.

50 năm, bao điều để nhớ

.

Năm mươi mùa hoa đi qua với bao điều nhớ bao điều quên, nhưng tôi biết chắc một điều là không ai trong mỗi người đã từng sống dưới mái trường Trung học Hòa Vang có thể quên được nghĩa thầy trò, tình bè bạn gắn với đất và người nơi vùng quê đã một thời heo hút này, cho dù phải lặn lội mưu sinh trên vạn nẻo đường đời…

 

Mô tả ảnh.
Thầy trò chụp ảnh lưu niệm nhân 40 năm thành lập trường.

 

1.   Giữa năm lớp 11, tôi tham gia tờ báo xuân nhà trường với tư cách là trưởng ban báo chí lớp. Hồi đó, thầy Huỳnh Ngọc Lộc vừa là giáo sư hướng dẫn (bây giờ gọi là giáo viên chủ nhiệm) lớp tôi, vừa là “tổng biên tập” báo xuân nhà trường. Trong một buổi họp trưởng ban báo chí các lớp, thầy đề nghị đặt tên cho tờ báo là “Hoa Vàng” với lời giải thích: “Hoa Vàng” vừa là Hòa Vang đọc theo cách nói lái người xứ Quảng, vừa là sắc hoa biểu trưng cho mùa xuân. Đó là một ý tưởng đủ sức thuyết phục để không ai trong chúng tôi phải tỏ ý phản bác. Thế là, mùa xuân năm đó, trên tay thầy trò chúng tôi có tập báo xuân hình thức trang nhã, nội dung phong phú, hai chữ “Hoa Vàng” lả lướt những cành mai ngoài bìa.

Ấn tượng “Hoa Vàng” có lẽ là sâu sắc nhất trong những gì mà ký ức tôi còn lưu lại giữa mênh mang nỗi nhớ về trường, về mùa xuân. Rất nhiều năm sau đó, trong tôi vẫn bàng bạc một sắc hoa vàng với những kỷ niệm thân thương một thời áo trắng. Tôi đã phải rời xa mái trường thân yêu trước ngày chinh chiến ra đi, hòa bình lập lại, vì thế trong tôi còn có nỗi hụt hẫng một quãng đường chưa trọn cùng thầy cô, bạn bè, trường lớp...

2.  Năm 2000, tôi được Ban Biên tập Báo Đà Nẵng giao nhiệm vụ mở chuyên mục mới - Cửa sổ Tri thức, trên Đà Nẵng cuối tuần, nhằm cung cấp cho bạn đọc những kiến thức về mọi lĩnh vực trong cuộc sống thông qua câu hỏi của bạn đọc. Đang bí, không biết phải “khởi động” như thế nào và từ đâu thì nhận được thông tin từ một giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền, phường Khuê Trung, lúc đó còn thuộc quận Hải Châu.

Số là, lúc đó, con đường đi ngang qua trước một loạt các cơ quan, trường học như UBND huyện Hòa Vang, Nhà máy Dệt may Hòa Thọ (bây giờ là Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ), Trường THPT Hòa Vang, Trường Tiểu học Ngô Quyền... được HĐND thành phố Đà Nẵng ra nghị quyết đặt tên là đường Ông Ích Đường. Một sự kiện làm bật ra ít nhất hai điều lạ trong cái nhìn của học trò tiểu học ngày đó. Nói là trực thuộc quận nội thành Hải Châu, nhưng phường Khuê Trung lúc đó vẫn chưa phải là “phố” mà còn mang dáng dấp chân quê, bởi bước mấy bước qua bên kia đường thì đã là xã Hòa Thọ của huyện ngoại thành Hòa Vang. Do đó, đường có tên là một sự lạ. Và, mang tên Ông Ích Đường lại thêm một sự lạ.

Cái sự lạ thứ hai, qua chuyện trò với một giáo viên Trường Ngô Quyền, đã trở thành câu trả lời đầu tiên trong số báo ra mắt chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Đà Nẵng cuối tuần 11 năm trước.

Từ khi đường có tên, nhiều người mới biết đến một Ông Ích Đường người làng Phong Lệ (nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), cháu nội của danh tướng Ông Ích Khiêm. “Cậu Đường mười tám tuổi đầu/ Dẫn dân công ích xin xâu dưới Tòa”, câu thơ xưa còn nhắc chuyện Ông Ích Đường dẫn đầu đoàn nông dân Hòa Vang cùng với nông dân 6 phủ, huyện khác trong tỉnh Quảng Nam cùng kéo nhau về Tòa công sứ Pháp ở Hội An đòi giảm thuế, bỏ việc đi xâu…

Cũng ít người trong lớp trẻ bây giờ biết rằng, trước năm 1965, thời điểm quân đội Mỹ mở rộng phi trường Đà Nẵng về phía Nam, có một đường phố chạy thẳng một mạch từ đường nay có tên là Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê) đến đường Ông Ích Đường ngày nay. Nghĩa là, chỉ những ai là học trò Trường Trung học Hòa Vang trước năm 1965 thì còn ít nhiều biết đến không khí của một trường-mang-dáng-phố bởi cảnh nhộn nhịp xe cộ qua lại; còn sau đó, khi con đường bị cắt đoạn thì tất cả lại trở về với trường làng chân quê.

 

Mô tả ảnh.

 

3.  Nhắc đến đời học sinh, người ta thường nói về mùa hè chói chang sắc phượng dự báo ngày chia tay. Trường Hòa Vang cũng có mấy gốc phượng già, có lẽ đã đồng hành cùng những phiến đá đầu tiên xây dựng trường từ năm 1961. Cứ mỗi hè đến, bầu trời lại rực màu hoa đỏ, thi thoảng chút gió ùa về, chao những cánh phượng hồng trên những lối đi mấp mô dấu cỏ. Áo trắng – phượng hồng đã dệt nên cuộc đời mộng mơ dưới mái trường. Riêng tôi, ký ức đời học sinh vẫn tươi rói một sắc hoa vàng cùng với những khuôn mặt thầy cô và bè bạn của những tháng năm tươi đẹp nhất.

Khi tôi rụt rè bước những bước đầu tiên vào sân trường đến lớp, tôi biết đã có rất nhiều anh chị các “thế hệ” học trò trước tôi cũng đã từng nao nao một cảm xúc như thế trong ngày đầu tiên làm học trò trung học. Cánh cổng trường đối với học trò chúng tôi ngày đó sao mà thâm nghiêm, sao mà đầy uy lực đến thế. Hầu hết chúng tôi đến lớp khi chưa kịp rũ hết nét chân quê – cả những hồn hậu đáng yêu lẫn những chân chất buồn cười - từ cuộc sống hai sương một nắng. Nhiều đứa đạp xe gần cả chục cây số, thậm chí có đứa cuốc bộ từ mờ sáng để kịp giờ vào lớp. Có đứa đến trưa tạt vào một chốn nào đó qua quýt lót dạ bằng cơm cà, dưa muối trong lon ghi-gô mang theo để đến chiều học tiếp. Có đứa không ít lần cố đánh lừa cái dạ dày bằng một ly nước vì lúc sáng vội vàng không chuẩn bị gì kịp cho bữa trưa. Trường lớp nông thôn, học trò nhà quê... cứ thế, chúng tôi ngày một lớn khôn thêm, bên cạnh sự kính trọng và ngưỡng mộ các thầy cô như những thần tượng mẫu mực về nhân cách và tài năng, chúng tôi còn dành cho nhau lòng quý mến và sự cảm thông sâu sắc vốn có của học trò chân rơm, gốc rạ.

4. Hôm trước, một anh cựu học sinh Hòa Vang ở Sài Gòn về chơi, chạy xe trên đường Lê Đại Hành, nói chừ sao đường sá lạ hoắc lạ đế. Thời còn đi học trên Chi nhánh Trường Trung học Hòa Vang ở Nghi An gần chợ Bồ Quân (học sinh quen gọi là Trường Chi nhánh), anh thường cùng tụi bạn đi tắt đường ruộng phía sau Nhà máy Dệt Hòa Thọ, tuy gần hơn rất nhiều nhưng nhiều lúc phải lội nước lõm bõm. Thế mà vui, xắn quần, xách dép, ôm cặp, thỉnh thoảng té nước trêu nhau... Giờ đi trên khu dân cư mới nối liền từ phía sau Dệt Hòa Thọ lên tới Trường Chi nhánh ngày nào, không sao hình dung ra cảnh cũ người xưa. Những con đường ngang dọc như đường kẻ ô bàn cờ, nhà cửa khang trang, đẹp đẽ. Thay đổi quá!

Học trò ngày đó, ở xa đến trường bằng xe đạp, gần thì ô-tô... bước. Ban ngày không nói gì, chứ chạng vạng tối thì tụm năm tụm ba rủ nhau đi về cho đỡ sợ. Một chiếc xe đạp nhiều khi chở tới 3-4 cậu con trai, loạng choạng trên đường làng. Ngày nghỉ, kéo nhau đi chơi tới những nơi mà địa danh đã trở thành thường trực trong nếp nghĩ học trò ngày đó: Chùa Bà Quảng, Đồi Thông, Đồi Ông Ích Khiêm... Những con đường hun hút cây xanh, quanh co ngõ trúc bỗng trở nên rất đỗi thân quen, bởi ở đó có nhà đứa bạn cùng lớp, có hàng vú sữa thơm lừng hay chùm ổi nếp ngọt lịm.

Ngày trước, dọc theo phi trường Đà Nẵng là dây kẽm gai, là lính gác. Học trò nếu phải đi ngang về tắt qua đó cũng đâu dám ngó nghiêng. Chừ có con đường thênh thang chạy sát phi trường, nối từ đoạn đường xuống chùa Bà Quảng xưa lên tới chợ Bồn Quân, cây xanh nhà đẹp đã làm phai nhạt cái hình ảnh chiến tranh ngày nào trong ký ức bạn tôi…

5.  Năm mươi mùa hoa đi qua, học trò trước năm 1975 nếu không lưu ban thì lâu nhất cũng chỉ gắn bó với chốn học đường trung học này 7 năm. 7 năm đối với một quãng đời định hình nhân cách, định hướng tương lai như học trò chúng tôi ngày đó thì quả là một quãng thời gian khó thể phôi phai. Tôi biết, nhiều học sinh cũ nhà trường, dù có xuôi ngược mưu sinh mọi nơi trên quả đất này, nhưng bao giờ có dịp quay lại chốn quê nghèo chôn nhau cắt rốn cũng không quên ghé lại trường xưa với một tâm thái hành hương về với cội nguồn.
Kể cũng phải, khi không ít học trò từ biệt trường lớp ra đi để rồi vì tâm đắc một điều gì đấy, mấy năm sau quay lại làm thầy, làm cô ngay chính trong phòng mình học ngày trước. Sự hóa thân diệu kỳ ấy đã khắc họa bước thăng hoa tâm hồn lên những trang đời đẹp nhất của những người được vinh dự làm thầy ngay giữa chốn mình từng làm học trò một thuở.

6.  Có lẽ, trước quầng hào quang của danh tướng Ông Ích Khiêm lẫy lừng trong lịch sử dân tộc thì người cháu nội ông - Ông Ích Đường, chừng như bị lãng quên trong tâm thức hậu thế, ngay cả với một số người sống ở vùng Hòa Vang – Đà Nẵng. Cũng vậy, đứng trước những “người khổng lồ” như Trần Quý Cáp (Hội An), Phan Châu Trinh (Đà Nẵng)... thì Trung học Hòa Vang cũng chỉ là ngôi trường có một tầm vóc nhất định. Nói thế không có nghĩa là ngôi trường năm nay lên tuổi 50 này lẫn vào đâu đó những ngôi trường hàng huyện khác. Những thế hệ học sinh chân quê gốc rạ xuất thân từ nơi này đã tỏa đi khắp nước, khắp thế giới, làm rạng danh học trò trường huyện bằng cái tâm, cái tài của mình trên chặng đường công danh sự nghiệp.

Những con đường dẫn đến ngôi trường nửa thế kỷ đã được mở rộng và mang tên danh nhân đất nước, điều này đã ít nhiều làm ta có cảm giác ngôi trường dường như hẹp lại. Song, khái niệm rộng/hẹp sẽ không còn ranh giới khi cuộc họp mặt mừng trường lên tuổi 50 sắp tới sẽ vỡ òa tình thân thầy cô, bè bạn với những kỷ niệm buồn vui khó thể nguôi quên.

7.  Tháng 11 này sẽ diễn ra Ngày Hội trường. Những thế hệ Ban giám hiệu, thầy cô, học trò... tất cả làm nên một vòng hoa cho niềm vui hội ngộ. Năm mươi mùa hoa đi qua với bao điều nhớ bao điều quên, nhưng tôi biết chắc một điều là không ai trong mỗi người đã từng sống dưới mái trường Trung học Hòa Vang có thể quên được nghĩa thầy trò, tình bè bạn gắn với đất và người nơi vùng quê đã một thời heo hút này, cho dù phải lặn lội mưu sinh trên vạn nẻo đường đời…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.