Cổng khách sạn Thái Bình Dương Đà Nẵng một tối mùa hè xôn xao chen chúc khán giả hâm mộ bóng đá. Người ta đến để được tận mắt chiêm ngưỡng các nhân tài bóng đá Sài Gòn như Võ Thành Sơn, Hồ Thanh Dũng, Lâm Minh Lý sau trận đấu hào hứng trên sân Chi Lăng vào buổi chiều.
Hảo thủ TP. Hồ Chí Minh chiều ấy đã cống hiến một trận cầu ngồn ngộn cảm hứng, say đắm lòng người hâm mộ xứ Quảng từ lâu vốn xem Sài Gòn là đất sản sinh, dung nạp biết bao tài năng bóng đá và là hình mẫu của nhiều địa phương đang bắt tay vào công cuộc phát triển môn thể thao vua…
Đó là chuyện xảy ra 30 năm trước, vào lúc các cuộc tranh tài ở Giải bóng đá hạng A1 luôn sôi động vào cuối tuần với các khán đài từ Nam chí Bắc lúc nào cũng nêm chặt khán giả. Đó cũng là giai đoạn bóng đá thành phố Hồ Chí Minh cùng với bóng đá Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam Ninh “thao túng” sân cỏ cả nước bằng số lượng áp đảo các đại biểu tranh tài ở giải bóng đá đỉnh cao quốc gia và bằng chất lượng vượt trội so với mặt bằng bóng đá tỉnh lẻ, một khoảng cách khá xa để các địa phương này đuổi kịp.
Ngày ấy, Cảng Sài Gòn vào thời sung mãn phong độ dường như muốn thắng ai trong các đội tỉnh lẻ kia cũng dễ dàng (đội này từng thắng đội Nghĩa Bình thời ấy, tiền thân của đội Bình Định bây giờ, những 8 bàn cách biệt). Còn Hải quan, Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công nghiệp thực phẩm thì đi đến đâu cũng được chào đón bằng tất cả rạo rực trông chờ. Cầu thủ tài năng, thi đấu bằng tài nghệ và cảm hứng chất ngất trong đội hình được tổ chức và chăm chút công phu, kỹ lưỡng, các đội bóng của thành phố Hồ Chí Minh ngày ấy là niềm cảm hứng sân cỏ của nhiều thế hệ khán giả, nhiều vùng đất...
Nhắc chuyện 30 năm trước để thấm thía cảnh biển dâu của làng bóng thành phố này. Từ chỗ thống lĩnh làng bóng cả nước một thời gian dài, sân chơi của thành phố này ngày càng hẹp lại với chỉ vỏn vẹn hai đại biểu được ngồi trong chiếc chiếu cao nhất của làng bóng quốc gia ở V-League là Navibank Sài Gòn và Sài Gòn Xuân Thành. Nhưng bản thân hai cái tên này cũng không đủ sức hút với người hâm mộ vì tình trạng vay mượn nửa dơi nửa chuột, không tập hợp và phản ánh được tài nghệ, tố chất của bóng đá Sài Gòn. Sân Thống Nhất vốn sôi động ngày nào, vì thế, ngày càng quạnh vắng, đìu hiu. Bản thân người hâm mộ bóng đá thành phố Hồ Chí Minh không tìm thấy bóng dáng tin yêu, khát vọng của chính họ trong các đội bóng của thành phố này thì hỏi sao khán giả cả nước- vốn ngưỡng mộ chất lượng, phong cách bóng đá Sài Gòn- không khỏi ngỡ ngàng hụt hẫng!
Tìm đâu bây giờ những thế hệ cầu thủ từng gieo vào cảm hứng người xem cái đẹp của bóng đá Sài Gòn, những Minh Nhí, Khánh Hùng, Lưu Tấn Liêm, Trương Văn Dưỡng, Đỗ Khải chỉ nghe đến tên thôi thì khán giả đã háo hức vào sân? Tìm đâu một Cảng Sài Gòn hào hoa giàu sức sống, một Hải quan sắc sảo, hiệu quả, một Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh xuất thần, điệu nghệ? Nhiều cuộc hội thảo đã nêu các câu hỏi xót xa này nhưng dường như câu trả lời vẫn còn đâu đó rất mông lung. Làng bóng thành phố này vừa có ban lãnh đạo mới, đứng đầu là một chuyên gia có tên tuổi từng gắn bó với bao thăng trầm nhưng không ít người chờ đợi vào sự hồi sinh nếu không có những giải pháp cách tân thiết thực.
Làm sống lại cái hồn của một làng bóng giàu cảm hứng trong thời buổi bóng đá thị trường không hề là chuyện ngày một ngày hai…
Đình Xê