.

Những rào cản

.

Hằng ngày đi qua bùng binh Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, người đi đường vẫn thường bắt gặp hình ảnh người vợ bị khuyết tật ở chân, với những ngón tay co quắp, chật vật cua chiếc xe ba bánh chở người chồng bị mù, cầm xấp vé số ngồi phía sau.

 

Mô tả ảnh.
Không có lối dành riêng, NKT gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các công trình công cộng.

 

Họ rong ruổi khắp các con đường để mưu sinh. Mỗi lần đến trước một quán café chị phải quan sát thật kỹ xem có lối lên hay không để đưa xe vào, còn không chỉ dám đứng sát vào vỉa hè mời khách mua vé số.

Đó mới chỉ là một trong rất nhiều khó khăn mà người khuyết tật (NKT) phải trải qua khi tham gia lưu thông.

Lo âu và thấp thỏm

Thỉnh thoảng người đi đường vẫn gặp những người khiếm thị một tay vác bó chổi hoặc bó quạt lá, một tay cầm chiếc gậy dò dẫm từng bước đi dưới lòng đường đông đúc. Tại những ngã tư lớn, khi thời hiệu đèn xanh đèn đỏ quá ngắn, NKT phải băng qua đường trong sự thấp thỏm.

Cách đây không lâu, anh Nguyễn Thiện Tùng (phường Thạch Thang, Hải Châu, nhóm trưởng nhóm thực hiện chương trình sống độc lập tại Đà Nẵng) qua Trạm Y tế phường Thạch Thang để lấy thuốc. Vốn bị tật ở chân từ nhỏ, di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vào xe lăn hoặc xe ba bánh, nhưng gờ lên vỉa hè của Trạm y tế lại quá cao, anh đã bị ngã lộn nhào khi cố gắng điều khiển xe lên vỉa hè, trầy xước cả chân tay. Giờ, mỗi lần ghé trạm lấy thuốc anh đều phải nhờ người đẩy xe lên giúp hoặc đứng dưới đường đưa đơn thuốc nhờ mấy cô y tá lấy hộ.

Không chỉ khó khăn trong việc tham gia giao thông, mà rất nhiều hoạt động thường ngày của NKT cũng đều gặp những trở ngại. Một số anh chị em trong Hội NKT thành phố cho biết, những công trình công cộng được xây dựng trong những năm gần đây đã có lối đi dành riêng cho NKT như Bệnh viện Phụ nữ, Ga Đà Nẵng, Ngân hàng Agribank (quận Hải Châu), khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, Bamboo Green... Nhưng cũng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ quyền lợi của NKT. Các điểm ATM trên địa bàn thành phố đều không có điểm tiếp cận dành cho NKT. Họ không thể đưa xe lăn vào rút tiền được. Nhiều công trình của các cơ quan Nhà nước như UBND phường, NKT muốn vào được bên trong phải nhờ người khác khiêng cả người và xe vượt qua các bậc tam cấp!

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội NKT thành phố chia sẻ, thực ra, việc NKT được sử dụng các công trình công cộng như những người bình thường khác là quyền lợi chính đáng của họ. Mỗi lần có tổ chức hội thảo, hội nghị, Hội đều phải đi khảo sát địa điểm tổ chức thật kỹ xem có bảo đảm các yêu cầu phải có lối đi dành cho xe lăn và có nhà vệ sinh cho NKT không. Một số nơi có nhà vệ sinh dành cho NKT nhưng lối vào lại quá nhỏ. Những nơi khác, người NKT muốn đi vệ sinh chỉ còn cách… bồng vào.

Là bệnh nhân quen thuộc của khoa Đông y phục hồi chức năng vật lý trị liệu (Bệnh viện Đa khoa quận Hải Châu), mỗi lần đến đây anh Tùng đều… tim đập, tay run do cái dốc lên của khoa rất đứng và nhỏ, chỉ vừa đủ rộng bằng bánh xe lăn, nếu trật tay một chút là ngã nhào ngay lập tức. Phòng châm cứu, chẩn trị lại nằm trên tầng 2, trong khi khoa lại không có thang máy. Thế là, dù có vượt qua được cửa ải bên ngoài là cái dốc thẳng đứng thì những NKT phải di chuyển bằng xe lăn như anh cùng đành đứng ở dưới mà ngó lên.

Năm 2010, Hội NKT thành phố có đề nghị với các siêu thị như BigC, Metro, Co.op Mart cho đặt mỗi điểm 2 xe lăn của Hội để hỗ trợ NKT tham gia mua sắm tại các siêu thị, nhưng chỉ có Co.op Mart là tạo điều kiện còn ở 2 điểm kia không nhận được phản hồi.

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Anh Bùi Hồng Trung – Trưởng phòng Giám định chất lượng quản lý công trình thuộc Sở Giao thông-Vận tải cho biết, một số tuyến đường mới như Bạch Đằng, Trường Sa – Hoàng Sa đều có lối lên dành cho NKT, còn những tuyến cũ chưa có hoặc có mà gờ lên quá cao, cần có thời gian để cải tạo cho NKT sử dụng phương tiện đi lại một cách thuận lợi. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy đường giao thông, vỉa hè hiện nay  bị lấn chiếm gần hết. Người đi bộ cũng gặp khó khăn chứ đừng nói đến NKT.

Từ năm 2009, được sự tài trợ của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH đã vận động Công ty CP Xe khách và Dịch vụ thương mại tiếp nhận đề án thí điểm cải tạo xe buýt để phục vụ NKT, nhưng đến nay đề án này đã không thực hiện được. Những điểm xe buýt dành cho NKT trước Công viên 29-3, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng hầu như bỏ không.

Mặc dù Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn xây dựng công trình để bảo đảm cho NKT tiếp cận từ năm 2002, nhưng theo ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, những công trình được xây dựng trước năm 2002 đều có những hạn chế khiến NKT không tiếp cận được. Muốn cải tạo những công trình này cần có sự phối hợp của các ban, ngành cùng vào cuộc. Những công trình sau này, đa số đều được định hướng và có khâu thẩm định. Nếu đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép xây dựng. Nhưng với những dự án ngoài ngân sách, vai trò của chủ đầu tư rất quan trọng, Sở cũng định hướng để họ có trách nhiệm với công trình.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía để NKT tiếp cận với cuộc sống. Việc lấn chiếm vỉa hè, không có đường ưu tiên, cùng nhiều cản trở khác… đã vô tình tạo rào cản hòa nhập đối với NKT. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người là rất cần thiết và quan trọng.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.