Những ngày vừa qua, sau khi Tạp chí “Times Higher Education” của Vương quốc Anh công bố danh sách các trường đại học chất lượng nhất thế giới năm 2011, người ta thấy Đại học Harvard của Hoa Kỳ không còn giữ vị trí số 1 quen thuộc trong bảng xếp hạng.
Đưa tin về sự kiện này, nhiều tít báo ở Việt Nam đã liên tục dùng những cụm từ rất “bắt mắt” như: “Harvard rớt đài”, “Harvard rớt hạng”, “Harvard rớt khỏi vị trí đại học tốt nhất thế giới”, “Harvard không còn là trường đại học số một của thế giới”, “Harvard bị truất ngôi trường đại học hàng đầu thế giới”, “Harvard tuột ngôi trường đại học số một thế giới”...
Trong thâm tâm người Việt Nam, Đại học Harvard là một “tượng đài” về giáo dục đại học của thế giới. Vì vậy, trước những thông tin nói trên, rất nhiều người cảm thấy bị hụt hẫng hoặc tiếc nuối, hệt như cảm giác của một cổ động viên khi biết tin đội bóng mình hâm mộ bị mất chức vô địch hay xuống hạng. Thậm chí, những cụm từ “rớt đài”, “rớt hạng”, “bị truất ngôi”, “tuột ngôi”, “không còn là số một” được báo chí sử dụng quá nhiều đã tạo nên tâm lý rằng Harvard bị tụt xuống vị trí số 2 là do bản thân đại học này sa sút, lạc hậu hay yếu kém về điều gì đó (!)
Harvard chỉ được xếp vị trí số 2 đã khiến dư luận ở Việt Nam xôn xao theo chiều hướng buồn. Nhưng đối với người Mỹ thì ngược lại, đó là niềm vui lớn.
Người Mỹ không vui sao được khi việc đầu tư và các hoạt động của Đại học Harvard vẫn đạt chất lượng tốt như năm ngoái, nghĩa là không hề bị sa sút. Song Học viện Công nghệ California (cũng của Hoa Kỳ) lại được đầu tư tốt hơn nữa, nhất là về ngân sách cho nghiên cứu khoa học tăng thêm 16%, nên từ vị trí số 2 năm ngoái đã nhảy lên vị trí số 1 năm nay!
Không vui sao được khi Đại học Harvard không hề sa sút, nhưng do đầu tư và hoạt động tốt hơn trước nên Đại học Stanford (cũng của Hoa Kỳ) từ vị trí số 4 năm ngoái đã vươn lên vị trí số 2 đồng hạng với Harvard năm nay!
Càng không vui sao được khi trong bảng xếp hạng này, trong top 200 trường đại học chất lượng hàng đầu thế giới, từ 72 trường năm 2010 thì năm nay Hoa Kỳ có đến 75 trường; đồng thời, trong top 10 trường hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ vẫn chiếm đến 7 trường!
Người Việt buồn, vì luôn xem Harvard là tượng đài số một, nên khi tượng đài bị che khuất, người ta nghĩ đó là sự sụp đổ và hay bần thần nuối tiếc. Ngược lại, người Mỹ cũng xem Harvard là tượng đài, nhưng khi Học viện Công nghệ California vươn lên vị trí số 1 và Đại học Stanford chiếm vị trí số 2 đồng hạng với Đại học Harvard, người Mỹ lại thấy vui vì Harvard cũng vẫn là tượng đài, nhưng cạnh đó còn có hai tượng đài sắp sửa được dựng thêm.
Có lẽ do thói quen tâm lý và văn hóa của mình, những ngày này người Việt nói nhiều về Đại học Harvard, về quá khứ trong nỗi buồn man mác.
Còn người Mỹ, một mặt họ không quên niềm tự hào Harvard; mặt khác, họ nói nhiều về Học viện Công nghệ California và Đại học Stanford, rất hãnh diện và vui mừng vì có thêm những cơ sở đào tạo đạt chất lượng ngang bằng hoặc vượt mặt Harvard trứ danh.
Người Mỹ đã rất vui. Đó là niềm vui kiểu Mỹ!
Nguyễn Quang Trung Tiến