Đến với lớp tập huấn Kiến thức-kỹ năng giúp con học tốt lớp 1 do các giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm tổ chức mới vỡ lẽ, để dạy con cần nhiều kỹ năng, phương pháp chứ không đơn giản như quan niệm lâu nay: Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn muốn “vẽ” gì thì “vẽ”.
Mẹ căng thẳng, con mệt mỏi
Theo như lời kể của chị Phương Lan, phụ huynh của em Trí Dũng (Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ), chuyển từ môi trường mẫu giáo sang lớp một, con của chị có một số biểu hiện căng thẳng: Buổi sáng cháu ăn rất chậm, nhiều hôm vừa tới cổng trường là cháu bị nôn mửa, giờ ngủ trưa ở lớp bán trú cháu thường hay khóc. Bài tập phải hoàn thành ở nhà nhưng có khi đến gần giờ đi học con mới nhớ ra; luôn lo lắng nếu đồ dùng học tập chưa đúng với yêu cầu cô giáo…
Nhiều phụ huynh khác cùng vô vàn tâm trạng khác. Người băn khoăn: “Cháu chơi game thì không sao nhưng cứ học bài là buồn ngủ” (chị Phương Mai). Người lo lắng: “Tối đến, khi học bài, con rất ít tập trung, thường than mệt, nằn nì xin nghỉ” (chị Hà). Người tự vấn “Làm sao để giúp con có động cơ học tập ngay từ những ngày đầu mới vào lớp một khi cháu không quan tâm đến việc hơn thua trong học tập, chỉ thích nhất là lúc ra chơi và giờ học nhạc!” (chị Lộc). Người thắc mắc: “Mỗi lần cô giáo gọi đọc bài, cháu đọc rất nhỏ, có bảo cháu đọc to lên bao nhiêu thì cháu vẫn không khắc phục được” (anh Lệ)…
Trẻ vào lớp một thường gặp nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường mới. Với nhiều trường hợp, giai đoạn lớp một là “cửa ải” của cả cha mẹ lẫn con trẻ mà không phải phụ huynh nào cũng có kỹ năng giúp con vượt qua thử thách này. Riêng với hiện tượng nôn, mửa của trẻ khi đến trường, T.S Huỳnh Thị Thu Hằng, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) phân tích: Không ít phụ huynh nghĩ trẻ giả bộ để tránh việc đi học. Nhưng đây là những cơn đau thực sự của trẻ, do trạng thái tâm lý căng thẳng tác động đến hệ thần kinh, gây ra những kích thích sinh hóa học, tạo ra hiện tượng nôn mửa. Hiện tượng này xảy ra khoảng một vài tuần sau khi bé vào lớp một và có thể kéo dài lâu nếu phụ huynh không biết cách khắc phục, động viên bé.
Giảm tải từ phụ huynh
Từ những tình huống cụ thể do chính phụ huynh đưa ra, các tư vấn viên đã “bắt bệnh” để chính các ông bố, bà mẹ gọi thẳng tên những vấn đề của mình, tự đưa ra các giải pháp khắc phục để các tư vấn viên phản biện.
T.S Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý học, Viện Tâm lý học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã giúp chị Phương Lan nhận thấy rằng chính mình đã gây áp lực cho con, con ý thức được mẹ mong muốn điều gì nên con càng căng thẳng. Ngay từ lúc đang học mẫu giáo, chị Lan cho con tham gia tất cả các lớp học năng khiếu trong khi thể lực của cháu yếu hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Chính áp lực của ba mẹ với những kỳ vọng vào thành tích học tập của con đã khiến trẻ rơi vào trạng thái stress, chán học. Trường hợp của chị Phương Mai, dù con đã học 2 buổi/ngày ở trường, nhưng từ 5 giờ đến 7 giờ tối, chị lại gửi cho con học thêm ở nhà cô giáo. “Trong trường hợp này, con không sợ học là đã may lắm rồi”, T.S Thu Hằng phân tích.
Các giảng viên cho biết: Có những trường hợp, con viết yếu, viết chậm nên phụ huynh cứ nghĩ bắt con tập viết cho thật nhiều thì thực tế, con càng mỏi tay, càng viết yếu hơn. Tốt nhất là đối với những trẻ như thế, nên cho con chơi các trò chơi như cắt, xé, dán, nặn đất… để tay trẻ khỏe và có độ cứng hơn. Thực tế, nhiều cha mẹ hiện đang rất thiếu kỹ năng giải quyết tâm lý, dạy dỗ con cái, dẫn đến áp đặt ý kiến của mình hoặc không có phương pháp điều chỉnh tính cách của trẻ.
Để con không nghịch phá lúc mẹ đang bận làm việc nhà, chăm bé nhỏ, chị Phương Mai thường cho con chơi game. Dần dà, cháu rất thích chơi game, mỗi ngày cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ cho việc này. Nếu không có biện pháp điều chỉnh kịp thời, cháu sẽ rơi vào tình trạng nghiện game và không còn hứng thú với việc học. Gia đình chị Lộc thì phải trị liệu hệ thống để giúp con có kỹ năng chấp nhận thất bại bởi nếu không chấp nhận nó, sau này, con sẽ không dám đối mặt với các thách thức của cuộc sống.
Từ những câu chuyện của học sinh, các tư vấn viên đã giúp phụ huynh nhìn thấy những vấn đề của mình để có cách giúp đỡ con hòa nhập nhanh vào môi trường học tập mới, có mục tiêu và phương pháp giáo dục tốt, giảm bớt áp lực lên con trẻ. Để con mình thực sự hạnh phúc khi đón nhận những thương yêu và kỳ vọng từ bố mẹ, thì phải xem trẻ em như một cây non, cách chăm sóc và kết quả nhận được là khác nhau. Ước mơ về tương lai của trẻ phải thực sự xuất phát từ con của chúng ta, tùy thuộc vào thể trạng, năng khiếu, tư chất của các cháu.
Việc áp dụng các phương pháp tư vấn vào cuộc sống là một vấn đề không đơn giản, cần sự kiên trì, nhẫn nại. Ngoài khóa tập huấn tổ chức thí điểm tại quận Hải Châu vừa qua, sắp tới các lớp tư vấn này sẽ được mở ở các quận Thanh Khê, Liên Chiểu.
Hiền Lương