.
Tản văn

Tản mạn bên cầu biên giới

.
Đi qua cả ngàn cây số đèo cao vực thẳm suốt một dải biên cương miền Đông Bắc của Tổ quốc, giờ ngồi đây bên cầu biên giới Hồ Kiều, đoạn ngã ba sông Hồng và dòng Nậm Thi giao nhau, không ngăn được cảm xúc òa vỡ, tôi hát véo von bài ca của Trần Chung Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như quê ta ngọn núi/ Như đất trời biên cương…
 
Mô tả ảnh.
Cột mốc biên cương của Tổ Quốc. (Ảnh tư liệu)
 
Đây là bài thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn, người con thi ca của Lào Cai, nhạc sĩ Trần Chung đã phổ thành ca khúc. Thật lòng, tôi cũng chẳng còn nhớ nổi đâu là nhạc đâu là thơ, nó cứ quyện vào nhau dạt dào trào tuôn một cách tùy hứng. Hát như lời thì thầm tâm tình với đất biên cương, như bày tỏ tình yêu với núi sông, như lòng đang cháy lên một ngọn lửa!

Thực ra, nơi đầu sông đầu suối trong bài thơ của Lò Ngân Sủn chưa hẳn đã là ở chỗ này, xứ sở của anh ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi cái xã biên giới A Mú Sung có dòng suối Lũng Pô trong xanh chảy hòa vào sông Hồng ngầu đỏ phù sa. Đầu sông đầu suối nơi ấy, nơi con sông Hồng (bắt đầu) chảy vào đất Việt cũng chính từ nơi ấy.

Cũng là đất biên cương, đất địa đầu cả thôi, nhưng trên non xa heo hút bản Lũng Pô kia, cái khí vị của vùng biên cương nhuốm màu cổ sử dễ gieo vào lòng người mênh mang một niềm cảm khái: Chiều biên giới em ơi/ Nghe con sông chảy xiết/ Nghe con suối thác đổ/ Hồn ta như ngọn gió/ Thổi giữa trời quê hương. Còn nơi đây cửa khẩu quốc tế Lào Cai, bên kia cầu biên giới là thị trấn Hà Khẩu – Trung Quốc, xe cộ và dòng người hối hả qua lại kinh doanh buôn bán, có lẽ chẳng mấy ai như tôi đứng bên cầu bâng khuâng với chiều biên giới…

Trên một ngọn đồi cách bờ Nam sông Nậm Thi mấy trăm mét là quần thể khu Đền Thượng uy linh, nơi thờ đức Trần Hưng Đạo. Trước khi dạo trong công viên dọc theo bờ sông, tôi đã lên ngọn đồi cao ấy, vào đền thắp hương lễ bái đức Thánh Trần. Người xưa quả có cái nhãn quan tinh tường khi chọn vị thế xây dựng ngôi đền sừng sững trước cửa ngõ biên giới. Nghe đâu đền Thượng được xây dựng từ thời nhà Lê, trải qua mấy trăm năm, đã qua nhiều lần tôn tạo trùng tu, đến bây giờ là cả một quần thể bao gồm: chùa Tân Bảo, đền Am, đền Mẫu, đền Quan, đền Cấm…
 
Lịch sử hay huyền thoại còn kể lại rằng, chính nơi đây, hơn 700 năm trước, Hưng Đạo vương đã cho xây dựng một đài Hỏa hiệu, để mỗi khi vùng biên cương có giặc xâm lấn là lập tức quan quân sở tại nổi lửa lên báo hiệu cho toàn dân được biết, để tập hợp đánh trả giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Người xưa ơi người xưa, bức hoành phi “Văn hiến tự tại” kiêu hãnh trước cửa đền còn ngời sáng trong mắt tôi hai câu đối treo ở hai bên: “Việt khí linh đài hoành không lập. Đông A hào khí vạn cổ tồn” (Đài thiêng nước Việt vắt ngang trời. Hào khí Đông A vững muôn thuở).

Chiều biên giới đẹp đến xao xuyến trong lòng. Nắng vàng như mật gieo vàng trên công viên dọc theo bờ sông Nậm Thi. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai vẫn tấp nập những chuyến xe chở đầy hàng hóa và dòng người ngược xuôi qua lại. Những người khách du lịch đứng bên cột mốc biên giới mang số 102 chụp vài kiểu hình làm kỷ niệm. Mọi gương mặt hân hoan, mọi nụ cười tươi tắn hồn nhiên, cuộc sống thường nhật tưởng như không hẳn một niềm ưu tư nào. Tựa vào lan can bên bờ sông, tôi nhìn qua bên kia Hà Khẩu, lác đác trên bờ sông, những người dân Trung Quốc  nhẩn nha ngồi câu cá. Cầu cho sự thanh bình đẹp như câu ca của những người mẹ hát ru con “Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”, nghĩa là chẳng cần ai phải cửa đóng then cài nơm nớp lo toan. Để mãi mãi câu thơ Lò Ngân Sủn xanh như đất trời quê hương anh Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn/ Như tiếng chim hót gọi/ Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta.

Giữa lúc cái men say hoan lạc của đất trời biên giới ban phát nhuộm xanh um tâm hồn, tôi ngước nhìn lên về phía đền Thượng, phía cái đài Hỏa hiệu khói giăng giăng bay, hay là mây trời đang xuống thấp. Dường như đỉnh núi oai linh ấy, những ngọn lửa linh thiêng chưa tắt bao giờ. Thì còn gì nữa, hầu như ngày ngày tất cả những ai đã đến vùng biên giới thiêng liêng này, cũng như tôi sau những giờ phút lãng mạn với đất trời biên cương, đều lên viếng đền Thượng thắp hương lễ bái Người xưa. Một thứ lửa từ bao thế kỷ rồi đã thành một thứ tôn giáo nuôi dưỡng niềm tin cho con người. Tôi lại thêm một lần say sưa hoan lạc hát véo von bài ca trên đường về. Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Nơi đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió… !
 
Nguyễn Nhã Tiên
;
.
.
.
.
.