Những dự án khu đô thị sinh thái (ST), tái định cư (TĐC) được đầu tư, mở rộng về các vùng nông thôn khiến hàng ngàn người dân bị hụt hẫng trước cảnh thất nghiệp, thiếu phương tiện sản xuất, lúng túng trong việc chuyển đổi ngành nghề. Trước thực trạng này, các cấp chính quyền đang phải cùng bắt tay để giải quyết bài toán việc làm cho người dân vùng giải tỏa.
Nghịch lý chọn nghề
Ông Hồng cho biết nghề trồng nấm là cứu cánh giúp giải quyết việc làm cho nông dân khi không còn đất sản xuất. |
Mặc dù đề án giải quyết việc làm cho người lao động trong độ tuổi trên địa bàn thành phố đã bước sang năm thứ 6 nhưng hiệu quả vẫn còn ở trong vòng luẩn quẩn. Số học viên học nghề và làm được nghề chưa thực sự nhiều. Đơn cử, năm 2011, huyện Hòa Vang có 727 học viên theo học các lớp trồng nấm, nấu ăn, kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh, kỹ thuật nuôi cá diêu hồng, may công nghiệp… nhưng thực tế chỉ có 543 học viên theo học ổn định.
Khi dự án khu đô thị ST Quan Nam – Thủy Tú, Khu công nghệ cao, Khu TĐC Hòa Liên 2, 3, 4 được triển khai, toàn bộ xã Hòa Liên giải tỏa trắng, hàng ngàn nông dân mất đất sản xuất, nhiều người rơi vào cảnh nhàn rỗi, không có việc làm. Anh Trương Tấn Mạnh, Phó Chủ tịch xã Hòa Liên cho biết, xã cùng với Trung tâm Dạy nghề (TTDN) của huyện phối hợp tổ chức được 2 lớp trồng hoa, cây cảnh, 3 lớp nấu ăn nhưng việc chuyển đổi nghề cho lao động lớn tuổi thực sự rất khó khăn do khả năng thích ứng với công việc và “đầu ra” cho người lao động tại các đơn vị tuyển dụng. Ngay việc đi học nghề, nhiều người e ngại, không đến lớp.
Chia sẻ về khó khăn chung này, ông Trần Văn Trường – Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, hằng năm Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tổ chức hội chợ việc làm, giới thiệu việc làm cho khoảng 300 người. Tuy nhiên, ở các vùng dự án, nhiều người dân vẫn thích đi làm thợ hồ, thu nhập trên dưới 150 ngàn đồng/ngày. Mối lo lớn nhất hiện nay chính là nghịch lý: Trong khi chính quyền tạo điều kiện cho học nghề thì người lao động lại chưa suy tính sâu xa và xác định được mình sẽ theo nghề gì.
Phát huy lợi thế
Tết rồi, khách hàng rất ưa chuộng loại hoa cúc mới lạ của ông Trung. (Ảnh: V.T.L) |
Ngay khi bắt đầu có chương trình dạy nghề hỗ trợ nông dân vùng di dời giải tỏa, năm 2006, ông Nguyễn Trung (54 tuổi) ở thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên đã đăng ký học nghề trồng hoa, cây cảnh khóa đầu tiên do TTDN của huyện tổ chức. Từ đó đến nay gia đình ông gắn bó với nghề trồng hoa, ngặt nỗi, hơn 1.500m2 đất đang sử dụng, sắp tới phải bàn giao lại cho xã và gia đình phải dời đến nơi ở mới. Cả gia đình sống nhờ nghề trồng hoa, nên ông Trung quyết không bỏ nghề, mà đang cố gắng khảo sát đất ở một số nơi trên địa bàn huyện để thuê, phục vụ cho việc trồng hoa tiếp tục.
Cùng một cách bám vào lợi thế làng nghề giải quyết việc làm cho vùng giải tỏa, mới đây, xã Hòa Phong đã thành lập HTX rau sạch, xã Hòa Tiến thành lập HTX nấm. Mới đi vào hoạt động được hơn 3 tháng, nhưng 23 hội viên của HTX nấm đã có hơn 3.000 bịch nấm bào ngư, riêng nấm rơm được đặt tại các hộ ở các thôn như Cẩm Nê, Lệ Sơn 1, Yến Nê 2, La Bông, Thạch Bồ, Dương Sơn. Ông Nguyễn Mai Hồng, chủ nhiệm HTX nấm cho biết, ngay trong lứa đầu HTX đã thu được 467kg, hiện giờ đang chờ thu đợt hai. Trong số 23 hội viên có 10 hộ nằm trong diện giải tỏa mất đất sản xuất, có 3 hộ trong diện giải tỏa trắng, vì vậy nghề trồng nấm này là một cứu cánh giúp giải quyết việc làm cho bà con khi không còn đất sản xuất.
Tại địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, có 3.661 hộ nằm trong diện di dời giải tỏa (1.549 hộ nông nghiệp, 2.112 hộ phi nông nghiệp), trong đó có 993 hộ nông nghiệp bị thu hồi 100% đất sản xuất, 352 hộ bị thu hồi trên 50% đất sản xuất, 204 hộ bị thu hồi dưới 50% đất sản xuất. Trong đó, Hòa Hải là một trong những phường có diện tích thu hồi nhiều nhất.
Anh Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết, phường có tới trên dưới 40 dự án lớn nhỏ trải dài khắp 14km2 . Khoảng 4.000 hộ nằm trong diện giải tỏa, sắp xếp lại; hơn 1.000 hộ nằm trong vùng chỉnh trang đô thị; diện tích đất nông nghiệp từ 300 héc-ta giờ chỉ còn 50 héc-ta. Một trong những thuận lợi của Hòa Hải là có khoảng 320 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ lớn nhỏ, trong đó bình quân mỗi cơ sở cần từ 5 – 10 lao động. Cùng với lợi thế khu du lịch, đây là nguồn việc làm khá phong phú cho người dân vùng giải tỏa. Chẳng hạn, trong khi hộ ông Ngô Lai (tổ 29) sau giải tỏa đã chuyển sang làm xưởng đá mỹ nghệ thì hộ ông Huỳnh Đăng Dum (tổ 18) đã chuyển sang kinh doanh buôn bán, giữ xe… thu nhập của 2 hộ gia đình đều và khá.
Bên cạnh sự nỗ lực của người dân, qua các lớp đào tạo ngắn hạn, chính quyền phường Hòa Hải đã giới thiệu được khoảng 500 lao động làm việc tại các resort, khách sạn tuyến biển, sân golf… Với lao động độ tuổi trên 40, một phần lớn đã được giới thiệu qua các cơ sở xây dựng tư nhân.
Thu Hà