Ngạc nhiên đầu tiên là con đường Hải Phòng - nơi nhà tôi đang ở, trước đây nhiều ổ gà lồi lõm, nay được nới rộng ra, trải nhựa láng bóng. Căn nhà tôi đã bị mất đi khoảng sân phía trước, nơi có cây đào ra nhiều trái mỗi độ hè về…
Một góc khu tái định cư của người dân Hòa Xuân ở phía nam cầu Cẩm Lệ. |
1. Đó là cảm xúc của Nguyễn Hữu Hồng Sơn trong bài viết “Đà Nẵng - những đổi thay kỳ diệu” đăng trên Báo Đà Nẵng tháng 9-2009. Từ Sài Gòn trở về Đà Nẵng vào năm 2003, Hồng Sơn đã “bị” những đổi thay của thành phố quê hương mình làm cho “như lạc bước từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”. Khoảng sân nhà tác giả đã hẹp lại để cho con đường đi qua trước nhà mình rộng ra, những mùa đào riêng đã mất để cả thành phố được những trái ngọt đầu mùa trong quá trình làm đẹp nhà đẹp phố.
Chẳng có cái mất nào giống cái mất nào, song có lẽ mất một khoảng sân bên đường Hải Phòng khó sánh được với mất một phần hay toàn thể ngôi nhà trên những con đường lớn như Điện Biên Phủ. Năm 2004, thành phố triển khai dự án mở rộng, nâng cấp con đường nằm trên địa bàn quận Thanh Khê này.
Ông Dương Văn Nghĩa, Trưởng phòng Điều hành dự án (Ban Giải tỏa đền bù Các dự án đầu tư xây dựng số 1 Đà Nẵng), nhớ lại: Trên đoạn đường dài 2,7km từ bùng binh đầu đường Lê Độ đến ngã ba Huế có 1.072 hộ phải giải tỏa để triển khai dự án - 441 hộ giải tỏa một phần, 631 hộ giải tỏa toàn phần (người dân gọi là giải tỏa “trắng”). Một dự án “đụng chạm” đến quyền lợi và sự an sinh của từng đó hộ trên một trong những con đường huyết mạch của thành phố, thật chẳng dễ triển khai chút nào.
Thế rồi, chỉ một năm sau, ngày 29-3-2005, dự án mở rộng đường Điện Biên Phủ ra 30m đã hoàn thành nhân chào mừng 30 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Ông Nghĩa bảo, nhanh đến bất ngờ và phân tích: Ngoài sự chỉ đạo từ thành phố đến quận Thanh Khê phải kể đến sự đồng tình đóng góp của người dân để làm đẹp diện mạo của thành phố. Tổng số tiền đền bù với giá cả hợp lý lên đến 110 tỷ đồng. Các hộ mặt tiền được bố trí tái định cư tại chỗ, các hộ bên trong kiệt hẻm được ra ở các đường rộng từ 5,5m đến 10,5m tại các đường Bế Văn Đàn, Cù Chính Lan, Khu dân cư Phần Lăng 1, 2... Không ai cảm thấy mình bị thua thiệt.
2. Theo ông Trần Văn Huy - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, “nhắc chuyện cũ để làm tốt hơn chuyện mới”. Từ khi thành lập quận (1997) đến nay, có 49 dự án đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn với trên 12.000 hộ dân phải giải tỏa, trong đó có trên 6.500 hộ giải tỏa “trắng”.
Hầu hết các dự án đã hoàn thành, chỉ còn 7 dự án đang ở vào giai đoạn cuối. Trong đó, lớn nhất là dự án Khu dân cư số 2 Phần Lăng (phường An Khê) với 1.065 hộ nằm trong diện giải tỏa, đã bố trí tái định cư cho 934 hộ. Hiện có 12 hộ ở tổ 30 An Khê có nhà thấp hơn đường quy hoạch và khu dân cư Phần Lăng 2 khoảng 1,5m, dễ bị ngập lụt, nhưng chưa được giải tỏa. Ông Huy đã trực tiếp đến nghe bà con bày tỏ nguyện vọng và đã có văn bản đề nghị thành phố đồng ý cho thực hiện giải tỏa đối với 12 hộ này và bố trí tái định cư trước mùa mưa năm nay. UBND thành phố đã giao cho Sở Xây dựng báo cáo đề xuất, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Việc đền bù giải tỏa ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội của người dân nên cần phải rút kinh nghiệm để tránh xảy ra bức xúc. Theo ông Huy, trước hết, phải công khai minh mạch về quy hoạch, dự án. Công khai tạo điều kiện cho công bằng, công bằng sẽ tạo tâm lý tốt và tránh những khiếu kiện không đáng có. “Nên hạn chế (tốt nhất là tránh) giải quyết giá đền bù nhiều lần cho một trường hợp. Áp giá không mang tính ân huệ mà là sự ngang ngay sổ thẳng giữa Nhà nước và dân theo các quy định”- ông Huy nhấn mạnh.
3. Quận Cẩm Lệ có 6 phường chia làm hai khu vực. Trong khi khu vực cận đô thị (Khuê Trung, Hòa An, Hòa Phát, Hòa Thọ Đông) đã hình thành những khu phố mới để “lên” đô thị thì khu vực nông nghiệp thuần túy (Hòa Xuân, Hòa Thọ Tây) đang ở vào điểm xuất phát tiến lên cận đô thị. Riêng phường Hòa Xuân, theo đánh giá của ông Võ Văn Thương - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, qua 3 năm thực hiện công tác kiểm định, giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, đến nay diện mạo đô thị Hòa Xuân đã dần dần được hình thành với trên 1.000 hộ làm nhà ở khu tái định cư mới kết nối với khu nam cầu Cẩm Lệ, trong đó có 80 hộ Cồn Dầu.
Quận Cẩm Lệ có 70 dự án (41 dự án xây dựng các khu dân cư mới và 29 dự án xây dựng hạ tầng) với tổng diện tích quy hoạch trên 2.320ha và gần 15 nghìn hộ nằm trong vùng quy hoạch, chiếm 70% diện tích và số hộ toàn quận. Các dự án này đã tạo ra những khu phố văn minh hiện đại, những đường phố phát triển thương mại dịch vụ.
Trong giải tỏa, nếu quận Thanh Khê không có đất sản xuất nông nghiệp nên nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến công ăn việc làm của người dân trong dự án thì ở quận Cẩm Lệ, bước đầu người dân có ảnh hưởng nhưng ít làm thay đổi dân sinh. Vì sao? Ông Thương giải thích: Hầu hết người dân đều tái định cư ngay trong địa bàn phường mình. Các khu chợ mới, các đường phố mới đã tạo việc làm đáng kể cho người dân vùng giải tỏa bằng các nghề buôn bán, dịch vụ. Bên cạnh đó, sau 6 năm thành lập quận, số doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng từ 200 lên 800 đã thu hút một lượng lao động không nhỏ.
4. Sau giải tỏa vẫn có một số hộ khó khăn. Ông Thương cho rằng không phải do giải tỏa gây ra mà do trước đó họ đã nghèo rồi. Đối với các hộ này, ngoài chính sách chung, quận còn hỗ trợ thêm mỗi hộ 10-20 triệu đồng. Riêng ở Hòa Xuân, các hộ giải tỏa thuộc diện nghèo, đặc biệt nghèo và hộ có giá trị đền bù thấp được hỗ trợ thêm từ 10-30 triệu đồng.
Số khác còn khó khăn là do tách ra từ hộ chính. Ở Thanh Khê, một nhà có khi 3 hộ, khi giải tỏa thì các hộ phụ cũng yêu cầu cấp đất lô phụ hoặc vô chung cư. Thay đổi chỗ ở, việc làm ăn thì bà con có thua thiệt lúc đầu, nhưng xét về mặt ở thì tốt hơn rất nhiều. Ông Huy tin rằng, với nỗ lực tự thân của bà con cộng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, sau “an cư”, bà con sẽ “lạc nghiệp”.
5. Đà Nẵng là địa phương có quy mô giải tỏa lớn nhất nước (với hơn 92.000 hộ dân, chiếm gần 1/3 hộ dân thành phố) để chỉnh trang đô thị. Phố mới đã được xây bằng sự đồng thuận lòng dân nên rất ít xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Cũng không cao xa gì, có khi chỉ đơn giản là đóng góp một chút để con đường đi qua nhà mình không còn ổ gà lồi lõm mà là con đường mới trải nhựa láng bóng.
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ