Trần Cao Vân (1866-1916) là một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại Trung kỳ Việt Nam, do Việt Nam Quang Phục Hội chủ xướng. Ở Đà Nẵng, tên ông , từ năm 1962, được đặt cho con đường dài 3.970m, rộng 10,5m, nối đường Quang Trung với đường Điện Biên Phủ.
Đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng. |
Trần Cao Vân (1866-1916) quê làng Tư Phú (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), một trong 11 làng thuộc vùng đất “Gò Nổi”, nơi sinh ra nhiều bậc anh tài của đất nước như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu...
Trần Cao Vân tên thật là Trần Công Thọ, lúc lớn lên từng học và đi thi lấy tên là Trần Cao Đệ, lúc vào chùa lấy pháp danh là Như Ý, khi ra hoạt động cách mạng đổi tên là Trần Cao Vân, biệt hiệu là Hồng Việt và Chánh Minh, còn có biệt danh là Bạch Sĩ. Theo những người đương thời kể lại thì ông có vóc dáng trung trung, mặt vuông, trán cao, đôi mắt sâu và sáng, năm chòm râu dài tha thướt trông thật uy dũng.
Thuở thiếu thời, ông đã sớm bộc lộ văn tài qua cách ứng đối nhiều tình huống ngay trong lớp học. Năm 1882, ông được cùng các sĩ tử dự đám tang của Hoàng Diệu, khi linh cữu được đưa về làng Xuân Đài, Gò Nổi. Chính cuộc đời lẫy lừng và cái chết lẫm liệt của vị quan đồng hương từng giữ chức Tổng trấn Bắc Thành này đã hun đúc trong ông một cách sống cho đáng sống.
Mồ côi mẹ, cảnh nhà thiếu vắng tình mẫu tử, năm ông 20 tuổi, đất nước rơi vào cảnh đen tối, nhục nhã. Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, đó cũng chính là năm mà ông đặt bước phiêu lưu. Ông bày tỏ thân thế một cách rõ rệt qua bài thơ “Vịnh chiếc cối xay”: Khen ai xưa đã khéo trêu bày,/ Bạn cối này ta vốn để xay./ Gốc Tý kiền khôn trồng giữa rốn,/ Cán Dần tinh đẩu vận trong tay./ Nghiến răng tựa sấm ỳ ầm dậy,/ Mở miệng dường mưa lác đác bay./ Tứ trụ dưới nhờ chân đế vững,/ Cùng trên phụ bật sẵn hai tay.
(Trong Đạo thư có câu: Thiên khai ư Tý, địa tịch ư Sửu, nhân sinh ư Dần. Trong bài thơ, ông dùng chữ “gốc Tý” để chỉ ngôi trời, “cán Dần” chỉ người. Ý nói mọi việc đều do ý trời và lòng người hợp lại mới mong thành tựu).
Năm 1887, sau thất bại của Nghĩa hội Quảng Nam với kết thúc đầy tính chất bi tráng của hai lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến, ông vào tu ở chùa Cổ Lâm, làng An Định, nay là xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc. Năm sau, ông ra Huế dự thi, nhưng vào đến trường ba thì hỏng, lại quay về chùa không chỉ để tiếp tục nghiên cứu kinh Phật mà nghiên cứu cả kinh Dịch, chuẩn bị cho việc soạn quyển Trung thiên dịch sau này.
Năm 1891, chùa Cổ Lâm bị khám xét. Thấy tình thế không thể ẩn mình trong chiếc áo tu hành, ông về làng Đại Giang mở trường dạy học. Năm sau, ông vào Bình Định, mở trường dạy học, làm thầy địa lý và bói quẻ. Chỉ trong vài năm, ông đã nổi tiếng, được nhiều thân chủ tín phục.
Năm 1896, Trần Cao Vân làm cố vấn cho cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ (Phú Yên). Nhờ sự khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình của Võ Trứ, nên Trần Cao Vân sau 11 tháng bị giam ở nhà ngục Phú Yên được trả tự do.
Năm 1900, trở về Bình Định, tiếp tục dạy học trò và bắt đầu phổ biến thuyết “Trung thiên dịch”. Ông bị bắt và bị kết tội đã phổ biến “yêu thơ, yêu ngôn”, “xúi giục dân làm loạn”, và bị kết án tử hình, tư về triều, sau hạ xuống còn 3 năm khổ sai.
Năm 1908, khi phong trào Kháng thuế giảm sưu nổ ra ở Quảng Nam, ông bị bắt và bị kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Năm 1914, được ân xá.
Năm 1915, ông tham gia Việt Nam Quang phục hội và cùng với Thái Phiên trở thành 2 nhân vật chủ chốt trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916. Kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ, Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng vua Duy Tân bị Pháp bắt trên đường ra căn cứ. Hai ông bị kết án tử hình, còn nhà vua bị đày sang đảo Réunion (châu Phi). Trần Cao Vân và Thái Phiên bị chém tại pháp trường An Hòa, gần Huế. Thi hài của hai ông được một nữ đồng chí là Trương Thị Dương bí mật đem chôn chung một huyệt gần chùa Châu Lâm (ngoại ô Huế).
LÊ GIA LỘC