.

Người đi nói chuyện hạnh phúc

.

Mô tả ảnh.

Một nguyên tắc bà Nguyễn Thị Vân Lan luôn muốn chị em tuân thủ để có được tình yêu, là hãy biết làm đẹp. “Tiếp xúc với một phụ nữ, người ta nhìn trước, nghe sau. Ngược với gặp đàn ông, người ta nghe rồi mới nhìn”. Tưởng với “chân lý” này, bà Vân Lan là người rất “mốt”. Trên thực tế, bà chẳng đổi kiểu tóc qua hàng mấy chục năm và luôn trung thành với quần tây đen, áo sơ-mi đơn giản. Con dâu có lần nhắc khéo: “Mẹ mà cứ như vậy các tiệm làm đẹp chẳng thể sống nổi”. Còn bà lại nghĩ: Đẹp là phù hợp.

 

Như lửa than bùng cháy

Người ta từng thấy bà Nguyễn Thị Vân Lan (sinh năm 1950) trong vai trò Chủ tịch Hội LHPN tỉnh QN-ĐN, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Đến lúc nghỉ hưu, bà lại đảm nhận thêm nhiều công việc mới: Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam; Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ, trẻ em nghèo bất hạnh thành phố. Nhưng còn một “nghề” bà Vân Lan vẫn nặng lòng gắn bó,  tựa như một đam mê. Đó là tư vấn tâm lý. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hạnh phúc gia đình.

Lần đầu tiên bà Vân Lan đóng vai trò chuyên gia tư vấn tâm lý là vào năm 2008, thời điểm vừa nghỉ hưu. Lúc bấy giờ, bà tham gia tư vấn cho hai kênh Hội LHPN và Hội Bảo trợ phụ nữ, trẻ em nghèo bất hạnh; đồng thời là cộng tác viên của tổng đài 108. Tuy nhiên, ước mong được chia sẻ, giãi bày về tâm lý đã ấp ủ trong bà từ khi bắt đầu tiếp nhận công việc Chủ tịch Hội LHPN tỉnh QN-ĐN cách đây 24 năm. “Hồi ấy, vừa nhận nhiệm vụ, tôi đã thành lập Trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục gia đình. Ý nghĩ gia đình là quan trọng nhất, làm thế nào để mọi người nhận thức tốt điều này đã nhen nhóm từ rất lâu. Nên khi nghỉ hưu, nó như ngọn lửa than được bùng cháy”, bà Lan tâm sự.

Bà thú nhận: “Chia sẻ tâm tư để niềm vui được nhân đôi, nỗi buồn vơi đi một nửa mới là đam mê máu thịt của tôi”.

Có khi người ta mời bà đi nói chuyện với tư cách một chuyên gia. Có khi người ta gõ cửa phòng trong lúc bà đang làm việc. Sắp xếp được thời gian thì bà sẵn sàng bỏ hàng giờ đồng hồ hầu chuyện, còn không, bà vẫn bằng một cách nào đó giúp họ tháo gỡ nỗi niềm. Đặc biệt, với đặc thù công việc hiện nay thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ nghèo, bà không bao giờ quên khéo léo lồng ghép chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc qua cách kể những câu chuyện tưởng như nghe cho vui. Đến thăm chị em đơn thân khu nhà liền kề hay trao quà cho phụ nữ bất hạnh, bà thường đọc tặng mấy câu thơ: “Nếu ai bắt mất hồn tôi-Chắc rằng bị giữ ở nơi dịu dàng” (Dịu dàng-Tác giả Nguyễn Hoài Xuân); “Nín đi em! Thằng bé cứ khóc gào-Chị mếu máo đầm đìa nước mắt-Hỡi bố mẹ bên bờ chia cắt-Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình” (Hai chị em-Tác giả Vương Trọng); “Đôi dép kia gắn bó bước song hành-Chẳng thề nguyền mà chẳng hề giả dối-Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội-Lối đi nào cũng có mặt cả đôi” (Đôi dép-Tác giả Nguyễn Trung Kiên)…

60 tuổi, bà Lan bắt đầu học… lái ô-tô và “lướt nét” điệu nghệ. Đó là những phương tiện giúp bà tự chủ trong cuộc sống. Và nhờ đó, kiến thức tâm lý hay các buổi đi nói chuyện trở nên thuận tiện hơn. Bà Vân Lan xuất thân là cử nhân chính trị, cử nhân luật, những bằng cấp có vẻ chẳng dính dáng đến niềm đam mê, nhưng rõ ràng đã bổ trợ rất nhiều cho một người tư vấn.

Lấy bài báo được cắt cẩn thận và tô đậm những dòng quan trọng, bà Lan nói thấy cái nào hay, “đụng” đến vấn đề gia đình là lập tức lưu giữ như một tư liệu quý. Vừa rồi, nghe thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh có mở lớp về tiền hôn nhân, bà gọi điện xin theo học, nhưng tiếc là thời gian rải ra nhiều tháng nên không thể sắp xếp được công việc. Cách đây mấy hôm, bà  bỏ tiền túi in 500 cuốn sách tập hợp những bài nói chuyện “Làm thế nào để bảo vệ hạnh phúc gia đình”… tặng không cho mọi người, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, để có thêm nhiều báo cáo viên làm phong phú thêm kiến thức về hạnh phúc gia đình.

 

Mô tả ảnh.
Bà Nguyễn Thị Vân Lan cùng đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thăm, chúc Tết các đơn vị thi công trên công trường Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng ngày 21-2-2010. (Ảnh tư liệu)

 

Đồng cảm với từng hoàn cảnh

Có nhiều hoàn cảnh tìm đến khiến bà Vân Lan càng tin tư vấn tâm lý không chỉ là sở thích riêng tư nữa, mà trở thành trách nhiệm dù chẳng ai ràng buộc hay trả lương.

 

" Dịu dàng không có nghĩa là nhu nhược. Dịu dàng phải đi liền với cương quyết mới là bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Bản chất của phụ nữ là luôn hy sinh cho chồng, con, nhưng tuyệt đối không nên hy sinh một chiều. Hãy biết làm mình đẹp hơn với khuôn mặt tươi tắn, trang phục hài hòa, trau dồi kiến thức xã hội ”                                                          
                                                    Nguyễn Thị Vân Lan

Để có bài nói chuyện thuyết phục, bà phải lên “giáo án” cho từng lần xuất hiện. Những câu chuyện, dẫn chứng lúc nào cũng sát thực, liên hệ ngay chính người trong từng ngành, trong giới để người nghe có cảm giác đang nói về chính mình. Sự kỳ công này xuất phát từ chỗ bà Lan không còn nghĩ mình là “bà nghị” báo cáo những điều lớn lao, mà chuyên gia tâm lý phải là một người đồng cảm với những trái tim đang thổn thức.
Có một lần sau buổi nói chuyện, một sĩ quan chạy lên xin phô-tô nội dung để về đưa cho vợ đọc. Đêm về, bà lại nghe điện thoại réo.

 

Bao nhiêu tâm tư về tình bạn, tình yêu cứ thế tuôn trào. Nhiều kỷ niệm không phai mờ trong hàng ngàn trường hợp tư vấn tâm lý bà từng thực hiện. Một nữ cán bộ ngân hàng bước vào phòng làm việc của bà với gương mặt bừng bừng. Bà nhận ra điều gì đó khác lạ: “Hình như em đang bất an?”. “Em đi tìm khẩu súng”, cô gái trả lời. Hóa ra, vì bị bội tình, người phụ nữ trẻ tuổi muốn giết người yêu. Nắm tay cô gái ngồi xuống ghế, bà kiên nhẫn nghe lại sự việc và đưa ra lời khuyên. Nét mặt cô dịu lại, bà biết, mình đã làm được hơn một việc là giúp người khác nguôi giận…

Lần khác, lúc tham dự phiên tòa ly hôn với tư cách đại diện Hội thẩm nhân dân, bà gặp một tình huống khá hài mà nếu không gỡ kịp thời sẽ thành… bi. Chồng là cán bộ Nhà nước làm việc trong thành phố, vợ chăm con ở quê Thăng Bình. Họ đâm đơn ra tòa với lý do “không thể nói”. Tòa đặt ra yêu cầu nếu người chồng không cho biết rõ vì sao ly hôn thì vụ án sẽ không được tiếp tục giải quyết. Chỉ đến khi ấy, anh chồng mới xin gặp riêng Hội thẩm để tâm sự. Anh bắt đầu câu chuyện: “Vợ tôi rất tốt. Tôi đi làm cả tháng mới về, cô ấy thay tôi chăm sóc cha mẹ chồng và nuôi các con. Tôi thương cô ấy.

Nhưng thú thực, hai năm rồi vợ chồng không ngủ chung vì vợ ăn trầu không chịu đánh răng. Không gần gũi thì còn gì tình nghĩa, thưa mấy chị?”. Bà Lan hỏi lại: “Vậy đã có bao giờ anh bỏ tiền lương ra tặng vợ bộ quần áo đẹp?”. Người chồng cự cãi: “Đó là chuyện đàn bà phải tự biết”. Bà Lan lại gặp riêng người vợ, nghe qua câu chuyện của chồng, chị khóc òa: “Hóa ra tôi hy sinh cho gia đình để rồi bị chê bai, ảnh đúng là không biết điều”. Lần này, bà Lan lại giở ngón nghề tư vấn… Sau 3 tháng quay lại gia đình ấy, bà suýt không nhận ra người vợ khi trông chị trẻ hơn 5 tuổi. Và hơn hết, họ không xa nhau nữa vì chị đã hiểu… đánh răng, giữ gìn thân thể thơm tho cũng là cách giữ chồng.

Tuy vậy, không phải lần nào cái kết cũng có hậu như chuyện cổ tích. Có nhiều trường hợp can thiệp và cuối cùng là sự chia tay. “Tôi không day dứt, bởi có những trường hợp giải phóng cho nhau là cách tốt hơn khi họ không thể tìm thấy sự hòa hợp”, bà Lan trầm giọng.

Đẹp là phù hợp

Chưa bao giờ hạnh phúc gia đình dễ dàng bị lung lay như bây giờ. Chính điều này càng khiến bà Lan như “sốt” lên khi chạm đến đề tài bảo vệ hạnh phúc gia đình: Con người ta cần cả vật chất lẫn tinh thần để tồn tại. Song xét cho cùng, tinh thần mới thực sự quan trọng khi nó là động lực để ta phấn chấn, yêu đời. Một người biết yêu thương và được sống trong tình yêu chắc chắn sẽ rạng ngời và làm được nhiều điều tốt đẹp.

Một nguyên tắc bà luôn muốn chị em tuân thủ để có được tình yêu đó là hãy biết làm đẹp. “Tiếp xúc với một phụ nữ, người ta nhìn trước, nghe sau. Ngược với gặp đàn ông, người ta nghe rồi mới nhìn”. Tưởng với “chân lý” này, bà Vân Lan là người rất “mốt”. Trên thực tế, bà chẳng đổi kiểu tóc qua hàng mấy chục năm và luôn trung thành với quần tây đen, áo sơ-mi đơn giản. Con dâu có lần nhắc khéo: “Mẹ mà cứ như vậy các tiệm làm đẹp chẳng thể sống nổi”. Còn bà lại nghĩ: Đẹp là phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Lan, chuyên gia tư vấn tâm lý của Đà Nẵng hiện còn quá ít so với nhu cầu. Cho nên, dù bước vào con đường này như một ngã rẽ tình cờ, bà vẫn muốn được chuyên nghiệp hóa bằng cách mở văn phòng tư vấn. Song do bộn bề với những cương vị khác, bà đành làm công việc mình yêu thích một cách đơn lẻ, âm thầm. Ở tuổi 61, hy vọng lại đến khi chỉ cách đây ít ngày, một Việt kiều Mỹ, từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và gia đình Việt Nam đã quay về nước tìm đến bà ngỏ ý thành lập Trung tâm Nghiên cứu giới và gia đình đặt tại Đà Nẵng...

Toàn Vân

;
.
.
.
.
.