafi”.
 
Câu nói đầu tiên qua điện thoại
Mô tả ảnh.
Alexander Graham Bell (1847 – 1922).
 
* Ai là người phát minh ra điện thoại và câu đầu tiên được nói qua thiết bị mới này là gì? (Hoàng Thị Nga, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Hiện đang có tranh cãi về người phát minh ra điện thoại, tuy nhiên Alexander Graham Bell vẫn được cho là ông tổ của chiếc điện thoại ngày nay và được nhận bằng sáng chế.

A.G. Bell chào đời tại Edinburg thuộc Scotland. Hồi nhỏ, ông theo học tại Trường Trung học Hoàng gia Edinburgh rồi theo học tiếp tại Trường Đại học Edinburgh nhưng sau tốt nghiệp đại học tại Toronto. Lúc đầu, ông chú ý đến lĩnh vực âm học do có ý định cải thiện chế độ nghe cho mẹ ông bị bệnh điếc.

Trong một thí nghiệm tình cờ, Bell phát hiện ra một hiện tượng vô cùng thú vị: Khi có dòng điện chạy qua đứt quãng, những vòng dây xoáy ốc sẽ phát ra âm thanh. Từ hiện tượng này, Bell đã có ý tưởng sáng chế máy truyền điện tín. Khi có tiếng nói, nếu như chúng ta có thể dùng sự thay đổi của dòng điện để mô phỏng sự thay đổi của sóng âm thì chắc chắn sẽ làm được việc là dùng điện truyền tải lời nói.

Năm 1870, ông theo cha mẹ di cư sang Canada, năm sau chuyển sang Mỹ. Tại đây, năm 1875, ông đã phát minh ra điện thoại. Một lần, ông đang loay hoay với chiếc máy điện thoại chưa hoàn chỉnh thì acid trong cục pin đổ vào quần ông, ông kêu trợ lý của mình: “Watson, hãy tới đây giúp tôi nào”. Watson đang ở một tầng khác, nghe thấy tiếng kêu thông qua một thiết bị mà ông đang thử nghiệm, liền chạy tới phòng của Bell.

Câu nói của Bell là câu nói mà người phát ngôn không hề biết là nó đã được truyền qua đường dây điện thoại và được lịch sử phát minh của nhân loại ghi nhận là câu nói đầu tiên qua điện thoại.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.