.

Ối giời Hà Nội

.
Bạn tôi người Đà Nẵng, ra Hà Nội học cao học gần hai năm. Là dân Quảng ăn cục nói hòn, cậu ta có vẻ lo lắng không biết mình có hợp với cuộc sống ngoài đấy không, nghe nói người Hà Nội chao chát lắm, lớ xớ phải “lượn đi cho nước nó trong”. Tôi cười, ối giời, ở đâu quen đấy, chẳng thấy người xưa nói thanh lịch như người Tràng An đấy à.

Mô tả ảnh.
Ngõ nhỏ, phố nhỏ…Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Bạn tôi ra Hà Nội được một năm, dân liên quan đến nghệ thuật, thích lượn lờ, khám phá, thích đi đó đi đây, thích nhìn ngang ngó dọc, Tết về bảo: “Hà Nội hay nhỉ”.

Hay gì? Kẹt xe à, bụi bặm à. Ối giời chuyện nhỏ, Sài Gòn cũng vậy mà, khi người người ra đường bằng phương tiện của riêng mình thì hệ thống giao thông nào chịu nổi. Thế Hà Nội có gì, có kem Tràng Tiền, có cốm Vòng, có bún chả Hàng Mành, chả cá Lã Vọng… Mấy thứ đấy báo chí nói nhiều.

Bạn tôi bảo, thích lên xe buýt lang thang Hà Nội để cảm nhận nhiều điều của cuộc sống, thích rảo bước bên bờ thành xưa cũ trong bóng mát của hàng sấu trên phố Phan Đình Phùng, thích nhìn một góc trời tím ngát hoa bằng lăng ở Cửa Nam… vân vân và vân vân.

Tôi chẳng biết người sinh ra ở Hà Nội, người sống ở Hà Nội, người đến thăm Hà Nội ai yêu Hà Nội hơn. Nhưng dường như, những người đến với Hà Nội bằng sự háo hức khám phá, hay bằng ký ức một thời của thành phố này sẽ khác với những người từng ngày ngược xuôi trên những con đường nắng và bụi, sau công việc trong các tòa cao ốc lại tất tả về với gia đình. Hà Nội trong ô cửa hẹp, một không gian hẹp, chật chội và tù túng.

Cho nên mỗi dịp lễ, Tết, khi người nhập cư về lại mái ấm của mình, khi người Hà Nội thả mình đi đến núi cao, biển rộng, Hà Nội trở nên lạ lẫm, không giống mình, những con đường vắng lặng, buồn tênh. Ông hàng nước ngồi cô đơn, không người buôn chuyện.

Lúc ấy Hà Nội giống những ngày xưa hiền lành, nhỏ nhắn quanh quẩn 5 cửa ô chứ không rộng lớn và phức tạp như bây giờ. Đất đai Hà Nội nay vươn đến tận Ba Vì, Mê Linh, ra tận Phú Xuyên, Cầu Giẽ… Người Hà Nội giờ không còn chất giọng chuẩn mực nữa mà đâu đó lai cả Thạch Thất, Sơn Tây lơ lớ như người Thanh Nghệ. Hà Nội lớn lên, nhà cao cửa rộng, hoành tráng Mỹ Đình, thênh thang đại lộ Thăng Long, vành đai 3, vành đai 4, và người tứ xứ đổ về, thành phố chật chội thêm, không đủ chỗ để chim làm tổ (Khác hẳn cái thời ngày xưa nữ đạo diễn Đức Hoàn làm phim: “Hà Nội mùa chim làm tổ” với bài hát nổi tiếng của Hồng Đăng: “Hoa sữa”).

Thỉnh thoảng, tôi vẫn bắt gặp những nét cổ xưa quá vãng một thời qua những khuôn hình, bức ảnh được đăng tải đâu đó, nó vẫn còn lưu dấu thời gian trong những nếp nhà, mái phố mà cuộc sống tất tả đã kéo mỗi chúng ta lướt qua. Mẹ tôi đi xa Hà Nội hàng chục năm vẫn thích ăn quả cà xanh xứ Bắc, thích cái bánh giò nóng hổi sáng mai, thích mùi hương trầm thơm ngát của Hà Nội. Dù bây giờ các quán hàng Hà Nội đầy rẫy ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Vũng Tàu… nhưng nhiều người vẫn thích cảm giác lặn lội vào tận các chợ Bắc Qua, Hàng Da, chợ Hôm, chợ Mơ để tìm thứ mình thích.

Hà Nội có nhiều đổi thay, từ con người đến cách sống. Dân miền Nam bảo, tự nhiên như người Hà Nội. Hà Nội nhiều thứ muốn khác người, từ phở xếp hàng đến cháo chửi ở phố Ngô Sĩ Liên; những tên bảng hiệu, từ những thổ ngữ: “Ối giời ơi”, “Ối zào” cho đến những câu nghe không muốn cũng phải cười.

Hôm lang thang trên phố Đội Cấn thấy một cửa hiệu: “Tỉ mẩn và lọ mọ”. Cái gì trong đấy thế nhỉ? Vào xem thử, hóa ra họ bán đồ lưu niệm thủ công. Tự nhiên tôi lại nhớ một anh bạn người Hà Nội, có tính “lọ mọ”, cái gì cũng biết. Từ ngâm sấu sao cho nó không thâm, xào rau sao cho nó chín nhanh không có mùi đến cả mấy chuyện văn chương chữ nghĩa, thâm cung bí sử… Tất tần tật, cái gì cũng có thể hầu chuyện. Anh ấy yêu Hà Nội đến mức ngày nào cũng phải làm một bát phở, đi xa về phải ăn bù. Và, sẵn sàng tranh luận với mọi người về Hà Nội. Dù có nhiều điều chưa hay về Hà Nội, nhưng với anh ấy Hà Nội vẫn là Hà Nội, “linh thiêng và hào hoa”.

Bạn tôi về Đà Nẵng, giờ có thêm thú vui đi sưu tầm những ca khúc về Hà Nội và thỉnh thoảng hát trong những hoạt động văn nghệ của cơ quan và thành phố. Có lần, tôi nghe cậu ấy hát: “Đêm Hồ Gươm” của Trần Hoàn. Hà Nội hai năm để lại trong bạn tôi điều gì, nhưng qua giọng hát tôi biết anh chàng này đang “mơ về nơi xa lắm”. Ông Phú Quang hàng chục năm lãng đãng giữa Sài Gòn đô hội để rồi khi lòng xác xơ, khi bệnh tật giành giật sự sống còn thì Hà Nội lại là nơi người nhạc sĩ tài hoa này tìm về ẩn náu. Còn bạn tôi, hai năm trên đất kinh kỳ, trở về phố biển đã nặng lòng: “… Cho dù xa cách. Hề chi. Hồ Gươm vẫn nhớ và em vẫn đợi chờ”.
 
Trà Xuân Phương
;
.
.
.
.
.