.

Khoảnh khắc Viêng Chăn

.

Chỉ cần 8 giờ sáng lên xe khách tại Đà Nẵng thì tờ mờ sáng hôm sau bạn đã đặt chân đến thủ đô Viêng Chăn. Thả mình trên đường phố thênh thang, bạn có thể cảm nhận những khoảnh khắc của nhịp sống lặng lẽ, yên bình.

 

Mô tả ảnh.
Khải hoàn môn Patuxay.

Từ sáng sớm, rải rác dọc theo những con đường ở ngoại thành hướng về Viêng Chăn, chúng tôi đã nhận ra những nhà sư khất thực đi thành hàng qua trước cửa các ngôi nhà. Họ đi từng nhóm nhỏ, có đôi khi thành một đoàn dài. Tại trước cổng nhà của mỗi gia đình đều có người đã ngồi chờ sẵn bên lề  đường với thái độ thành kính, để bốc các nắm xôi hoặc bánh kẹo bỏ vào bình bát của tất cả nhà sư. Sự việc đó diễn ra thật trang nghiêm, lặng lẽ. Người cúng dường không nói và người khất thực đều chẳng nói lời nào.

 

Trong những khoảnh khoắc đầu tiên khi bước đến Viêng Chăn, điều ấn tượng lớn nhất của nhiều người là cuộc sống nơi đây diễn ra khá bình lặng. Đường phố thênh thang, với những ngôi nhà còn giữ nguyên nét kiến trúc thời Pháp thuộc, không một tiếng còi xe. Mọi người qua lại không bon chen, không vận dụng tốc độ. Dường như quanh quẩn thủ đô cũng chỉ có 5 con đường lớn: là Lan-xạng, Cay-xỏn-phôm-vi-hản, Xu-pha-nu-vông, Sệt-thả-thi-rát và đường Sam-xẻn-thay.

Hiển hiện trước mắt chúng tôi là công trình Cổng chiến thắng Patuxay (tưởng nhớ những người đã chiến đấu hy sinh cho đất nước Triệu Voi) chừng như luôn mời gọi những người khách lạ từ cả mọi hướng. Thoáng nhìn, Patuxai trông gần gũi với Khải Hoàn Môn của Paris. Tuy nhiên, đến gần, những nét hoa văn và những phù điêu chạm trổ  trên bề mặt cổng, trên vòm mái cho ta thấy công trình này rất đặc trưng văn hóa Lào. Ngay tại góc tây nam cổng, một tấm biển trang trọng viết bằng tiếng Lào và tiếng Anh cũng nêu rõ: “Ở phía đông bắc đại lộ Lan-xạng là một công trình lớn tương tự Arc de Triomphe (Khải Hoàn Môn). Đó là Patuxai hay là Cổng Chiến thắng của Vientiane, được xây dựng năm 1962 (Phật lịch 2505), nhưng vẫn chưa được hoàn thành do lịch sử trắc trở của đất nước…”.

Dù vậy, Khải Hoàn Môn vẫn chưa phải là biểu tượng chính thống của Viêng Chăn. Bởi thủ đô này vẫn nổi tiếng là đất Phật, xứ sở của những ngôi chùa  cổ. Hơn thế nữa, ở đất nước Lào, khi đến tuổi trưởng thành, hầu hết những người đàn ông đều ít nhất một lần phải vào chùa để tu. Dù có thể tu một lần, nhiều lần hoặc suốt đời tùy theo ý nguyện của gia đình hoặc bản thân. Việc đi tu như vậy, với người Lào thường có ý nghĩa nhằm báo hiếu cha mẹ, người thân. Theo tục lệ, chỉ người đàn ông mới được đi tu và họ sẽ phải tu thay cho mẹ, chị em gái của mình. Do đó, những cánh cổng chùa nơi đây không quá tách biệt  rời xa thế tục.

 

Mô tả ảnh.
Đường phố Viêng Chăn nhìn từ Cổng chiến thắng Patuxay.

 

Người hướng dẫn đưa chúng tôi đến ngôi chùa đầu tiên là  chùa Sisaket. Chùa nằm ở ngay trung tâm thành phố, gần Cung điện Hoàng gia, được xây dựng theo lệnh vua Anouvong vào năm 1818. Qua các thời kỳ chiến tranh, phần lớn các đền đài đều bị phá hủy hoàn toàn, ngoại trừ chùa Sisaket. Đến năm 1935, chùa được người dân Lào bảo tồn và trùng tu theo đúng kiến trúc gốc. Nơi đây, dọc phía bên cánh trái và phía sau chùa Sisaket là hai bức tường lớn dài hàng chục mét, khoét hàng ngàn những hốc nhỏ đều và thẳng tắp, an vị hàng ngàn bức tượng Phật với nhiều hình dáng lớn nhỏ khác nhau. Có bức chỉ còn thân, có bức mất tay mất chân, và nhiều bức mất đầu. Người ta cho rằng, xưa kia, những nghệ nhân tạc tượng thường gắn vào đầu của tượng những vật quý như vàng, bạc và coi đó như cách nhập hồn cho tượng, nên trong những lần chiến tranh, giặc giã, kẻ gian thường chặt đầu tượng, đem nấu chảy rồi đúc thành thỏi mang đi.

  Ở chùa Sisaket cũng như tất cả các ngôi chùa khác trên đất nước Triệu Voi, hằng ngày, các nhà sư sẽ vẫn phải đi hành khất. Việc khất thực chỉ diễn ra trong buổi sáng và có thể nhận không hạn chế đồ ăn mà người dân đưa cho. Số thực phẩm này ngoài việc để phục vụ 2 bữa ăn hằng ngày còn để phúng viếng những linh hồn được gửi trong chùa,  mà mỗi ngày người dân chung quanh cũng một phần mong muốn được gửi gắm đồ ăn cho người thân của mình ở thế giới bên kia.

Một ngôi chùa khác là chùa Simuong, người Việt thường gọi là chùa Bà hoặc chùa Mẹ cũng là một trong những ngôi chùa cổ linh thiêng bậc nhất ở Viêng Chăn. Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XII – XIII và được trùng tu vào thế kỷ XVI.  Những bà mẹ trẻ có thai lần đầu đều cố đến đây làm lễ để cầu được sinh nở mẹ tròn con vuông. Chùa tọa lạc ở ngã tư các con phố Sethathirat và Samsenethai. Trong khuôn viên chùa, ngay trước bệ thờ, có một bức tượng giống như một bào thai, sau khi lễ Phật, bà mẹ tương lai bế bức tượng lên một cách âu yếm, hôn một cách kính cẩn rồi mới đứng dậy ra về.

Đến Viêng Chăn, khách tham quan còn thường ghé đến chợ Talat Sao mà người Việt gọi là Chợ Sáng, bởi chợ chỉ mở cửa từ 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Chợ này có 3 khu nhà hai tầng rộng rãi, bán rất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ như vòng khuyên, đồ lưu niệm hay lụa là, vải vóc, hàng tiêu dùng.... Nhiều người cũng thích đến các khu phố ẩm thực đặc trưng của Lào, Việt... Tuy nhiên, điều còn lại để nhớ mãi về Viêng Chăn, có lẽ đó là khoảnh khắc của nhịp sống lặng lẽ, yên bình một lần chừng gợi nhắc cho ta những bước chân suy tưởng trên hành trình hướng đến ngày mai.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.