.
Hồ sơ Tên đường

Nguyễn Phan Vinh, người anh hùng “Đường Hồ Chí Minh trên biển”

.
21 tuổi nhập ngũ, 35 tuổi hy sinh, đó là hai cột mốc trong đời quân ngũ của Trung úy Nguyễn Phan Vinh. Tên tuổi của ông đã gắn liền với con đường huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và những “đoàn tàu không số”.

Mô tả ảnh.
Đường Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. (Ảnh: L.G.L)
 
Nguyễn Phan Vinh (1933 – 1968) quê xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1963 – 1968, ông là thuyền trưởng, chỉ huy nhiều con tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Nam theo “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Ông và đoàn thủy thủ của mình đã vượt qua mạng lưới kiểm soát dày đặc của địch để chuyển 11 chuyến hàng với 500 tấn vũ khí các loại vào chiến trường khu 5 và Nam Bộ. Trong đó, chuyến đi cuối cùng với tàu cao tốc 235 thuộc Đoàn 125, Bộ Tư lệnh Hải quân, đã ghi tên ông vào lịch sử chiến tranh Việt Nam.

11 giờ 30 ngày 27-2-1968, tàu 235 xuất phát chở hơn 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo để tiếp tế cho mặt trận Khánh Hòa. Hòn Hèo là tên chung chỉ dãy núi ven biển chạy qua hai xã Ninh Phước, Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng hơn chục cây số đường biển. Đây là bến hết sức khó vào, luồng hẹp, nhiều đá ngầm, có núi cao bao bọc phía ngoài. Một tài liệu của Pháp nói rằng muốn ra vào bến biển hiểm trở này phải là những tay thuyền trưởng lão luyện trên dưới 20 năm tuổi nghề. Trung úy Nguyễn Phan Vinh được cấp trên tin cậy giao nhiệm vụ chỉ huy con tàu này.

Đêm 29-2-1968, Nguyễn Phan Vinh chỉ huy tàu 235 đến ngang vùng biển Nha Trang và chuyển hướng vào bờ thì bị máy bay địch phát hiện. Địch huy động cả máy bay và 8 tàu chiến bao vây, ông đã mưu trí chỉ huy tàu bắn trả, đánh chìm 2 tàu chiến của địch, rồi xả khói mù, tăng tốc chạy vào Hòn Hèo để cho anh em thủy thủ lội vào bờ, còn ông và người thợ máy ở lại phá hủy, đánh đắm tàu và vũ khí rồi nhảy xuống biển bơi vào bờ sau cùng.

Địch đổ quân bao vây Hòn Hèo. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra rất ác liệt giữa ta và địch. Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng cùng 13 đồng đội. Về sau, ông được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất. Năm 1970, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhân dân xã Ninh Vân dựng bia kỷ niệm nơi xảy ra trận chiến. Đảo Hòn Sập (tên quốc tế: Pearson Reef) thuộc quần đảo Trường Sa được mang tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh. Đó là một hòn đảo san hô nằm tại tọa độ 8058’ vĩ Bắc, 113041’ kinh Đông, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 430 hải lý, được Hải quân Nhân dân Việt Nam quản lý, cắm cờ từ năm 1988.

Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho con đường dài 850m, rộng 7m, từ ngã ba Sơn Trà nối đường Ngô Quyền – Yết Kiêu đến đường Hoàng Sa theo Nghị quyết số 07/1998/NQ-HĐ ngày 2-7-1998 của Hội đồng Nhân dân thành phố khóa V, về đặt và đổi tên một số đường của thành phố Đà Nẵng. Nguyên đường này, năm 1975, có tên là Trần Quốc Toản, trùng tên với đường Trần Quốc Toản ở quận Hải Châu.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.