.
Truyện ngắn

Người về phía biển

.
Trời chập choạng tối, biển lờ nhờ những ánh đèn đêm của mấy chủ thuyền đang mùa câu mực. Gió biển mùa này thốc vào thịt da người ta cái cảm giác không thể tả được.
 
Giáo phanh ngực áo đứng trên thuyền, tay cầm điếu thuốc rít một hơi thật dài. Đã. Cuộc đời này không có gì hứng thú bằng hít một hơi thuốc dài và nhả khói vào biển khơi vô tận. Đàn bà và rượu cũng làm Giáo đắm say nhưng sao vẫn nhàn nhạt thế nào ấy. Hai thứ ấy với anh không quan trọng bằng thuốc. Dạo này đang có chỉ thị cấm hút thuốc ở những nơi công cộng. Giáo nghe tin ấy trên chiếc radio dùng để theo dõi thời tiết mỗi khi tàu nhổ neo. Mà cũng chẳng quan tâm làm gì, có bao giờ anh tới chỗ công cộng đâu cơ chứ? Lâu lắm rồi kể từ dạo vợ anh mất, anh chẳng bao giờ lên bờ.
 
Tàu anh chỉ cập bến để bán cá cho các lái buôn rồi lại tong tả ra khơi. Gió tanh nồng mùi biển nhưng với anh nó là hơi thở của người vợ xấu số đã bị đại dương lấy mất. Từ dạo ấy anh cũng không bao giờ soi gương xem mặt mình thế nào. Anh để râu dài chẳng thèm cạo. Để mà làm gì? Đôi khi anh vẫn tưởng mình là một người sống không có mục đích. Biển thì mênh mông vô tận, đời người thì bằng một gang tay. Người ta nói không có quá khứ thì sẽ không có tương lai. Anh thì có quá khứ. Có một gia đình nhưng giờ đây vốn liếng của anh chỉ còn lại duy nhất chiếc thuyền này. Những ngày biển động, anh sống vô nghĩa. Làng biển của anh nằm sâu trong lòng một thành phố trẻ. Làng thoai thoải cát, ngư dân sống bằng nghề biển, những đứa trẻ sinh trên cát đen nhẻm, quần áo xộc xệch, nước mũi chảy thành vệt.

Cát và nắng. Giáo cũng chẳng giàu có gì nhưng khi nhìn những đứa trẻ ấy, anh chạnh lòng. Vợ anh cũng mong ngày mong đêm là sinh cho anh một thằng cu để có người đi biển, có người cầm đèn biển mỗi đêm biển lặng và mỗi chiều về hai cha con sóng đôi trên cát. Nhưng sống trong cuộc đời này không phải muốn là được. Cưới nhau được hai năm, vợ anh vẫn sau trước bằng nhau. Dân vùng biển gọi cô là cột đèn trên biển. Buồn cười. Anh cũng không muốn nghĩ đến người vợ buồn của mình. Anh gọi cô là người vợ buồn bởi cái nghĩa chứ không phải cái tình. Họ không có tình yêu bởi vì cô là người được anh cứu sống trên biển. Cô trả ơn anh bằng việc đảm đương hai bữa cơm mỗi ngày, rồi trở thành vợ. Bữa ấy dân làng biển quê anh được lên bờ với một trận rượu no say. Giáo yêu cô nhưng cô thì không. Cô đã kể cho anh nghe về cuộc tình đầy sóng gió của cô ở miền đất xa xôi ấy. Nhưng biển đã lấy đi tính mạng của cô lần nữa. Giáo khóc. Anh vẫn không tin vào cái cảm giác hụt hẫng lúc ấy. Anh rơi vào im lặng. Từ đấy anh sống một mình.

Mô tả ảnh.
Minh họa: Hoàng Đặng
 
Biển không bao dung. Với anh là vậy. Biển chỉ là nơi cho anh mưu sinh. Chấm hết. “Anh không buồn ư”. “Buồn vì cái gì”. “ Tình yêu?”. “Tôi làm gì có tình yêu để buồn”. Ừ nhỉ, làm gì có tình yêu mà buồn. Chỉ có nỗi buồn được chưng cất lên từ cát biển, từ vị mặn của nước mắt đàn ông. Biển động, nước lặng, sóng không lên tới bãi. Gió thổi thông thốc vào mặt. Khói thuốc lá tan nhanh, bay vào không gian vô tận. Giáo lặng lẽ nhìn ra xa, biển đêm vắng lặng, những hàng dương đang rì rào kể chuyện như một lời độc thoại với anh. “Thế anh không muốn lấy vợ à”. “Vợ ư”. “Một người là đủ, chấm hết”. “Nhưng anh còn cả một cuộc đời, anh lại vạm vỡ thế…”. “Chẳng để làm gì cả. Tình yêu tôi cần, tiền tôi cũng cần. Bây giờ kiếm tiền là việc cần để sống hằng ngày, để có được ba bữa cơm tạm bợ. “Sao lại tạm bợ?”. Anh im lặng. Thì ra anh đang đối diện với chính mình trước biển. Tự hỏi rồi tự trả lời. Biển không bao dung, biển cũng có những nỗi niềm. Anh cũng thế. Quay mặt lại với quá khứ, anh nghĩ mình không có quá khứ, tiến đến tương lai anh chỉ thấy một miền trắng tĩnh lặng của sóng và cát.

Đêm nay thuyền anh nhổ neo. Chiều hôm qua vừa nhờ người qua phố mua dùm mấy chiếc đèn, đèn mới có lẽ đánh được nhiều mực. Anh chặc lưỡi. Không có đồng tiền lớn, đồng tiền nhỏ mà chỉ có nhiều tiền hay ít tiền. Luận điệu ấy thật điên khùng. Giáo mong đêm nay đánh được thật nhiều mực. Mùa tối trăng, mực nổi từng đàn, dong đèn là vớt vào lưới. Những chú mực dẫy lên đay đảy trong khoang thuyền. Anh thích cái cảm giác ấy, anh muốn chinh phục một phần của đại dương. Tạo hóa không khắt khe với anh, tạo hóa cho anh cái duyên với biển, với những thứ dư thừa của cuộc sống lênh đênh. Anh cũng yêu cái cảm giác khi nhìn những chú mực đều tăm tắp được giao cho các lái buôn.
 
Anh cũng chẳng bao giờ mặc cả, vì, với anh, biển cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Anh không có quyền đòi hỏi, không có quyền tính toán so đo. Luật chơi của anh với biển dài vô tận. Chân lý ấy anh học được ở người cha quá cố với những đêm trăng quẫy đạp lênh láng trên biển. Cha anh là nhân vật được nhiều người trong làng nhắc tên mỗi độ cầu ngư. Bởi, ông là người đã mở cửa cho dân làng biển này làm ăn với chút vốn liếng đầu tay là những chiếc thuyền con. Dạo ấy biển còn lặng sóng, không khó làm ăn như bây giờ.
 
Ông là cuốn từ điển sống về kinh nghiệm đi biển được ngư chài truyền miệng cho nhau. Ông không sống ích kỷ. Nếu ai hỏi ông về kinh nghiệm, ông trả lời bằng việc làm. Anh cũng một đôi lần nhớ ông, nhưng người dân vùng biển mỗi kỳ đến ngày giỗ ông, họ đều rước đèn trước biển. Bởi ông cũng về với đại dương vào một đêm rằm. Ông đi biển và không trở lại, tàu gặp nạn. Hồi ấy anh còn để tóc chỏm trên đầu. Anh không biết khóc khi mất cha, anh cũng không biết rồi mình sẽ mưu sinh cuộc sống này thế nào. Anh lớn lên với cát và sóng, biển nuôi anh bằng những bữa tôm, bữa cá của bà con ngư chài trên biển. Anh thành con của biển. Biển cũng cho anh một sức vóc hơn người để sống, để không bao giờ gục ngã, trước mọi cám dỗ tầm thường của cuộc đời. Đêm nay anh một mình nhổ neo.
 
Cái bản chất đàn ông trong con người Giáo nhiều khi tưởng như không được thể hiện. Mà cũng chẳng để làm gì bởi với anh, không có cơ hội để thể hiện. Những ham muốn trong con người anh cũng dần bị biển lấy mất. Anh đưa đôi bàn tay chai sạn vực xuống biển, vốc nước lên mặt. Nước biển mặn và mát rượi. Quen thế mất rồi. Anh nhủ thầm sẽ ra khơi sớm hơn dự định. Sẽ nhìn thấy mặt trời ngoài biển dâng lên với ngàn ánh sáng chói lóa, diệu vợi với sóng nước mênh mông. Giáo mang ơn biển như con người mang ơn mẹ, mẹ sinh ra anh và biển nuôi nấng anh khôn lớn. Loang loáng trên bờ biển có một người con gái đang đi tới. Trước khi nhổ neo mà gặp đàn bà thì ngày đi biển đó mất linh, anh nghĩ như thế, người trên vùng biển này nghĩ thế. Có một quy luật mà dân biển rất không muốn thay đổi đó là việc cứu sống người bị chết đuối.
 
Vì họ cho rằng như thế họ sẽ bị quả báo. Rằng những người trong gia đình họ sẽ bị trả giá, sẽ bị biển mang đi. Nhưng anh thì không. Anh ví đời mình với những rủi may nên không muốn làm điều trái ngược. Người con gái, à không, cái xác người ấy đang còn thoi thóp, ngực vẫn còn nóng. Giáo xốc cô lên thuyền, cởi tấm áo khoác của mình đắp lên thân hình mềm nhũn vì nước của cô. Anh xốc mạnh cô và dùng biện pháp hô hấp nhân tạo. Một, hai, ba, cô đã tỉnh lại. Nhìn anh bằng đôi mắt nâu đã đỏ lên vì nước biển, thì thào “Cảm ơn anh’’. Giáo ra hiệu cho cô im lặng, anh quay lên mui thuyền, hú vang một tiếng trước biển. Sóng oà vào trắng đốp những bọt. Anh vừa tri hô cho chính mình.

Mười ngày sau anh vào bờ. Thuyền không đánh được nhiều cá, chỉ có người anh tươi hẳn. Như vừa mới thoát khỏi một trận vây bủa của sóng và bão ngoài khơi. Anh lên bờ như mọi lần nhưng mang theo một người đàn bà. Cô ấy cũng mảnh mai giống vợ anh hồi trước. Dân xóm chài nói cô ấy là hiện thân của vợ anh, rằng anh nên cưới cô ấy làm vợ mình, kẻo neo đơn, tội nghiệp. Tự dưng anh tin vào thượng đế trên cao, anh tin người sẽ thấu hiểu lòng anh. Giáo mặc chiếc áo màu xám tro, đứng tần ngần nhìn cô gái mình vừa cứu sống. Ừ, cô ấy cũng xinh. Đôi má lúm đồng tiền ngồ ngộ, chiếc răng khểnh rất duyên và  đôi mắt. Anh nhìn thấy hình ảnh vợ mình ở cô với tất cả những vất vả lo toan.
 
Ở cô ấy có cái tảo tần không thể tả được. Người đàn bà quay lại. Chạm phải ánh mắt như lửa của Giáo, mặt đỏ gấc: ‘’Anh nhìn gì khiếp thế?”. Giáo cười, quay đi chỗ khác, hình như anh vừa ngửi thấy mùi vợ mình thoang thoảng trong gió biển. Và nụ cười của cô nữa, vang xa, lan ra biển khơi vô tận. Hình như tiếng cười ấy bay lên trời, tan vào mây. Đôi mắt vợ anh đang nhìn anh đăm đắm. Một chuyện lạ kỳ. Lâu rồi anh không có cảm giác gì khi ở cạnh đàn bà, vậy mà hôm nay anh là lạ thế nào ấy. Giáo đứng dậy và ra biển. Hôm nay thuyền về cập bến nhiều vì có tin bão xa, sóng dềnh lên dữ dội.
 
Anh nhảy ùm xuống biển, lặn thật sâu để kiểm lại chính mình. Vợ chồng là duyên số. Biết đâu lại chẳng phải biển ban tặng cô cho cuộc đời cô lẻ của anh? Lên bờ. Vừa vuốt ngược mái tóc ra sau gáy, Giáo khựng lại. Sao cô ấy giống vợ mình thế. Đưa cho anh bộ đồ, cô nhỏ nhẹ “Anh về ăn cơm, nguội hết rồi”. Lâu rồi anh không được ai nói với mình như thế. Và anh cũng quên cái khái niệm ấy mất rồi. Quên để tự trấn an mình không cô đơn, để vững vàng trước biển. Anh bắt đầu làm lại. Ngày mai sẽ làm mâm cơm mời bà con xóm chài. Anh nghĩ thế và lặng lẽ theo cô vào nhà, hôm nay đêm sẽ dài vô tận…
 
Nguyễn Thị Anh Đào
;
.
.
.
.
.