Với gần 183 nghìn người khuyết tật (NKT), chiếm 20,62% tổng dân số thành phố (trong đó, trên 30.000 người có tỉ lệ khuyết tật trung bình 21% trở lên), Đà Nẵng đã đang và sẽ triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ những người yếu thế này từng bước tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.
NKT luôn mong muốn ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. |
NKT chiếm một tỷ lệ đáng kể so với tổng dân số thành phố. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng, đây là lực lượng xã hội đặc thù và bản thân họ cần hưởng những quyền lợi để bình đẳng với mọi người. Bản thân họ cũng muốn tự vươn lên cho cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng bệnh tật, sự khiếm khuyết cơ thể đã ngăn họ vượt qua hoàn cảnh. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp đã được ban hành để hỗ trợ NKT từng bước xóa bỏ rào chắn đó.
Ở Đà Nẵng, từ ngày 18-2-2011, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND về Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội với mức trợ cấp hằng tháng cao hơn 15% so với mức của Trung ương quy định. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng) đơn cử như mức trợ cấp hằng tháng đối với NKT, Trung ương quy định mỗi người 180.000 đồng (hệ số 1) thì thành phố trợ cấp 210.000 đồng, tính từ ngày 1-1-2011.
Vẫn theo bà Hương, trong 4 năm qua, thành phố đã ba lần điều chỉnh nâng mức trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT. Nếu năm 2007, mức trợ cấp NKT nặng không có khả năng lao động chỉ 90.000 đồng/người/tháng thì năm 2011 đã được điều chỉnh tăng lên 210.000 đồng/người/tháng; cũng thế, NKT nặng không có khả năng tự phục vụ được tăng mức trợ cấp từ 90.000 đồng lên 410.000 đồng/người/tháng...
Trước đó, ngày 23-8-2010, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành Quyết định số 24/2010/QĐ-UBND về Chính sách trợ giúp đối với bộ đội xuất ngũ bị bệnh tâm thần. Theo đó, mức hỗ trợ cho 174 người thuộc đối tượng này đã điều chỉnh tăng từ 300.000 đồng (năm 2008) lên 500.000 đồng/người/tháng. Đây cũng là chính sách đặc thù riêng của Đà Nẵng so với quy định của Trung ương.
Ngoài chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng, các đối tượng trên còn được cấp chế độ mai táng phí khi qua đời, BHYT miễn phí. Trường hợp gặp khó khăn đột xuất thì được xem xét trợ cấp kịp thời từ các quận, huyện và thành phố.
Ngày 22-8-2011, UBND thành phố ban hành Quyết định 22/2011/QĐ-UBND về Chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố. Theo đó, người khuyết tật thuộc nhóm 1 được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người (mức tối đa không quá 450.000 đồng/người/tháng); hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Ngày 17-6-2010, Luật NKT đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua, mở ra cơ hội cho NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Đó cũng chính là mục tiêu chung của Dự thảo Kế hoạch trợ giúp NKT thành phố Đà Nẵng giai đoạn (2011-2015) đang được trình UBND thành phố phê duyệt.
Nếu kế hoạch đầy tính nhân văn này được phê duyệt, NKT ở Đà Nẵng sẽ được hưởng lợi qua nhiều mục tiêu cụ thể như: 100% trẻ em khuyết tật thuộc gia đình nghèo, gia đình khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí; 100% cơ sở y tế tuyến thành phố, 50% cơ sở y tế tuyến quận, huyện có năng lực thực hiện phát hiện sớm các khiếm khuyết ở trẻ sơ sinh và sàng lọc khuyết tật trước sinh; 100% trẻ em được khám và phát hiện tật sớm… Toàn xã hội sẽ huy động nguồn lực thành lập Quỹ trợ giúp NKT thành phố để hỗ trợ NKT phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, học nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Ngày 21-9 vừa qua, cơ sở phục hồi chức năng cho NKT đã được khánh thành tại Trạm Y tế xã Hòa Sơn với tổng kinh phí đầu tư 60.000 USD, trong đó Tổ chức Trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH) tài trợ 45.000 USD, vốn đối ứng của thành phố 6.000 USD và huyện Hòa Vang là 9.000 USD. Khi đưa vào hoạt động, công trình được xây dựng trên phần diện tích 300m2 gồm 2 tầng và khu vệ sinh này sẽ đáp ứng nhu cầu luyện tập, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại 4 xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Liên và Hòa Bắc.
Bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, VNAH đang tiếp tục vận động các thân hữu trong cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ hỗ trợ thêm khoảng 20.000 USD để mua sắm thiết bị tập luyện, đồng thời cử chuyên gia đến tư vấn, hướng dẫn phương pháp phục hồi chức năng cho NKT trên địa bàn huyện.
Và như thế, sau khi Luật NKT ra đời, Đà Nẵng đã, đang và sẽ nỗ lực thực hiện nhiều chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi, thân thiện để NKT có khả năng tiếp cận các chính sách và các dịch vụ, tạo điều kiện cho NKT từng bước hòa nhập với cộng đồng.
Ông NGUYỄN HOÀNG LONG, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng: Đưa luật vào cuộc sống để NKT được hòa nhập bền vững với cộng đồng. Luật NKT đã được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2010, nhưng vì sao chưa đi vào đời sống của xã hội và bản thân NKT? Theo tôi, ngoài nguyên nhân khách quan là chưa đủ các văn bản dưới Luật, còn có thái độ của một số người có trách nhiệm. Họ nhận định NKT chỉ là một bộ phận nhỏ của xã hội, việc hỗ trợ, giúp đỡ nhóm người yếu thế này là “trách nhiệm” của các nhà hảo tâm, từ thiện. Thêm vào đó, bản thân của NKT cũng còn tự ti, mặc cảm, chưa coi Luật NKT là chỗ dựa pháp lý để có thể đề xuất, đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình. Các tổ chức từ thiện, xã hội cũng chỉ mới đặt nặng việc vận động vật chất hỗ trợ NKT mà chưa vận động những người có trách nhiệm và toàn xã hội đưa Luật vào cuộc sống. Như thế, vẫn chưa thực sự tạo điều kiện để NKT hòa nhập bền vững với cộng đồng. |
VĂN THÀNH LÊ