.

Hãy giúp người mù “nối mạng”

.
Sau chữ nổi Braille, đến lượt công nghệ thông tin mang kiến thức đến với người mù và giúp họ từng bước hòa nhập cuộc sống.

Mô tả ảnh.
Chị Lê Thị Diệu Châu và ông Đào Hữu Cường, Phó Chủ tịch Hội NM thành phố Đà Nẵng, sử dụng phần mềm dành cho người khiếm thị.
 
“Kỷ nguyên lướt web” của người mù (NM) Việt Nam được bắt đầu vào cuối năm 2003, khi Trung tâm tin học Vì NM Sao Mai (TP. Hồ Chí Minh) đưa ra trình duyệt web tiếng Việt đầu tiên cho NM, gọi là trình duyệt Sao Mai (Sao Mai Browser). Tháng 4-2004, dự án thiết kế Sao Mai Browser kết thúc với phiên bản cuối cùng là Nettalk mà sản phẩm quan trọng nhất là bộ đọc Sao Mai.

Từ bộ đọc này, có thể tích hợp với phần mềm Jaws, phần mềm dạy tin học cho người khiếm thị, từ phiên bản 5.0 trở đi Jaws có thể “nói” được tiếng Việt. Thông qua sự phối hợp giữa Jaws và bộ đọc Sao Mai, NM có thể sử dụng được các loại phần mềm phổ thông như bộ MS Office. Điều này là một bước ngoặt lớn của tin học cho NM Việt Nam: NM đã có thể tự mình thiết kế web.

NM Đà Nẵng biết đến phần mềm Jaws vào năm 2007, khi Tổ chức ON-NET của Hoa Kỳ, thông qua Hội NM Việt Nam, trao tặng Trung tâm Tin học của Hội NM thành phố 6 dàn máy vi tính đã cài đặt phần mềm Jaws cùng máy in, máy scan để dạy tin học cho người khiếm thị. Trung tâm đã cử 2 giáo viên vào Trung tâm tin học Vì NM Sao Mai tập huấn.

Chị Lê Thị Diệu Châu, ủy viên Ban Thường vụ Hội NM thành phố Đà Nẵng, cho biết, sử dụng phần mềm này, NM phải thao tác hoàn toàn bằng bàn phím, khi con trỏ di chuyển đến mục nào trên màn hình thì máy sẽ “nói” về mục đó bằng tiếng Anh để hướng dẫn học viên sử dụng. Vì thế, người biết tiếng Anh sẽ dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng với phần mềm đặc trưng này.

Thời gian qua, Trung tâm Tin học của Hội NM thành phố đã mở được 3 khóa tin học cơ bản, mỗi khóa 3 tháng, cho 18 học viên. Từ đó, đã chọn ra được 5 học viên tiếp tục học lên lớp nâng cao 3 tháng nữa. Các học viên sử dụng máy vi tính thành thạo có thể soạn văn bản, gửi e-mail, chat, đọc báo...

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Ngọ, Chủ tịch Hội NM thành phố Đà Nẵng, các khóa học cũng chỉ mới dừng lại ở đó vì không có nguồn kinh phí tài trợ và thiếu máy vi tính. Hội đã thử liên hệ một vài cơ quan, doanh nghiệp để xin máy cũ, nhưng chưa được sự hỗ trợ tích cực. Vì vậy,  việc dạy tin học cho hội viên để không tụt hậu so với hai đầu đất nước vẫn còn trở ngại. Sau chữ nổi Braille, đến lượt công nghệ thông tin mang kiến thức đến với NM và giúp họ từng bước hòa nhập cuộc sống. Hội rất cần những nghĩa cử mang tính nhân văn của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.(*)

(*) Nếu bạn muốn chia sẻ với NM thành phố Đà Nẵng để họ có thể “nối mạng” với thế giới chung quanh, vui lòng liên lạc với ông Lê Văn Ngọ, số điện thoại 0914.524.468.

VIÊN PHÚC QUÂN
;
.
.
.
.
.