Chúng ta biết nhiều nhân vật nổi tiếng viết “Tự truyện” đã tạo nên một mảng sách thu hút nhiều người đọc. Ở Việt Nam, cuốn tự truyện “Yêu & sống” của nghệ sĩ Lê Vân là một cuốn sách như thế, mặc dù có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Tự truyện của các tác giả: Phan Thị Thu Quỳ, Nguyễn Thanh Song Cầm, Bảo Cường, Trương Thị Cúc. |
Gần đây có hiện tượng khá thú vị là một số người không thuộc loại “nổi tiếng” cũng viết tự truyện. Chỉ nhắc đến các tác giả quê ở Huế mà tôi có “duyên” được quen biết đã có 4 cuốn viết khá công phu của Phan Thị Thu Quỳ, Nguyễn Thanh Song Cầm, Bảo Cường, Trương Thị Cúc, có tập dày 300 - 400 trang.
Trong thị trường sách phong phú và hỗn độn hiện nay, mảng sách tự truyện vừa nêu rất dễ bị chìm lấp; nói đúng hơn là khó tìm thấy vì hầu hết tác giả làm sách không phải để bán. Vậy nhưng theo tôi, đây là những cuốn sách nên đọc, trước hết vì các trang sách có giá trị của sự chân thật.
Nói vậy, hóa ra có nhiều sách “giả dối”? Vâng, có đấy: Đó là loại sách sáng tác dở, tác giả lạm dụng hoặc chưa hiểu thế nào là “hư cấu” nên bịa đặt tùy tiện, vụng về hoặc lặp lại những “mô-típ” đã cũ mòn (ví như “anh-chị” gặp nhau trên Trường Sơn – dù chỉ một lần thôi – nhất thiết “chị” phải mang thai, rồi “anh” hy sinh, vân vân và vân vân…). Ngay cả các tự truyện của những người nổi tiếng, tính chân thật nhiều khi cũng có hạn vì họ sợ đụng chạm đến những tên tuổi có vai vế trong xã hội.
Loại tự truyện của những tác giả không phải là người nổi tiếng rất gần với cuộc sống lam lũ của nhân dân. Chỉ đơn giản vì, là những… ngôi sao trên trời! Chỉ dẫn một chi tiết từ “Cánh chim trong bão tố” (NXB Hội Nhà văn, 2009) của Song Cầm: Sau khi cô bị bắt oan vì “lỡ” viết mấy câu thơ mà một “cơ quan” cho là ám chỉ ai đó, gia đình cô đã trải qua bao gian nan khổ cực, vậy mà cô không một lời oán hận và đặc biệt hơn là cô đã phấn đấu trở thành một giảng viên đại học. Loại tự truyện như của Song Cầm, Bảo Cường, Trương Thị Cúc còn là tấm gương về ý chí vươn lên và lòng nhân hậu của những số phận bất hạnh.
Bạn đọc cả nước hẳn ít biết đến tên “Trương Thị Cúc” - chị không phải là người nổi tiếng ở tầm quốc gia, nhưng với dân Huế, với nhiều du khách đến Huế những năm qua, chị là bà chủ xinh đẹp của ngôi nhà vườn thơ mộng “Ý Thảo”, đồng thời là một nhà hàng nổi tiếng đậm đà phong vị Huế. Đọc “Những người muôn năm cũ” (NXB Hội Nhà văn, 2011) của chị, thật không ngờ gia đình chị lại trải những bước gian truân và đau đớn như thế! Và thật lạ là sau những nỗi đau mất con, bệnh tật, mất sạch tài sản, những bà mẹ và bản thân chị nữa, vẫn không gục ngã, vẫn sinh sôi, phát đạt. Bỗng nhớ một câu ca của Huế: “… Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây!”. Quả là kỳ diệu bản năng sinh tồn của con người trên những vùng đất gian khó.
Những cuốn tự truyện này còn có vô số tình tiết lý thú mà các nhà tiểu thuyết, làm phim có thể “mượn” hoặc… mua bản quyền! Như đám cưới Trương Thị Cúc-Nguyễn Xuân Hoa dự định lễ cưới tổ chức vào ngày 29-3-1975 (thời gian này, gia đình chị Cúc còn ở Đà Nẵng), nhưng vừa “coi ngày” xong, anh Hoa bị bắt (anh Hoa là một trong số cán bộ chủ chốt của “phong trào” học sinh-sinh viên Huế). Hai gia đình không biết xử lý ra sao vì lỡ cưới rồi mà anh Hoa bị thủ tiêu như nhà thơ Ngô Kha thì chị Cúc chưa chồng mà chịu cảnh góa bụa, vậy mà chị Cúc quyết định cứ cưới, “dù không có anh Hoa, tôi sẽ thay anh để chăm sóc cho mẹ chồng”. Một đám cưới “không chồng” đầy nước mắt, nhưng thật may, đó cũng là những ngày Huế sắp được giải phóng, anh Hoa đã cùng các bạn tù phá nhà lao tự giải thoát khi lính gác tù đã tháo chạy.
Hoặc như Bảo Cường, “Sau một cuộc đời” (NXB Lao động, 2010), anh tự nhận là “một kẻ sống cù bơ cù bất, đầu đường xó chợ, bơ vơ lưu lạc quê người… cha là cán bộ Việt Minh nằm vùng… bị tra tấn tù đày Côn Đảo…”; bản thân anh hết bị chính quyền Sài Gòn bỏ tù rồi trốn tù, rồi lại vô nằm nhà tù chế độ mới… vậy mà trở nên một “cây” ngâm thơ, thổi sáo lừng danh với vô số huy chương ở các hội diễn.
Chỉ qua 4 cuốn tự truyện, đã thấy cuộc đời thật lắm nỗi éo le nhưng cũng cho ta niềm vui, niềm tin ở Con Người!
Nguyễn Khắc Phê