.

Sắc màu tươi trẻ

.
Trời vừa tạnh ráo sau những cơn bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập đổ đến miền Trung. Hơn 8 giờ sáng, Bảo đến. Anh chàng phân trần: Đáng lẽ có ô-tô đưa đón, nhưng xe thì chỉ có 7 chỗ, mà phòng lại có 14 anh em, nên phân chia nhau mỗi ngày một nửa phải đi xe máy. Mấy em toàn mới ra trường, thu nhập còn thấp, trong khi xăng xe mỗi ngày đi về hơn 60 cây số tốn lắm! Làm khoa học thì cũng phải tính toán tiết kiệm mà!

Mô tả ảnh.
Với sự trợ giúp của các nhà khoa học, ông Nguyễn Xuân Anh (thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh) (trái) tự tin hơn trong việc đầu tư cho phong lan.
 
Sức sống 8X

Dọc đường từ trung tâm thành phố lên đến phòng làm việc của Trung tâm (TT) Công nghệ sinh học (thuộc Sở Khoa học-Công nghệ thành phố) đóng ở An Lợi (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với chàng Trưởng phòng Công nghệ Tế bào thực vật càng trở nên sôi nổi.  Cái phòng chuyên môn duy nhất của TT chỉ toàn thế hệ 8X; cũng là phòng có nhiều người nằm trong diện thu hút nhân tài của thành phố. Lớn tuổi nhất chỉ có một phó phòng nằm ở “đầu cuối” của thế hệ 7X. Thạc sĩ Võ Duy Bảo, Trưởng phòng, chuẩn bị chớm vào tuổi 30.

Trung tâm đã thành công trong việc nuôi cấy mô và đưa ra trồng thương phẩm 8.500 cây cúc vàng hòe, 50 nghìn cúc vàng hòe thương phẩm, 30 nghìn cây cúc pha lê, kim cương, vàng đông; 2.200 cây lan Dendro, 1.000 cây lan Mokara; 30 nghìn cây giống hoa Cát tường... Các loại hoa trên được xác định là thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Đà Nẵng, đem lại giá trị kinh tế cao cho các hộ trồng hoa, góp phần bảo đảm phục vụ cho thị trường quanh năm cũng như trong dịp lễ, Tết với chất lượng tốt, giá thành rẻ...
Hầu hết đều chưa có gia đình. Dường như, đó là minh chứng cho cái sự mới mẻ của ngành công nghệ sinh học của cả nước cũng như của Đà Nẵng. Nhưng cũng là để chứng minh cho sự năng động, trẻ trung và luôn muốn tìm tòi, bứt phá ở ngành công nghệ được đầu tư nhằm đem lại tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố những năm gần đây.

Tại TT, 4 cô gái trẻ măng đang quần nhau với một đám chai lọ, thủy tinh chất đầy trong căn phòng cấp bốn. Từng đám chai lọ lổn nhổn đựng hóa chất, chứa mô tế bào, cá thể thực vật... được xếp ken dày trong hai căn phòng kính thông nhau. Không có tiếng cười nói xôn xao, chỉ có sự im lặng trong không khí làm việc nghiêm túc, đầy chất... khoa học.

Bảo cho biết, TT Công nghệ sinh học được tách lập từ TT Công nghệ Sinh học và Ứng dụng Khoa học Công nghệ Đà Nẵng vào đầu năm 2011; đến nay mới chỉ có một phòng chuyên môn này; còn Phòng Công nghệ Vi sinh chưa hoạt động. Ban đầu, phòng đảm nhận công việc nuôi cấy mô tế bào thực vật để triển khai các chương trình ứng dụng vào thực tiễn. Nói nôm na là “đưa khoa học công nghệ vào đời sống” để phục vụ nhân dân, nhất là nhân dân ở những vùng giải tỏa, tái định cư của thành phố.

Nhà khoa học và nhà nông

Việc nuôi cấy mô tế bào thực vật trải qua những công đoạn khó khăn, vất vả, từ chọn cây giống tốt, đến việc tách lát, tạo mô sẹo đến phát sinh phôi trong môi trường vô tính rồi tái sinh cây... Từng công đoạn đều có môi trường riêng; cho những mô tế bào bé như đầu que tăm trở thành những cây trưởng thành trong ống nghiệm rồi đưa ra vườn thực nghiệm để làm quen với môi trường.

“Trong đó, quá trình tiệt trùng bằng phản ứng hóa học dễ làm cho cây chết, tỷ lệ thành công không lớn nên phải làm rất nhiều thì mới đạt được yêu cầu về số lượng và bảo đảm chất lượng” - Bảo giải thích về việc ngồn ngộn những chai lọ đựng mô sẹo trong phòng. Trong đó, có những giống hoa lan như dendro, mokara, cát tường, cúc...; có những loại cây dược liệu như dó bầu, sa nhân... Chúng hiện lên lấm chấm, li ti đến những cây đã hình thành vóc dáng, đang chờ ngày tách đưa ra môi trường tự nhiên. Công đoạn để hình thành đó phải cần đến 14 tháng. Tuy nhiên, TT luôn nuôi sẵn các mô, để trong trường hợp cần thiết, thì có thể từ 4-6 tháng sẽ hình thành sản phẩm đưa ra đáp ứng thị trường.

Mô tả ảnh.
Các bạn trẻ phòng công nghệ tế bào thực vật đang nuôi cấy mô.
 
Để chứng minh cho việc đưa ra thị trường các giống hoa hiệu quả đó, Bảo  đưa tôi đến vườn lan của hộ ông Nguyễn Xuân Anh, tổ 3, thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh. Câu chuyện giữa nhà khoa học và nhà nông trở nên thân thiết. “Tôi là người mê lan. Cái giống hoa này hay lắm. Đi qua Thái Lan tham quan, thấy họ làm lan mà mê mẩn nên tôi quyết định về đầu tư tại đây với tham vọng mở một điểm du lịch về phong lan cho khách tham quan khi đến với Bà Nà” - Chủ vườn lan hơn 3 nghìn cây - được xem là vườn lan lớn nhất Đà Nẵng hiện nay - vồn vã. Mà thật, đứng giữa vườn lan bạt ngàn cây, trên cành dưới đất, với những màu sắc khác nhau phơi phới dưới nắng vàng cuối thu, không thể không mê được.

Trong số 3 nghìn cây này, có hơn 550 cây giống do chính TT cung cấp, gồm 500 giống cây Dendro và 50 cây giống Mokara. Ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, qua thời gian hơn 1 năm chăm sóc và thu hoạch, có thể thấy, giống lan do TT cung cấp và giống nhập từ Thái Lan về không thua gì nhau; nhưng có một ưu điểm là giống của TT có giá thành rẻ hơn, đem lại lợi nhuận cao hơn, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn ngay trên thị trường hoa lan của Đà Nẵng so với hoa thành phẩm nhập từ thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Lạt. Chính từ hiệu quả đó, mà ông Nguyễn Xuân Anh đang mơ đến một vườn lan với khoảng 10 nghìn gốc; để việc chăm sóc, khai thác được chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, ước mơ ấy đang vấp trở ngại lớn là trang trại của ông nằm trong diện quy hoạch, nên việc đầu tư sẽ dễ gặp bấp bênh. “Nếu ổn định, với sự trợ giúp kỹ thuật của TT, tôi sẽ yên tâm làm một vườn lan lớn nhất Đà Nẵng, là điểm tham quan thú vị cho khách du lịch khi đến Bà Nà” - Đam mê của ông Anh ngùn ngụt cháy.

 Giải thích về điều đó, ông cho biết, sự ra đời của TT  đã đem lại cho ông thêm niềm tin khi triển khai các chương trình mới, trong đó có việc trồng các giống lan này. Cũng như ông, các hộ dân trên địa bàn thành phố đang mơ về một cuộc đổi đời thực sự từ những nghiên cứu, làm việc nghiêm túc của các nhà khoa học trẻ đang miệt mài ngày đêm, để đem lại một sắc màu tươi mới hơn cho thành phố đang khát khao vươn lên từng ngày...

Nguyễn Thành   
;
.
.
.
.
.