.

Nơi tôi đang ngồi

.
Nơi tôi đang ngồi, dưới bóng tre xanh, khoảng… nửa thiên niên kỷ trước? Sao lại có thể… vẩn vơ đến thế, trong khi, chỉ cần 1/10 cái khoảng dằng dặc ấy thôi, đã có biết bao nhiêu mù mờ mất dấu (!?). Không biết. Không thể biết. Chỉ thấy còn ghi trong sách cũ, dòng sông ngày nào có tên gọi Hà Sấu (nghĩa là có… cá sấu) cùng với cái lệ mỗi năm bắt mất một mạng người!

Mô tả ảnh.
 
Thời ấy, Hội An là một thương cảng với tấp nập thuyền buôn của Bồ, Ý, Pháp, Anh… lui tới. Và dòng sông Cổ Cò (Lộ Cảnh giang) là mạch huyết nối phố Hội ra tới khu vực Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) ngày nay. Rồi sau đó cả hơn trăm năm, đoạn sông chảy qua làng Hà Quảng (xã Điện Dương bây giờ) bị bồi lấp. Dân ở ba làng Hà Quảng, Hà Lộc, Gia Lộc mới khơi dòng từ vũng Trùm Lang, nối sông Hà Sấu (làng Hà My); rồi, chợ Cầu làng Hà Lạc (Điện Dương) ra đời, trở thành một chợ đầu mối nhỏ, cho hàng hóa theo sông Vĩnh Điện, Cẩm Lệ đổ về.

Nơi tôi đang ngồi, hơn bốn mươi năm trước, không xa căn cứ lữ đoàn Thanh Long của lính đánh thuê Pak Chung Hee (Đại Hàn), những năm chiến tranh. Chưa bao giờ có ý nghĩ, mình sẽ trở lại. Ngày ấy, nơi đây, tất cả là cát trắng, kẽm gai và gai xương rồng cùng lơ thơ đôi chòm dương gầy guộc. Và, hơn hai mươi năm trước, vẫn là quê nghèo, cát trắng.

Nơi tôi đang ngồi, giờ đây, là… xanh. Xanh tre. Không phải chỉ có chỗ này xanh: từ đường ven biển Đà Nẵng - Hội An chạy đến đây, là đường bê-tông. Hai bên, xanh cây và vàng lúa. Sự sống đã trở lại, mạnh mẽ hơn trên vùng trắng năm xưa. Đó là mồ hôi và ý chí của nhiều người dân vùng Điện Dương, trong đó, có anh Nguyễn Duy Hùng, năm mươi tuổi, người chủ của nơi tôi đang ngồi, lúc này, có tên gọi Khu du lịch sinh thái rừng Hà Giang.

Nơi tôi đang ngồi, 5 năm trước, cơn bão Xangsane dữ dằn đã thổi bay tất cả công sức của Nguyễn Duy Hùng, sau bốn năm đổ mồ hôi trên cát trắng. Tôi không hỏi, điều gì đã khiến anh trở lại với quê làng vào năm 2002, sau nhiều năm đi… cầu thực ở Đà Nẵng. Chỉ biết, anh lại bắt đầu làm lại tất cả. Nghĩ cũng nên ghi ra vài con số. Trên diện tích sáu héc-ta, anh đã có tre cá vịt gà, trạm điện chạy bằng sức gió. Năm héc-ta còn lại, là sân chơi cho học sinh – sinh viên vào những dịp cuối tuần và lễ lạt. Cái ý tưởng hình thành một khu du lịch thì có đã lâu nhưng mới treo bảng ngày 24-7-2011. Chưa đủ tiện nghi cho một nơi du lịch, theo cách nhìn quen. Nhưng đã có bóng mát và không gian thoáng cho ai đó cần những giờ phút quên bụi bặm của đời, của phố.

Nơi tôi đang ngồi, với nhiều người, có thể không có ý nghĩa và giá trị gì cả, thì cũng chỉ là một điểm xanh (dù có nhiều hay ít tiện nghi). Thì cũng chỉ là một lần dạo chơi với một người bạn, như đã nhiều lần đó đây không còn nhớ. Nhưng, cũng có thể lại là một chốn nhớ lâu bền. Miễn là biết nhớ. Nghĩa là, có tình yêu. Như chủ nhân của điểm xanh này: tình yêu đất. Như người bạn cùng đi: để có thêm một buổi sáng êm trưa nắng cho nối kết bằng hữu. Như cái nghề và cái nghiệp của bản thân: cất giữ ánh sáng mùi hương tiếng động để hòa trộn và tái chế thành những chữ. Như cho cả những cái chấm người xa xa kia, trên đồng gặt, đang vội vàng để lúa kịp về sân phơi trước ngày mưa.
 
Thì thôi, tôi đang ngồi với tre xanh, với bạn cũ thân và bạn mới sơ mà cũng  không khác mấy. Với tiếng gà túc túc và với gió đang bắt đầu nóng lên dưới nắng ngoài kia. Với đất đã sinh ra tôi, như đã nuôi lớn bao nhiêu đời khác. Để rồi, sẽ nhận lại tất cả những đứa con của mình, không cần biết chúng đã ghi lại những dấu tích gì trên thân thể mình. Đất  luôn luôn là sự nhớ - quên. Quên và nhớ.

Chỉ còn điều có thể nói, nếu còn phải nói: tình yêu.

Ngoài kia, dòng sông Cổ Cò vẫn yên lặng, chờ và không đợi một ngày sẽ sống lại. Như gần nửa thiên niên kỷ của quên và nhớ.

Nguyễn Đông Nhật
;
.
.
.
.
.