.

Kiếm tiền từ… vẽ bụi

.
Giữa dòng xe cộ hối hả trên con đường Bạch Đằng, tối tối, người ta vẫn thấy hai chàng trai trẻ đang mải mê với những tác phẩm phác họa chân dung… Đó chính là Nguyễn Đình Tiên, 25 tuổi, sinh viên (SV) năm cuối Trường ĐH Bách khoa và Đào Văn Quyết, 22 tuổi, SV năm 3 Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
 Đình Tiên say sưa với tác phẩm của mình.
 
“Phiêu” với tương lai

Vốn là dân Hà Nội gốc, nhìn chàng trai trắng trẻo, cao ráo Đào Văn Quyết, khó ai có thể biết để theo đuổi con đường kiến trúc, Quyết đã “đánh cược” với tương lai của mình. Từng là SV Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nhưng chỉ học đến năm 2, tự nhận thấy ngành đang học không thuộc sở trường và niềm đam mê của bản thân nên Quyết đã bỏ ngang để thi vào ĐH Kiến trúc (ngành Mỹ thuật). Trước khi “hành nghề” tại Đà Nẵng, chàng trai trẻ này đã từng vào tận Sài Gòn, Nha Trang, lên Đà Lạt vẽ cho những ai có nhu cầu. Những chuyến đi ấy không chỉ thỏa mãn được niềm khao khát được đi, mà còn đem về cho Quyết những trải nghiệm quý giá.

Giống như Quyết, trước khi là SV ngành Kiến trúc Công trình của ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Nguyễn Đình Tiên cũng đã từng có một thời gian ngồi trên ghế Trường Cao đẳng Công nghệ - Đại học Đà Nẵng. Nhưng rồi, tình yêu mãnh liệt với bản vẽ đã đưa Tiên đi theo con đường khác. Không cùng trường, nhưng giữa hai chàng trai có chung niềm đam mê nghệ thuật và họ còn chứng minh có thể tự kiếm sống bằng tay nghề của mình.

Sống bằng tất cả đam mê

Kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tập tành học vẽ, dù với tính cách của một nam nhi trai tráng, Đình Tiên vẫn không khỏi bùi ngùi. Vốn chuyên về thư pháp, nhưng ngày nay chẳng còn mấy ai yêu thích cái đẹp tài hoa ấy, nên chỉ vào dịp lễ lạt, Tiên mới có dịp trổ tài. Ban đầu, Tiên lang thang khắp xóm, hết xin người này đến người khác làm mẫu cho mình vẽ. Khá hơn chút, Tiên sắm ba chiếc ghế nhựa con con vào ký túc xá “hành nghề”, lấy giá rất SV – hai mươi nghìn đồng một bức với mục đích để quen tay. “Nhiều khi vẽ xong, mình không dám nhìn mặt khách vì biết vẽ... không giống lắm. Có lần tác phẩm còn bị khách hàng đem bỏ xó”, Đình Tiên tâm sự.

Ngày qua ngày, nay ngồi chỗ này, mai ngồi chỗ khác, cho đến khoảng nửa năm trở lại đây, đường Bạch Đằng trở thành điểm dừng chân lâu nhất của họ. Đứng quan sát Tiên và Quyết vẽ, mới thấy một niềm say mê rạo rực của hai chàng trai với nghệ thuật. Đối với vẽ chân dung, điều quan trọng nhất là thể hiện được cái thần của ánh mắt, sau nữa là khuôn miệng. Vẻ e thẹn của người thiếu nữ, nét ngây thơ trong sáng của đứa bé hay tâm trạng vui tươi, hứng khởi,… tất cả đều được thể hiện sinh động trong những bức tranh được trưng bày tại đây. Điều này chỉ có được khi người vẽ có sự quan sát tinh tế để “cảm” được thần thái, chiều sâu và tâm trạng của người đối diện.

Hằng đêm, Tiên và Quyết vẽ được khoảng 1 đến 4 bức. Giá mỗi bức năm mươi nghìn đồng. Mùa du lịch thì khá hơn, có đêm họ vẽ được đến 10 bức. Gặp khách Tây “sộp”, nếu vẽ đúng ý, có khi còn được thêm tiền “bo”. Nói về tham vọng của mình trong nghệ thuật vẽ chân dung, hai chàng trai đều mong muốn không chỉ đạt đến độ chuẩn xác về góc độ hình học mà còn tiến tới độ tinh tế về sắc độ, làn da bằng ngòi bút chì.

 Văn Khải – Bình An
;
.
.
.
.
.