.

Thản nhiên hút thuốc

.

Có thể bắt gặp người hút thuốc lá (HTL) ở bất kỳ đâu: trong nhà, trong cơ quan, trường học, bệnh viện, bến xe, trong quán cà-phê; họ có thể ngồi một chỗ hay đi bộ, thậm chí đang chạy xe trên đường. Người HTL chỉ muốn thỏa mãn cơn thèm của mình, bất chấp xung quanh có phụ nữ, trẻ em, người bệnh.

Mô tả ảnh.
HTL ở mọi nơi, mọi lúc (trên xe, dưới bãi đậu…), còn tấm băng-rôn có lệnh cấm và quy định xử phạt nhạt màu theo thời gian.

Bởi không ai cấm họ HTL, cũng không ai xử phạt. Dù lệnh cấm, lệnh xử phạt ra đời đã lâu, nhưng việc thực thi rất khó, trong khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá sắp tới mới được đưa ra thảo luận tại Quốc hội và dự kiến có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2013.

Nên tăng lên 300 nghìn đồng/gói thuốc!

Bệnh viện được xem là nơi “không có khói thuốc lá”, tức người HTL bị cấm hoàn toàn, biển cấm HTL cũng được đặt khắp nơi, từ khu khám bệnh, dọc hành lang đến các khoa phòng. Nhưng bước chân vào bệnh viện, rất dễ dàng nhìn thấy người HTL, từ người thăm nuôi bệnh nhân, người đi khám bệnh, người bệnh và thậm chí cả bác sĩ.

Ông T. từ Hội An ra Bệnh viện Đà Nẵng khám bệnh tổng quát, trong thời gian chờ lấy kết quả đã tranh thủ ra ghế đá dọc hành lang bệnh viện thong dong vài điếu! Khi được hỏi ông có biết quy định không được HTL không, ông khẳng định ngay lập tức là biết, “nhưng đây là hành lang, không phải trong phòng bệnh nên tôi nghĩ là hút được”, ông nói và dụi tắt điếu thuốc hút dở.

Nếu chịu khó bỏ ra một ngày quan sát, chắc số người HTL trong bệnh viện không dừng ở con số hàng chục. Ở ga xe lửa hay bến xe cũng vậy, người HTL ngại ngùng vì biển cấm ở nơi này, thì lập tức di chuyển sang nơi khác để hút thuốc, giải tỏa cơn nghiện.

Mô tả ảnh.
Không được hút trên toa, thì hành khách (người cầm điếu thuốc bên trái) xuống sân ga nhả khói, bất chấp bên cạnh có trẻ em (ảnh chụp tại ga Đà Nẵng lúc 9 giờ 20 ngày 28-9-2011).

Trong phòng đợi nhà ga Đà Nẵng, như ông Phó trưởng ga Đỗ Thái Lâm khẳng định, không có người HTL vì nếu có sẽ bị nhân viên nhà ga mời ra ngoài. Trong sân ga cũng là nơi cấm hút thuốc. Nhưng lúc những chuyến tàu dừng bánh, hành khách ở các toa ùa xuống, nhiều người tranh thủ vài điếu thuốc trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

Ở Bến xe Đà Nẵng thì những dòng chữ cấm HTL chỉ có ý nghĩa trong phòng bán vé, người HTL có mặt khắp nơi. Thậm chí một nhân viên bảo vệ còn hút thuốc trên hành lang phòng đợi, khi thấy chúng tôi tiến hành phỏng vấn, chụp ảnh đã dụi tắt thuốc và đến bên cạnh, khẳng định là công ty yêu cầu nhân viên không hút thuốc và có nhiệm vụ nhắc nhở những người HTL ở bến xe! Có lẽ, vì sự không nghiêm của bến xe, nên nếu bảo vệ có nhắc hành khách không được HTL, thì thật bình thường, khi nhận được sự phản ứng của khách: Mắc mớ đến ai mà không hút!

Tài xế của xe 77L 3695 cho biết anh 45 tuổi, HTL đã 20 năm, làm nghề lái xe nên không dễ gì bỏ được thuốc. “Ở trên xe quy định hành khách không được HTL nên khi chạy khoảng 70-100km, tôi phải dừng ở các trạm nghỉ để khách và cả mình hút thuốc, đỡ thèm. Nếu muốn không có người HTL, mỗi gói thuốc phải tăng giá lên 300 nghìn! Chứ thuốc rẻ quá, không phải ai cũng có khả năng mua để hút mà ai cũng mua được, kể cả mấy đứa choai choai, thì làm sao nói chuyện cấm HTL được”. Anh lái xe và nhiều hành khách đi trên chuyến xe đó đồng tình đặt ra một giải pháp.  

Giao xử phạt cho ai?

Băng-rôn với dòng chữ “Cấm HTL nơi công cộng. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng” ở Bến xe Đà Nẵng đã nhạt màu rất nhiều sau gần 2 năm nó được treo lên kể từ mốc 1-1-2010 có lệnh cấm HTL. Mới đầu nhiều người quan tâm, người HTL bị động vui mừng, người HTL tỏ ra lo lắng, nhưng giờ không còn ai để ý đến nó. Thân phận một tấm băng-rôn đồng nghĩa với một quy định của luật đã không có hiệu lực, không thể thực thi. Ông Trần Phi Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý Bến xe Đà Nẵng cho rằng lệnh cấm HTL nơi công cộng là vấn đề của xã hội. Doanh nghiệp không có cách gì xử phạt. “Một khi đã không xử phạt được, treo nhiều biển cấm sẽ vô hiệu lực, không giải quyết được vấn đề. Nên giao cho ai xử phạt mới là điều quan trọng”.

Mô tả ảnh.
Vô tư nhả khói trong bệnh viện, dù bên cạnh có 2 bệnh nhân (ảnh chụp lúc 16 giờ ngày 28-9-2011 tại Bệnh viện Đà Nẵng).

Theo ông Huỳnh Tấn Hiền, đội bảo vệ Bệnh viện Đà Nẵng thì lực lượng bảo vệ khá mỏng, với 18 người, mỗi khoa có 1 bảo vệ trực, những người khác đi giám sát thường xuyên trong bệnh viện, nhắc nhở những người HTL và yêu cầu họ tắt thuốc, ra ngoài cổng bệnh viện hút, nhưng vẫn bỏ sót nhiều người HTL. Khi chưa có quy định xử phạt, ý thức còn yếu thì chuyện cấm HTL nơi công cộng khó triệt để. Muốn luật có thể tác động đến đời sống người dân, nên giao việc xử phạt HTL nơi công cộng cho nhiều ban ngành, cơ quan, đơn vị, được quyền ra quyết định xử phạt tại chỗ và thu tiền tại chỗ thì luật mới khả thi.

Điểm a, khoản 1, Điều 16 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 6-4-2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; các hành vi “HTL, thuốc lào ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm” sẽ bị “cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng”.

Cấm hút thuốc nơi công cộng: Ai phạt, phạt ai?

Quyết định 1315/QĐ-TTg ngày 21-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm HTL từ ngày 1-1-2010 tại các địa điểm công cộng (kể cả nơi công cộng trong nhà) và trước đó 5 năm, Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 6-4-2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi HTL nơi công cộng tỏ ra không có hiệu lực, bởi sau gần 2 năm thực thi, ở Đà Nẵng (và cả nước) chưa hề có trường hợp nào bị cơ quan chức năng tiến hành xử phạt.

Ông Mạc Như Chung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng: Làm gì với gói thuốc lá và cái bật lửa?

Trong Nghị định 45, giao thẩm quyền xử phạt cho thanh tra viên ngành y tế và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Nhưng trong thực tế, thanh tra y tế rất ít người, không đủ để thực thi việc xử phạt HTL nơi công cộng. “Đối tượng nhiều, địa bàn rộng, chúng tôi không thể đi vào từng cơ quan, đơn vị để lùng tìm người HTL. Không thể ngày nào cũng đi làm chuyện đó. Còn đến những nơi khác như nhà ga, bến xe lại càng khó thực hiện”. Và nếu như tiến hành xử phạt, lập biên bản người HTL nơi công cộng, số tiền này không được thu tại chỗ, thì người vi phạm có tự giác đến Kho bạc nộp hay không? Nếu tiến hành thu giữ phương tiện vi phạm hành chính mà ở đây là gói thuốc lá và cái bật lửa thì chắc chắn người HTL sẽ sẵn sàng “biếu không” hai vật đó để thoát thân.

Ông Đỗ Thái Lâm, Phó Trưởng Ga Đà Nẵng: Phạt hành khách hay nhân viên HTL?

Hiện nay chưa có chế tài xử phạt và nếu có thì ai phạt? Dòng chữ cấm HTL dán ở nhiều nơi trong Ga Đà Nẵng, nhưng chủ yếu trong phòng đợi tàu; trên loa phóng thanh cũng thường xuyên có câu yêu cầu hành khách không được hút thuốc. Yêu cầu như vậy thì hành khách đi ra ngoài phòng đợi đứng hút. Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của nhà ga tiến hành tuyên truyền, vận động nhân viên không HTL trong phòng làm việc và đây chỉ là mới vận động chứ chưa xếp bậc thi đua. Nếu có chế tài xử phạt thì nên giao cho lãnh đạo ngành đường sắt và các ga giám sát, phạt hành vi HTL ở cả nhân viên cũng như hành khách.

Phóng sự của Hoàng Nhung

 

 

;
.
.
.
.
.