.

Nâng như nâng trứng

.
Những hiện vật (HV) trong các bảo tàng tưởng như vô tri vô giác nhưng đằng sau nó là cả một câu chuyện lịch sử và để bảo quản những HV ấy suốt đời, những nhân viên bảo quản phải “thăm hỏi” chúng thường xuyên bằng các phương pháp nghiệp vụ, chống lại sức tàn phá của thời gian và nói như chị Bùi Thị Cảnh, Trưởng phòng Kiểm kê-bảo quản, Bảo tàng Đà Nẵng (BTĐN), thì phải “nâng như nâng trứng”.

Mô tả ảnh.
Lau chùi thường xuyên, phải nhẹ nhàng như “nâng trứng” với HV gốm sứ Chu Đậu.
Phải đến lúc chuyển về nhà mới nằm trong thành Điện Hải, những HV ở BTĐN mới chứng tỏ hết giá trị của nó, kể cả lúc nằm trong các kho chứ không hẳn đã ra phòng trưng bày. Và lúc này, những nhân viên làm công tác bảo quản mới có thể áp dụng nhiều phương pháp bảo quản khác nhau để lưu giữ HV mãi mãi theo thời gian. Bởi trước đây bảo tàng không có kho chuyên biệt, việc giữ cho HV không bị mất mát, hư đã là một cố gắng của người bảo quản, nay các chị có thể bổ sung thêm hồ sơ cho từng HV, thay chất bảo quản cho phù hợp, bổ sung thường xuyên HV cho từng bộ sưu tập… Những công việc tưởng chừng như lặng thầm ấy, trong không gian tầng hầm của bảo tàng mới thấy hết việc bảo quản sao cho tốt cũng là nỗi trăn trở của 3 nhân viên làm công tác kiểm kê, bảo quản.

Như với chất liệu vải, trước đây các chị không dám giặt vì sợ hư. Nhưng sau một chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm các bảo tàng lớn ở Hà Nội, các chị đã tiến hành giặt. Việc giặt cũng lắm công phu như giặt bằng tay, khi phơi phải trải trên nền chứ không phải trên dây phơi, khi khô phải tiến hành ủi. Những công đoạn như thế phải làm một cách thận trọng, tránh ảnh hưởng đến chất liệu. Cách bảo quản HV làm bằng vải trước đây cũng theo kinh nghiệm của hàng triệu bà mẹ Việt Nam dùng trong gia đình là dùng long não. Cái hạn chế của chất long não là để lâu sẽ chảy nước, làm hư vải. Mới đây một đồng nghiệp-chị Nguyễn Thị Ơi - Phó phòng Kiểm kê-bảo quản chỉ cho chị cách dùng hoa đinh hương để chống ẩm, gián và các côn trùng khác có thể gây hại cho vải. Nhưng hoa đinh hương khá khan hiếm trên thị trường Đà Nẵng, giá thành khá cao nên các chị chuyển sang dùng sáp thơm.

Những thay đổi trong áp dụng phương pháp bảo quản đó, chủ yếu các chị học… lóm từ bạn bè đang làm ở các bảo tàng lớn. Bởi những chuyến tập huấn về phương pháp bảo quản, các nguyên vật liệu bảo quản do nước ngoài tổ chức, chỉ mời các bảo tàng lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chương trình bảo quản do Cục Di sản tổ chức thì vài ba năm mới có một lần, không đủ để… theo kịp thời đại hay sự tàn phá của thời gian lên HV.

Không riêng BTĐN mà nhiều bảo tàng lớn trên cả nước đang gặp phải vấn đề đau đầu trong phương pháp bảo quản với những HV khảo cổ học có chất liệu bằng sắt, niên đại từ thời văn hóa Sa Huỳnh. Đó là sự ăn mòn từ bên trong ruột của HV. Năm 1984, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã giúp bảo tàng xử lý thử nghiệm một số HV bằng cách bọc một lớp keo chuyên dùng ra ngoài HV. Nhưng được khoảng thời gian 5-7 năm thì HV vẫn bị hư do bị bung lớp ruột sắt từ bên trong ra. Ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc BTĐN cho rằng ngoài sự tác động của môi trường, khí hậu, thì cách hư của HV bằng sắt cách đây hàng nghìn năm khiến các bảo tàng “bó tay”, chưa nghĩ ra cách bảo quản tốt nhất. Nên hiện nay những HV sắt này (chiếm 40-50% tổng số HV sắt khảo cổ học) không thể trưng bày mà dành cho công tác nghiên cứu, đối chiếu, so sánh.

3 phòng kho của Phòng Kiểm kê-bảo quản, BTĐN có diện tích khoảng 500m2, đang lưu giữ trên 13.000 tài liệu, HV, được chia theo các chất liệu khác nhau như: kho kim loại, kho đồ mộc-sành sứ, kho vải. Mỗi HV có đầy đủ hồ sơ pháp lý như một tài sản chính thức của bảo tàng cũng như của Nhà nước.
(Ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc BTĐN)
Là người nhiều năm quản lý và trực tiếp làm mảng bảo quản hiện vật, ông Hồ Đắc Trai đã áp dụng một cách bảo quản những HV bằng giấy dó có từ thế kỷ 17, 18 là những văn bản gia phả, chiếu chỉ, sắc phong bằng cách kẹp HV giấy dó đó giữa hai tờ giấy dó mới được sản xuất gần đây. Giấy dó có khả năng hút ẩm đã tạo nên một phương pháp tưởng như đơn giản nhưng rất hiệu quả trong bảo quản.

Và nhiều phương pháp bảo quản khác đã và đang tiếp tục áp dụng tại BTĐN  cho hiệu quả rõ rệt. Như với HV bằng kim loại (súng, đạn), trước đây được chùi rỉ sét bằng giấy nhám và đánh bóng bằng dầu luyn. Nhưng dầu luyn có đặc điểm dễ bám bụi nên mới đây các chị học cách làm từ Bảo tàng Di tích chiến tranh là dùng sơn toa thay bằng luyn. Và hiệu quả là HV sáng bóng, ít bám bụi, dễ lau chùi. Hay với những HV bằng tre, nứa, gỗ, đồ vải, trước đây các chị pha bóng đèn vào cánh cửa tủ để tạo độ ấm nhất định cho HV. Thậm chí vào những ngày tiết trời mát mẻ, tủ đựng HV được mở bung cửa…

Hiện nay, BTĐN đã được trang bị một số loại tủ chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ bằng kỹ thuật số, có hệ thống điều hòa để bảo quản vải và giấy; máy hút ẩm công nghiệp kỹ thuật số có thể chỉnh độ ẩm thích hợp (55-60%) để bảo quản tranh vẽ, đồ cổ, giấy tiền, sách, hồ sơ, tài liệu… có thể giúp bảo quản tốt HV trong điều kiện khí hậu nóng, ẩm của Việt Nam.

Hoàng Nhung
;
.
.
.
.
.