.

Nguyễn Văn Học và cuốn tiểu thuyết thứ 7

.
Tiểu thuyết Hỗn danh được Nguyễn Văn Học viết từ ý tưởng ban đầu về nguyên tắc hành xử chính danh trong văn hóa truyền thống nhằm ổn định hài hòa các lợi ích (các giá trị) xã hội. Tiểu thuyết này là một bức tranh với hai gam màu chủ đạo mà ở đó tồn tại song song giữa chính danh và hỗn danh.
 
Mô tả ảnh.
Sự biểu hiện của hỗn danh là luôn luôn phá vỡ sự cân bằng mực thước đúng vị trí và chức năng của chủ thể sáng tạo nghệ thuật, mà biểu hiện trong tác phẩm là sự hỗn loạn các tiêu chuẩn các giá trị. Sự chính danh được xem như quy luật tất yếu chiến thắng, nên bao giờ cũng lấy lại trật tự, ổn định các tiêu chuẩn, các giá trị đích thực trong sáng tạo nghệ thuật cũng như trong các mặt biểu hiện của đời sống xã hội.

Hành động của một vị giáo sư, bác sĩ vừa muốn vươn lên làm thi sĩ nổi tiếng trong sáng tạo nghệ thuật, có tâm hồn phong phú cởi mở và rộng lượng, lại vừa nhỏ nhen ích kỷ trong đời sống thường ngày. Và con người lý trí, con người khoa học, con người tâm hồn thơ ca bị lu mờ trước con người bản năng trong một con người. Không thành công trong khoa học, trong nghệ thuật, trong quan hệ ứng xử với cộng đồng ông ta lao vào các cuộc tình nhằm thỏa mãn tình dục, nhưng con người đó vẫn luôn cảm thấy khát thèm sự cao quý trong nghệ thuật.
 
Con người đó luôn dằn vặt, giày vò trong trạng thái phân thân ở nhiều mối quan hệ, mà ở đâu cũng là sự nửa vời của trí tuệ chợt thức tỉnh rồi lại quay cuồng. Với khả năng mô tả sắc bén, phân tích tâm lý nhân vật theo chiều sâu, tác giả Nguyễn Văn Học đã làm nổi bật con người “hãnh tiến” háo danh ở những trạng thái đỉnh điểm của nó. Cơn khát háo danh đó chỉ thực sự làm ông ta bừng tỉnh bằng một cú choảng vào đầu ông của cô bồ nhí. Vị giáo sư - bác sĩ là nhân vật chính thứ nhất trong hệ thống nhân vật của tiểu thuyết Hỗn danh góp phần làm nên thế giới “hỗn danh” trong tác phẩm. Vì không làm đúng thiên chức của mình nên mãi mãi vị giáo sư này chỉ loay hoay đi tìm những cái sở đoản mà không phát huy được cái sở trường. Khi nhận chân được điều đó, cũng là lúc quỹ thời gian của ông đã bước vào phía bên kia cuộc đời…

Trong tiểu thuyết Hỗn danh các lớp truyện và các tuyến nhân vật được cấu trúc chặt chẽ tạo nên sự liên kết tự nhiên hòa điệu vào ngôn ngữ tiểu thuyết tạo nên tính chất đa thanh của tác phẩm. Bằng lối kể độc đáo, hấp dẫn, tác giả Nguyễn Văn Học đã đưa bạn đọc vào những tình huống truyện vừa thú vị vừa bất ngờ mà cũng vời vợi nỗi đau mang tính bản thể con người, đó là nỗi đau tinh thần - cuộc đấu tranh giữa cảm tính và lý tính, giữa bản năng  và  trí tuệ trong con người.

Tiểu thuyết  Hỗn danh với đặc tính văn phong súc tích, ngôn ngữ phong phú, uyển chuyển, câu văn sáng đẹp linh hoạt, nội dung mới lạ, cách diễn đạt dung hòa giữa ngôn ngữ tiểu thuyết nghiêm túc với ngôn ngữ hài hước sâu sắc, đã làm nên sự thành công của tác phẩm.

Tiểu thuyết Hỗn danh được NXB Hội Nhà văn phối hợp cùng Công ty Văn hóa Phương Đông phát hành.

Nguyễn Văn Học sinh năm 1981 tại Phú Xuyên, Hà Nội. Tốt nghiệp khóa VIII, Khoa Lý luận - Sáng tác - Phê bình Văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội. Các tiểu thuyết đã in: Những cô gái bất hạnh (NXB Lao động, 2006); Gái điếm (NXB Văn học, 2008); Đường dài của hạnh phúc (NXB Công an nhân dân, 2008); Rơi xuống vực sâu (NXB Công an nhân dân, 2009); Bão người (NXB Công an nhân dân, 2009); Cao chạy xa bay (NXB Hà Nội, 2010); Hỗn danh (NXB Hội Nhà văn, 2011). Tiểu thuyết Bão người đã lọt vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2008 – 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam (với tên gọi Nhà héo).
 
Trần Linh Chi
;
.
.
.
.
.