.

Gió thổi từ Đông Yên

.
Không màu mè, lãng mạn hay trau chuốt, điệu đàng, những câu thơ giản dị trong Gió thổi từ Đông Yên vẫn đủ sức níu chân người đọc. Đấy chính là nhờ tình cảm chân thành và sự trải lòng của VẠN LỘC, một người từng trải qua nhiều những hỉ, nộ, ái, ố trên đường đời mới nhận được hoa thơm và trái ngọt…

Những câu thơ như lời tự thú của Vạn Lộc, là những “vui buồn, thất vọng, khát khao tôi giấu kín trong lòng”, giờ trải ra trên từng câu chữ, thổi nhạc, thổi hồn để thành thơ. Do đó nhiều bài thơ ngắn, chỉ 4 câu nhưng dồn nén tâm trạng người viết như Trăng và bóng, Tóc bạc, Lối mòn… Một nỗi buồn mênh mang trong một tâm hồn đa cảm, có thể nói là khó thổ lộ cùng ai, đành âm thầm chịu đựng, và giãi bày với trăng, với những sợi tóc đổi màu theo thời gian. Và hình như Vạn Lộc luôn bị trăng ám ảnh, khi nhiều bài thơ của chị nói về trăng, hay nói về chính mình. Trăng đẹp, ánh sáng hiền hòa là thế, nhưng khi ta buồn, trăng khó làm cho người vui lên. Ở giữa vầng ánh sáng đó, những nỗi buồn khó gọi tên càng khiến cho người ta cô đơn. Nhưng sự cô đơn đó cũng mới chỉ dừng lại trong một tâm trạng thường trực: Từ trên cao nhìn xuống/Trăng tưởng mình đủ đôi (Trăng và bóng), người đọc chưa thấy một niềm vui, một sự hy vọng ở phía sau đó. Bài thơ trở nên giản đơn. Do đó nỗi buồn kia thành bé nhỏ, bình thường như ta gặp với bất cứ ai, khi nhìn ánh trăng trong một phút giây có nỗi buồn thoáng qua tâm hồn.

Trong Gió thổi từ Đông Yên, Vạn Lộc đặt ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi. Rất nhiều bài thơ có câu hỏi ở cuối bài. Đây là một thủ pháp nghệ thuật hay câu hỏi là chỉ để hỏi khi tác giả gặp những vấn đề trong cuộc sống? Thao thức hay Phũ phàng hỏi đã đành, ngay cả Thăm vườn mẹ, Hòn đá rơi xuống hồ cũng có dấu hỏi cuối bài. Thường khi tâm trạng có nhiều ưu tư người ta mới đặt câu hỏi. Hỏi để tìm câu trả lời. Nhưng đôi khi câu trả lời không bao giờ được giải đáp. Câu hỏi đó đặt ra không phải cho chính bản thân người hỏi nữa, mà được chuyển cho muôn người: Bàn chân thường chung dấu/ Tâm tình có gặp nhau? (Lối mòn).

Thơ Vạn Lộc không có sự cầu kỳ trong câu chữ hay vần điệu, cũng chưa gặp trong bài nào sự phá cách của nghệ thuật gieo vần, ngắt nhịp. Chị mới chạm đến ngưỡng của thơ, đó là sự chân thành, bộc trực trong tình cảm, mong tìm được sự thấu cảm từ người đọc. Sự ám ảnh nỗi đời từ chính cuộc đời của chị hay những cuộc đời chị bắt gặp để hoài thai những bài thơ ngắn, mang một nỗi buồn mênh mang. Hay như chính bài thơ viết về quê hương Đông Yên của chị, cũng dùng đặt tên cho tập thơ mang nỗi nhớ thương da diết, một niềm ưu tư vẹn nguyên. Các câu hỏi đặt ra tự nhiên để lại một dấu xoáy trong lòng người đọc, như ngọn gió thổi vô hồi. Quá khứ và hiện tại gặp nhau, ngọn gió quê hương cũng quấn quýt không rời, thổi từ Đông Yên, Cửa Hàn, quay về Cửa Đại, Mỹ Sơn. Gió có bao giờ thong dong? Như con người chìm vào trong thơ vẫn không thoát ra được những bi lụy của cuộc đời…   
  
Những bài thơ sau rút trong tập Gió thổi từ Đông Yên (NXB Văn học 2011). Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
Hiền Lương
 
Mô tả ảnh.
Gió thổi từ Đông Yên


Tôi xin làm ngọn gió
Quê mùa làng Đông Yên
Qua bao miền phiêu dạt
Hồn vẫn hoài cố hương

Có một thời nhớ thương
Tiếng thoi trong ký ức
Sợi tơ vàng thao thức
Vượt muôn trùng đại dương

Gió Đông Yên thổi đi
Gió Cửa Hàn thổi lại
Gió quay về Cửa Đại…
Gió bao giờ thong dong?

Dòng sông Thu soi bóng
Tháp Mỹ Sơn ngàn đời
Làm sao soi ngọn gió
Thổi vô hồi trong tôi?
 
Tóc bạc

Dăm ba sợi tóc bạc
Trên mái tóc đen huyền
Em soi gương nhổ tóc
Nhổ cả thời hoa niên.
 
Trăng và bóng

Dưới dòng sông xanh biếc
Một bóng trăng đơn côi
Từ trên cao nhìn xuống
Trăng tưởng mình đủ đôi
 
Que diêm

Đầu que diêm bật cháy
Đem lửa tặng nhân gian
Thân que tàn vất bỏ
Không một lời kêu than.
 
Nhớ quê

Xa quê xuôi ngược bao ngày
Về thăm làng cũ nghe say đắm lòng
Xưa đò Gặp, nối Phú Bông
Chừ xa vắng bãi lấp dòng sông xưa.

Còn đâu bến hẹn sớm trưa
Còn đâu lắt lẻo đò đưa hẹn chờ
Còn đâu phảng phất hương thơ
Còn đâu tà áo lượn lờ bên thôn.

Mái chèo gợn sóng Thu Bồn
Ngàn dâu xanh tận Chiêm Sơn bạt ngàn
Dâu xanh đẹp kén tơ vàng
Tơ em vương vấn cho chàng vấn vương.
 
Lối mòn

Trên lối mòn trăm ngả
Nghìn xưa nối nghìn sau
Bàn chân thường chung dấu
Tâm tình có gặp nhau?
 
Thường trú

Suốt một đời lưu lạc
Tạm trú nơi địa cầu
Rồi đến ngày mãn số
Biết thường trú nơi đâu?

                        Vạn lộc




;
.
.
.
.
.