.

Vẻ đẹp Hằng Phương

.
Hằng Phương, tên thật là Lê Hằng Phương (1908 - 1983), sinh ra ở Điện Bàn, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống văn học, là con gái của nhà khảo cứu văn học và lịch sử Lê Dư.

Mô tả ảnh.
Nữ sĩ Hằng Phương
Lê Dư, hiệu là Sở Cuồng, là người từng tham gia phong trào Đông du, từng xuất dương du học tại Nhật Bản. Về nước, ông từng tham gia làm trợ bút cho các tạp chí Nam Phong, Hữu Thanh, các báo Đông Tây, Đồng Thanh, từng làm việc tại trường Viễn Đông bác cổ. Ông  viết nhiều sách, trong đó có hai tác phẩm thể hiện cái nhìn mới mẻ là đề cao vai trò của nữ lưu đáng chú ý như Nam quốc nữ lưu (Nữ lưu nước Nam, 1929) và Nữ lưu văn học sử (Lịch sử văn học nữ giới, 1929)...

Học hết bậc tiểu học ở trường làng, 14 tuổi, Hằng Phương ra Hà Nội,  tiếp tục học chữ Hán với cụ Ngô Đức Kế, được hấp thụ tinh thần yêu nước từ các sĩ phu. Qua cụ Ngô Đức Kế và truyền thống hiếu học từ làng quê văn hiến, bà đã hun đúc nhiều phẩm chất làm nên vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trung hậu đảm đang, suốt đời lo cho chồng con và không ngừng nỗ lực phấn đấu, dấn thân vì xã hội nhân quần.

Vẻ đẹp dấn thân của Hằng Phương là vóc dáng của một nhà hoạt động xã hội, đã đưa người phụ nữ từ chốn phòng the đến với đời sống xã hội rộng lớn vào những năm hai mươi của thế kỷ XX, bắt đầu bằng những bước chân rón rén trên con đường văn chương báo chí, đến những hoạt động yêu nước, hoạt động xã hội, rồi bà tham gia kháng chiến, tham gia đoàn thể cứu nước.

Từ bài thơ đầu tay Nhớ con nhỏ Bội Trinh, in trên Phụ nữ tân văn năm 1929, bà trở thành nhà báo bán chuyên nghiệp, là trợ bút và cộng tác viên thường xuyên của các báo Phụ nữ tân văn, Trung lập (ở Sài Gòn), Hà Nội tân văn, Đàn bà, Tri tân, Ngày nay, Trung Bắc tân văn (ở Hà Nội), rồi bà có thơ in chung với các nữ sĩ thời danh đương thời là Mộng Tuyết, Vân Đài, Anh Thơ trong tập Hương xuân (1943). Bên cạnh đó, bà còn tích cực hoạt động trong Hội truyền bá quốc ngữ. Tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (1945), bà hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc (1946-1954).

Mô tả ảnh.
Bút tích nữ sĩ Hằng Phương trong bài thơ tặng trái cam Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau năm 1954, Hằng Phương về công tác ở báo Văn nghệ, nhiệt tình của con người hoạt động và thái độ dấn thân trong bà vẫn không hề suy giảm. Ở tuổi sáu mươi (1968), bà vẫn hăng hái xung phong vào tuyến lửa Quảng Bình, đến với cuộc sống và chiến đấu của bà con dân tộc Vân Kiều và đội nữ thanh niên xung phong ở cầu Cấm (Nghệ An). Chính đó là nguồn mạch, là sức sống cho những sáng tác của Hằng Phương. Ngoài các tập thơ in chung như Hương xuân (1943), Một mùa hoa (1961), Chim én bay (1962), bà còn có các tập thơ in riêng như Mùa gặt (1961), Hương đất nước (1974) và nhiều bút ký, tản văn in báo nóng hổi hơi thở đời sống, thấm đẫm tình yêu dân yêu nước, được người đọc đương thời chú ý.

 Vẻ đẹp mang thiên tính nữ ở Hằng Phương đáng được lưu truyền cho hậu thế, là sự cần mẫn, chịu thương chịu khó, chăm lo cho cuộc sống gia đình và sự nghiệp của chồng con. Vào những năm bốn mươi của thế kỷ trước, cuộc sống của người dân nô lệ vô cùng khổ sở, khó khăn, thiếu thốn. Thậm chí có lúc bà phải gánh tàu hủ đi bán khắp ba mươi sáu phố phường để kiếm tiền nuôi chồng nuôi con. Thời gian đó, chồng bà, ông Vũ Ngọc Phan đang vùi đầu ngồi viết sách.

 Người ta nói rằng, nếu không có gánh tàu hủ của bà Hằng Phương thì lịch sử văn học nước ta sẽ không có bộ sách đồ sộ Nhà văn hiện đại và ông Vũ Ngọc Phan sẽ không thể xếp vào hàng những người đi tiên phong mở đường cho nền phê bình văn học nước nhà, cùng với các tên tuổi như Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Trương Chính... Thời đó, phụ nữ biết chữ đã quý rồi. Bà chẳng những biết chữ, mà còn làm được thơ.
 
Nếu coi Thi nhân Việt Nam là “bằng công nhận”, là sự thừa nhận tư cách nhà thơ, thì trong số 46 tác giả được Hoài Thanh - Hoài Chân “bầu” vào danh sách đó, có 5 phụ nữ, thì bà là một trong năm người đó. Thế mà, ngoài việc tích cực hoạt động xã hội như đã nói trên, bà còn phải lặn lội “buôn thúng bán bưng” theo đúng nghĩa đen của từ này, để nuôi chồng ngồi viết sách, còn dồn tiền bỏ ống, cuối năm đập ống lấy tiền đưa cho chồng in sách. Bộ Nhà văn hiện đại vì thiếu tiền in, phải in thành 5 tập, kéo dài từ 1942 đến 1945 là vì vậy.

Không chỉ có thế. Ngoài nuôi chồng, dồn tiền cho chồng in sách, bà còn nuôi dạy các con ăn học tử tế. Sự thành đạt của các con bà thật đáng ngưỡng mộ. Hai người con của bà, ngoài khả năng chuyên môn, còn là hai người đứng đầu hai tổ chức liên hiệp lớn nhất nước ta: Họa sĩ Vũ Giáng Hương (1930-2011), nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng (1939 - 2008), nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

Điều cần nói thêm là, tuy sống xa quê lâu năm nhưng trong tâm hồn Hằng Phương luôn được ủ ấm tình cảm quê hương và vẫn đậm chất của con người xứ Quảng: Ai về cố quận cho ta nhắn / Gửi chút lòng thương nhớ núi sông. Đó là những câu thơ đã được các tác giả Thi nhân Việt Nam trích dẫn với lời bình đích đáng: “Thơ Hằng Phương cùng một giọng êm dịu, ngọt ngào như thơ Vân Đài. Nhưng ít dấu tích thơ Đường và thành thực hơn. Như đoạn cuối trong bài Lòng quê trích theo đây lời thơ thực yểu điệu dễ thương” (TNVN, tr.344). Không biết tôi có thiên vị đến mức thiển cận vì quê hương hay không, nhưng với tình quê ấy, tôi cho rằng, thái độ dấn thân trong hoạt động yêu nước và cách mạng, cùng với sự cần mẫn, chịu khó lo chu toàn cho chồng con, vốn là phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, nhưng với Hằng Phương còn được bồi đắp, nhân lên từ ruộng lúa, bờ tre, sông bãi của quê hương nghèo khó của xứ Quảng, tạo nên.

Phạm Phú Phong
;
.
.
.
.
.