Ông Mãn đi hết làng trên xóm dưới của xã Hòa Liên để tìm con. Bước chân ông nặng như đeo đá, khấp khểnh đi giữa những con đường vốn thân thuộc nhưng giờ trở nên lạ lẫm. Trong lòng ông là trăm mối lo, buồn, xen lẫn nỗi ân hận. Thằng con trai độc nhất của ông trở thành kẻ “phá gia chi tử”, kể từ sau khi ông ôm về nhà đống tiền nhận đền bù đất ruộng giải tỏa.
Đất dự án đã đổ vào sát nhà, ruộng hết, bà Bùi Thị Xí chọn giải pháp nuôi vịt để đắp đổi qua ngày. |
Những bài học không bao giờ cũ
Nỗi lo khiến từng nếp gấp hằn sâu trên khuôn mặt mới qua tuổi 60 của ông Mãn. Con ông chưa qua tuổi 20, là con trai duy nhất trong gia đình có 3 cô con gái, nên ông cưng nó từ nhỏ. Cưng, nhưng làm gì có tiền cho nó tiêu để nó thành con hư. Đùng một cái, đất ruộng gần một mẫu nằm trong diện giải tỏa, ông ôm về nhà một đống tiền. Ông cho mỗi đứa vài chục triệu. Riêng thằng con trai, ông mua cho cái xe máy 45 triệu, chiếc điện thoại cầm tay 2 triệu. Ông không biết từ ngày đó, nó bắt đầu tụ tập đàn đúm với đám bạn thất học, rồi rượu chè, đánh bạc. Nó bắt đầu về nhà xin tiền, khi vài trăm, khi cả triệu. Ông tặc lưỡi, quát một câu, nhưng vẫn móc ví. Thằng con trượt dài trên con đường ăn chơi. Đến lúc ông Mãn nhận ra thì nó đã lún sâu vào chuyện đánh bạc…
Đánh bạc với số tiền lớn, nó đi vay nóng, rồi cầm xe. Ông mang 15 triệu đi chuộc. Được vài bữa, nó cầm tiếp 30 triệu, ông tiếp tục chuộc. Nhưng rồi nó bán luôn. Tưởng không còn cái xe máy, thằng con tỉnh ra. Ông dỗ dành con, thuyết phục con đi làm. Ông xin cho con đi làm bảo vệ ở một công ty dưới phố, còn mình thì lên Hòa Khương làm bảo vệ. Mỗi ngày ông cho nó thêm 50 nghìn đồng, tự mình đổ đầy xăng chiếc xe máy cũ. Được 20 ngày, thằng con về, tuyên bố không đi làm nữa vì… đi xe cũ xấu hổ lắm (!?), rồi bỏ nhà đi, còn gọi điện về xin 10 triệu để trả số nợ cũ.
Nhà ông Mãn ở thôn Quan Nam 2, xung quanh đó có hàng chục thanh niên cỡ tuổi như con ông bỏ học giữa chừng, không có việc làm. Giờ có tiền của cha mẹ nhận đền bù, có điều kiện để sắm mỗi cậu một cái xe xịn, có tiền để ngồi đồng ở quán cà-phê, nghe nhạc, và đánh bạc.
Nhà bà Bùi Thị Xí, ở thôn Quan Nam 5 không rơi vào cảnh đó, nhưng em trai bà cũng vì chiều con, giờ bị bệnh nằm một chỗ. Đứa cháu bà đã tiêu của cha mẹ gần 190 triệu đồng, cầm luôn cả xe máy, cả sổ đỏ đất đai của gia đình…
Có tiền, lại là số tiền lớn nhận từ đền bù giải tỏa, người dân ở những vùng quê nghèo, tưởng như tài sản từ trên trời rơi xuống. “Miệng ăn, núi lở”, những gia đình, tiền không chỉ dùng để ăn, mà dùng để mua xe xịn, để sắm vật dụng trong nhà, và để cho những cậu con chưa làm ra tiền nướng vào chiếu bạc, chỉ vài tháng sau tiền đã không còn. Lúc ấy, có muốn tìm cách thay đổi cuộc đời cũng khó. Chuyện tiêu tiền ở vùng giải tỏa đã không còn mới khi quá trình chỉnh trang đô thị vươn về từng vùng nông thôn. Người nghèo sẽ càng nghèo đi khi những câu chuyện như trên không được xem là những bài học không bao giờ cũ…
Chiều về, những đàn bò trở nên hiếm hoi giữa vùng nông thôn sắp đô thị hóa. |
Gửi tiết kiệm, dè sẻn chi tiêu
Sau khi làm nhà, vợ chồng ông Trần Chỉ ở tổ 17 khu dân cư Bá Tùng 1, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn ngồi tính tiếp sẽ làm cái gì để có đồng ra đồng vào hằng ngày, còn lo cho cậu con trai đang học năm cuối Trường CĐ Điện lực miền Trung. Bà tính sẽ nhận giữ giùm mấy đứa nhỏ con hàng xóm, ông thì phụ giúp. Ông Chỉ đã gần qua tuổi 70, giải nghệ sau 50 năm làm nghề thợ mộc, cộng với số tiền 186 triệu đền bù, dành dụm được bao nhiêu ông bà đã đắp vào cái nhà hơn 300 triệu, nên tiền đất hơn 100 triệu ông xin khất lại Nhà nước. Nhìn hai mái đầu bạc ngồi tính chuyện tương lai, mới hay, cũng một đồng tiền đền bù, mà nơi này, nhà này lại biết chắt chiu gìn giữ, nơi kia, nhà kia lại mặc lòng vung vãi.
Anh Phùng Đăng Dũng ở tổ 20 Mân Quang 1, phường Hòa Quý đã tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội nhưng sức khỏe yếu, bị tật nên anh xin nghỉ mất sức, về làm ruộng. Anh Dũng cho biết số tiền đền bù ruộng không lớn, chỉ khoảng 200-300 triệu mỗi hộ, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, nếu bây giờ sắm sửa, tiêu pha thì sau này biết lấy lại ở đâu. Nên nhiều gia đình ở khu vực Mân Quang này đã chọn giải pháp dồn hết tiền đền bù vào ngân hàng. Đó là cách an toàn để tiền còn lại, sau này tính chuyện làm nhà, làm ăn”.
Bà Huỳnh Thị Nga, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Quý cho biết, trong số gần 1.300 hộ nằm trong diện giải tỏa vẫn có nhiều hộ dùng tiền đền bù để mua xe cho con, sắm vật dụng như giàn karaoke chỉ để hát nghêu ngao cả ngày. Số này không nhiều bởi với 302ha đất ruộng bị giải tỏa, “trước mắt phường chỉ đạo các hội, đoàn thể vận động bà con gửi tiết kiệm lấy lãi trang trải hằng ngày. Phường cũng chưa có định hướng chi tiết về vấn đề việc làm cho bà con, nên với những hộ sử dụng tiền không đúng mục đích, sẽ có nguy cơ nghèo, đây là nỗi lo của chúng tôi”, bà Nga bộc bạch.
Cũng như ở Hòa Quý, UBND xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang đã thành lập tổ vận động đền bù, giải tỏa, các hội, đoàn thể họp với từng khu dân cư để hướng dẫn cách sử dụng đồng tiền đối với từng hộ dân. Ông Lê Văn Lượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho rằng số tiền nhận được là của mỗi gia đình, mình không có quyền can thiệp vào, nhưng đề ra các giải pháp chung như tiền đó bao nhiêu sẽ chia cho con, bao nhiêu có thể mua sắm một số đồ dùng thiết yếu, số còn lại phải gửi vào ngân hàng để còn làm nhà, còn tính những chuyện lâu dài khác liên quan đến việc mưu sinh… Chỉ chừng đó thôi là dân sẽ nghe theo.
Với nhiều người làm nông ở những nơi đang chờ giải tỏa, vụ đông xuân vừa rồi đã trở thành vụ cuối. Số tiền đền bù đất ruộng sẽ trôi tuột, nếu người dân không toan tính kỹ càng. Những phép tính, những cân đo đong đếm sao cho vừa, cho đủ đang trở nên khó khăn, nhiều khi là quá sức. Sử dụng đồng tiền như thế nào, là điều mà những người dân quen chân lấm tay bùn luôn cần được tư vấn, trợ giúp.
Hoàng Nhung