.
Tản văn

Xóm nhỏ của tôi

.
Tôi xa cái xóm nhỏ của mình đã mười năm có lẻ. Dẫu vẫn có nhiều chuyến trở về, dẫu tôi luôn tự nhủ mình mãi mãi thuộc về nơi ấy, thì xa vẫn cứ là xa. Bao nhiêu chuyện xảy ra trong xóm nhỏ, đâu còn tôi để cùng vui cùng buồn, khi tôi đang mải miết tận phương nào.

Mô tả ảnh.
 
Cái xóm nhỏ của tôi, được mười mấy nóc nhà tựa lưng vào núi. Chiều chiều, ra đứng phía ngõ sau, như với tay là hái được những chùm mây trắng xóa. Mẹ tôi bảo hồi mẹ mới về đây làm cô giáo, đêm đêm vẫn nghe tiếng chân cọp giẫm lá phía đầu hè. Cái ngày ấy dường như đã xa xôi lắm, giờ nghe lại như nghe chuyện cổ tích đời nào. Nhưng có những ngày xưa rất gần, khi tôi le te chạy sang nhà bà Hai chơi đồ hàng với mấy đứa trong xóm. Nhà bà Hai có khoảng sân rộng và mát rượi nhờ cây vú sữa sum suê lá chị lá em. Nào những nồi niêu soong chảo, rau dưa cá thịt, nào những chị những anh, những ông bà, con cháu “giả đò”, cả những trận cãi vã gay cấn của tuổi hồn nhiên, giận đó rồi cười nói đó.

Xóm nhỏ của tôi, nhà ai có gì ngon đều chia cho cả xóm. Tôi từng  quá nhiều lần cùng nhiều người lớn có nhỏ có cầm đũa ngồi quanh cái nia trải ở sân sau nhà bác Năm gắp những múi mít ướt thơm lựng chấm muối ớt rồi há miệng thật to, vừa lừa hột vừa kêu: “Trời ơi là ngọt!”. Tôi cũng nhiều lần mang những quả bơ đầu mùa biếu quanh xóm, để nhận những cái xoa đầu ấm áp. Vạt tranh sau nhà tôi, cô Ba Lang năm nào cũng gặt về lợp nhà, lợp chuồng lợn. Mẹ tôi nấu chè thiếu gừng liền chạy sang nhà cô Chín. Bà nội tôi hái chè chờ bác Sáu lên chơi...

Tôi biết yêu xóm nhỏ của mình tự bao giờ ấy nhỉ? Từ những buổi trưa trốn ngủ trèo trâm ở vườn bác Năm hay những đêm chong đèn đi soi ve ve quanh những bụi chuối, những thân mít xù xì rồi nhìn không rõ tay chụp nhằm phải rắn lục? Từ những chiều trời mưa lay phay không thể chạy ra đường chơi, tôi ngồi nhìn qua cửa sổ cây sầu đông trơ lá, nhớ những mùa chơi gánh trái sầu đông đi bán “trứng gà” để cảm nhận bước thời gian, hay những mùa mưa phải vục chân vào lớp bùn dày đoạn đường trước cửa nhà cô Chín đến trường? Từ những đêm trăng tụ tập nhau chơi đủ trò ồn ã sân nhà cô Tám Hạ hay đêm mùa hè nằm trên chiếc giường tre nhà bác Năm vừa chơi trò chó sủa trên vách vừa nghe kể chuyện ma để tới giờ mẹ gọi về, đã bấm đến bầm tím ngón tay áp út khi ù té chạy mà vẫn sợ ma đuổi theo sau? Hay từ những chiều tắm giông la hét vỡ cả giọng, rồi cắt bẹ chuối thành những chiếc thuyền nhỏ thả trôi theo dòng nước? Hay từ tất cả những điều ấy, những điều bình thường nhất, vụn vặt nhất, chẳng đâu vào đâu nhất, để chỉ khi xa rồi mới thấy mình đã đánh mất một thiên đường...

Cái xóm nhỏ của tôi, giờ mỗi lần về, tôi vẫn ngồi trước hiên nhà như những buổi chiều xưa, chờ gánh đậu hũ của cô Sáu ngang qua, để tự kêu cho mình một bát đậu hũ thơm hiền mà hoài niệm những chiều ngồi ăn bên tấm lưng còng của nội. Tôi vẫn đi ra phía vườn sau nhà bác Năm nhìn những cây trâm treo những chùm trái cằn cỗi, hình như lâu quá rồi chẳng ai trèo nên thân cây đầy những địa y. Tôi vẫn sang nhà cô Ba Lang bằng cổng nhà cô Chín, ngồi trên chiếc giường tre thoảng mùi ẩm mốc vì vắng hơi người nhà bà Hai. Vườn chuối giữa hồ đã bị chặt, sao tôi vẫn tưởng như có tàu lá nào vừa cọ cọ vào vai mình. Tôi vẫn mở cửa sau để với tay hái những chùm mây trắng, chỉ có điều sao khi tôi lớn rồi, mây cũng không còn gần dẫu vẫn trắng màu xưa???

Cuộc đời vần xoay, tôi thành người xa xứ, những bạn bè chơi chung trò nhảy dây ở sân nhà cô Tám Hạ, những “ông bà cha mẹ” giả đò của tôi giờ cũng tan tác mãi tận đâu. Riêng xóm nhỏ của tôi thì vẫn đó, buồn buồn nép một bên những sự sôi động đang tràn ra khắp mọi ngõ ngách cuộc sống. Vẫn đó, một nơi chốn lặng lặng, có phần đìu hiu. Đủ để cái hồn tôi treo lại, mỗi lần về thấy nó vẫn như xưa...

Ngô Thị Thục Trang
;
.
.
.
.
.