“Từ chỗ gặt, tôi phải gánh lúa đi qua các đám ruộng khoảng hơn 300 mét mới đến chỗ máy tuốt. Tuốt xong cũng phải gánh về nhà vì đường trong thôn chỉ rộng hơn 1 mét, chỉ vừa đủ cho xe rùa, chứ xe bò kéo cũng không đi được. Ở đây làm ra được hạt lúa rất công phu”, ông Phan Thôi, thôn Tùng Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang kể về quy trình sản xuất của gia đình ông cũng như của bà con Tùng Sơn.
Các điểm trường nhỏ, chỉ có khoảng 4 phòng học khiến cơ sở hạ tầng trường học của các xã huyện Hòa Vang không đạt chuẩn. |
Hiện nay đường giao thông nội đồng ở các vùng trồng lúa của huyện Hòa Vang đã cơ bản được bê-tông ở những tuyến đường chính, còn những nhánh phụ, dẫn đến từng đám ruộng vẫn là bờ cỏ được bà con đắp lên. Như thôn Tùng Sơn, với tổng diện tích khoảng 20ha, các cánh đồng lại không tập trung mà phân tán ra nhiều nơi, nằm giữa các ngọn đồi, gọi là ruộng “hốc”, việc đầu tư cho giao thông nội đồng vẫn chưa được bao nhiêu, khi lâu nay các xã bằng nguồn kinh phí từ huyện phân chia hằng năm, chỉ có thể đầu tư mỗi năm 1-2km đã là khá rồi.
Đường giao thông nội đồng không chỉ ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa của bà con, mà cả một quy trình sản xuất mất rất nhiều công. Giá thành sản xuất vì thế cũng đội lên khá cao. Gia đình ông Phan Thôi cũng vậy, với 8 sào ruộng, mỗi sào, vụ đông xuân làm tốt cũng chỉ đạt 2,7 tạ, đủ để gia đình ăn đến giáp hạt. Do đường bờ ruộng hẹp, khó khi đưa máy đến từng mảnh ruộng, nên giá thuê máy lồng đến 180 nghìn/sào. Ông Thôi bảo “Chi phí quá cao nên làm ruộng không có lãi. Nếu được đầu tư giao thông nội đồng, nước tưới đầy đủ, ngày công bỏ ra giảm bà con mới yên tâm với nghề nông”.
Đường giao thông nông thôn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn được bê-tông theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ những năm trước, rộng 1-2 mét, chủ yếu giải quyết vấn đề dễ đi lại, không đáp ứng được các yêu cầu như xe cơ giới đến được từng ngõ xóm. Tại cuộc họp thôn đầu tiên bàn về vấn đề xây dựng Nông thôn mới (NTM) cách đây không lâu, nhiều người dân thôn Tùng Sơn cho rằng họ sẵn sàng hiến vài mét đất vườn để mở rộng đường lên 3,5 – 5 mét, nhưng chính quyền phải hỗ trợ một phần kinh phí khi hoa màu hay tường rào bị đập bỏ.
Cần một sự đầu tư đồng bộ
Từ năm 2008 đến nay, Hòa Vang đầu tư mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn vốn CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn để làm kênh mương và đường giao thông nội đồng, toàn huyện mới bê-tông được 25,02km/107,92km. Kế hoạch đầu tư đường trục chính nội đồng giai đoạn 2011-2015 là 83km. Hiện 11 xã có 118 nhà họp thôn, nhưng mới có 5 nhà họp thôn đạt tiêu chuẩn về diện tích, có sân khấu, phòng đọc sách và làm nhà tránh lũ. Huyện Hòa Vang đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí của Bộ tiêu chí NTM. |
Tại Hòa Vang, vấn đề nước tưới hiện đáp ứng được yêu cầu cung cấp đủ nước cho các cánh đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng theo Bộ tiêu chí quốc gia, kênh mương thủy lợi phải bê-tông hóa khoảng 70% mới đạt yêu cầu. Muốn làm được những tiêu chí chưa đạt, các địa phương cần một nguồn kinh phí khá lớn để kiên cố kênh mương dẫn nước cũng như làm đường giao thông, xây trường học đạt chuẩn, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu văn hóa…
Ông Đinh Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn thống kê ra những việc xã đã làm được các năm qua: Với 63km kênh chính nội đồng, những năm qua xã đã đầu tư bê-tông được 4,5km. Đường giao thông nông thôn dài 50km nhưng mới đầu tư được 36km, đạt 70% kế hoạch và dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Hiện Hòa Nhơn mới đạt 1/5 tiêu chí về cơ sở hạ tầng kinh tế (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa), muốn hoàn thành các tiêu chí cần một nguồn kinh phí khá lớn, chưa kể hiện nay việc vận động nhân dân hiến đất rất khó. Việc xây dựng trường học cũng khó đạt chuẩn vì diện tích khá nhỏ, các trường tiểu học, mẫu giáo lại có nhiều điểm trường. Muốn giải quyết vấn đề trường học, phải sắp xếp lại để đầu tư khoảng 2 trường tiểu học, 2 trường mầm non. “Đến năm 2015, chúng tôi dự kiến với các tiêu chí về cơ sở hạ tầng kinh tế sẽ đạt khoảng 40-50% là tốt lắm rồi”, ông Thống nhẩm tính vì xã Hòa Nhơn cũng chưa xác định được nguồn kinh phí đầu tư sẽ được cấp từ đâu, khi nội lực của xã còn yếu.
Trong 11 xã của Hòa Vang, Hòa Tiến là xã đạt nhiều tiêu chí nhất với 15/19 tiêu chí xây dựng NTM. Về cơ sở hạ tầng kinh tế, chỉ có tiêu chí thủy lợi và cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt. Dù hiện nay nước tưới phục vụ sản xuất khá đầy đủ, kể cả mùa khô khi xã có 2 trạm bơm chống hạn là Lệ Sơn 1 và Yến Nê 2, nhưng tiêu chí thủy lợi của Hòa Tiến vẫn chưa đạt do tiêu chí bê tông hóa kênh mương nội đồng. Ông Nguyễn Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết, với năng suất đạt 60 tạ/ha, đồng ruộng ở đây khá tốt. Nhưng Hòa Tiến còn là vùng sản xuất lúa giống, nên vấn đề thủy lợi còn khá nan giải, khi đến vụ mùa, tất cả các cánh đồng cùng xuống giống một thời điểm. Ông Nguyễn Thảo, Chủ nhiệm HTX Hòa Tiến 1 cho biết, diện tích sản xuất lúa giống vào khoảng 50-70ha, sản lượng 500-700 tấn tùy theo vụ, “năng suất và diện tích sản xuất của chúng tôi chưa thể ổn định vì kênh tưới còn khó khăn, dù kênh mương, nước đầy đủ. Nếu được đầu tư thêm một trạm bơm Miễu Ông ở thôn Cẩm Nê, vấn đề nước tưới mới được giải quyết”.
Hoàng Nhung