Có trên tay tấm bằng thạc sĩ về quan hệ công chúng, Sylvia hy vọng rằng cô sẽ có công việc ổn định, có thể thuê nhà ở riêng thay vì cứ phải sống “ké” ở nhà cha mẹ. Nhưng giữa mơ và thực ở Tây Ban Nha lúc này là khoảng cách xa vời vợi.
Giới trẻ Tây Ban Nha trưng biểu ngữ phản đối “Không nhà, không việc làm, không trợ cấp, không sợ sệt” tại một điểm ATM. |
Cô thạc sĩ 24 tuổi này đã có việc làm từ một năm nay nhưng mức lương chỉ là 300 euro/tháng trong một công ty quảng cáo. Nói như cô, đó là mức lương chỉ để biết cô cũng tìm được việc làm (nhiều bạn bè cùng trường thất nghiệp). Thực tế nó không đủ để cô ăn trưa, đi xe bus nên cứ phải bám vào cha mẹ.
Câu chuyện như Sylvia không chỉ đầy rẫy ở Tây Ban Nha mà cũng đang diễn ra ở hai nước láng giềng Bồ Đào Nha và Ý. Những nước ở miền Nam châu Âu đang có xu hướng giải quyết việc làm bằng những bản hợp đồng tạm thời trong bất cứ ngành nghề nào. Trước đây, chỉ có một vài ngành như xây dựng, du lịch và nông nghiệp mới sử dụng lao động tạm thời. Nay, Chính phủ Tây Ban Nha xác nhận có tới 80% hợp đồng ký kết từ một thập niên qua chỉ là những bản hợp đồng một năm.
Tại ba nước (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý), đang có hệ thống lao động kép song hành. Những người trung niên có việc làm ổn định sẽ rất khó bị sa thải vì những ràng buộc luật pháp. Những người trẻ tuổi muốn thoát tình trạng thất nghiệp đã sẵn sàng với những công việc tạm thời. Do đó, các công ty dễ dàng hạn chế tối đa các bản hợp đồng dài hạn.
Mức lương 1.000 euro/tháng từng bị xem là thấp ở châu Âu cách đây một năm nhưng giờ đây lại là “giấc mơ” của giới trẻ Nam Âu. Maria Marin, chuyên gia về lao động và giáo sư lịch sử tại trường đại học Tây Ban Nha thừa nhận mức lương được xem là thấp năm trước, bây giờ như một giấc mơ.
Cũng vậy, chàng thanh niên Ý Federico, 27 tuổi đã phải đổi việc làm liên tục từ năm 2009. Anh cho biết vừa từ chối việc làm mới có thời hạn một năm vì mức lương tháng chỉ có 500 euro và phải làm tới 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Anh không đủ tiền thuê nhà nên phải sống “ké” cha mẹ. “Tôi đã gửi rất nhiều hồ sơ xin việc, tới cả những công ty tôi không thích nhưng vẫn không tìm được việc làm như ý”, Federico cho biết. Việc sống “ké” nhà cha mẹ phản ánh sự bất lực của giới trẻ, sự bất lực của các Chính phủ trong nỗ lực tạo công ăn việc làm.
Tịnh Bảo