.

Chung tay gìn giữ môi trường

.

Cặm cụi đặt từng viên gạch lên bức tường cao quá đầu, anh Đặng Quang Sơn, thôn Lệ Sơn 1 nói rằng, đây là công trình vệ sinh của gia đình mới được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với xã Hòa Tiến  hỗ trợ xây dựng. Vợ bị thiểu năng trí tuệ, con còn nhỏ, một mình làm tất cả các khâu từ trộn vữa, xây, trát… nhưng anh không giấu được niềm vui, sắp có được cái nhà vệ sinh sạch sẽ.

Mô tả ảnh.
Người dân Hòa Liên vui mừng khi có nước sạch.

 

Nhiều dự án hỗ trợ

Đó là một trong số những công trình mà dự án Xây dựng công trình vệ sinh cho người khuyết tật và trẻ mồ côi của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Hòa Tiến đem đến cho người dân nghèo. Dự án nằm trong chương trình xây dựng NTM năm 2011 đã triển khai cho 6 hộ ở Hòa Tiến và 6 hộ ở Hòa Khương.

Là xã có nhiều lợi thế trong việc xây dựng NTM, Hòa Tiến đã đạt được 15/19 tiêu chí, tuy nhiên cũng như nhiều xã khác, môi trường là vấn đề không hề đơn giản. Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết đây là một trong những tiêu chí rất khó, cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức bởi với nông thôn đó là việc rác thải sinh hoạt, nước sạch, vệ sinh môi trường gia đình… Tính đến thời điểm này xã Hòa Tiến có 98,1% hộ gia đình đã có công trình nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Đa số nhà vệ sinh của người dân đều tự làm. Có những hộ hoàn cảnh rất éo le nhưng cũng cố gắng để giữ gìn môi trường sống quanh mình như trường hợp chị Lê Thị Hiên, thôn Lệ Sơn 1. Chị Hiên cố tích cóp để xây dựng cái nhà vệ sinh cho sạch sẽ, nhưng hồi tháng 6 chị bị tai nạn lao động và qua đời, để lại đứa con trai 4 tuổi cho ông bà ngoại cùng với công trình vệ sinh đang xây dở. Nhờ có sự giúp đỡ của dự án mà đến nay công trình đã chuẩn bị nghiệm thu.

Để đạt được tiêu chí môi trường trong các tiêu chí của NTM, các xã trên địa bàn huyện phải bảo đảm tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia. Ông Nguyễn Thương, Phó Chủ tịch huyện Hòa Vang cho biết vấn đề nước sạch, khí thải, nước thải tại các khu công nghiệp rất nan giải. Các khu công nghiệp nằm ở Hòa Khánh nhưng chất thải đổ ra lại khiến người dân các xã của Hòa Vang vùng giáp ranh phải gánh chịu.  Công ty Dana - Ý và Thép Thái Bình Dương khói cuộn mù trời, những ngày nắng nóng mùi nước thải luẩn quẩn trong không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân vùng lân cận.  Thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên) bị ô nhiễm rất nặng, nước sạch từ các giếng khoan, đào đều không dùng được. Mãi đến cuối năm ngoái mới có nước sạch.

Theo ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch và Xây dựng cơ bản, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), từ tháng 10-2010 người dân một số xã của huyện Hòa Vang đã được quỹ Water for Life của Công ty Vitens Evides hỗ trợ, lắp đặt 2.257 đồng hồ nước miễn phí cho các hộ nghèo và xây dựng hệ thống thoát nước cho các xã Hòa Châu, Hòa Liên, Hòa Tiến. Từ 1-1-2011 Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cũng tiến hành lắp đặt đồng hồ miễn phí cho các hộ nghèo trên địa bàn Hòa Vang và đến nay đã lắp đặt được cho 4.661 hộ.

Chị Phạm Thị Thu Thạnh, thôn Trung Sơn hồ hởi nói: “Trước đây nước giếng lọc rồi mà vẫn vàng khè, tắm thì bị mẩn ngứa. Từ khi có nước sạch, bà con thấy yên tâm hẳn”.

Còn lắm gian nan

Là một nội dung của tiêu chí môi trường, vấn đề rác thải, rác sinh hoạt, rác nông nghiệp của các xã trên địa bàn huyện tương đối nhiều. Diện tích đất rộng nên nhiều gia đình vẫn giữ thói quen vứt rác bừa bãi. Tại một số tuyến đường chính có người của Công ty Môi trường đô thị đi thu gom nhưng việc bỏ rác của người dân và việc thu gom cũng không theo một quy trình nào nên rác bị ứ đọng lại có khi tràn cả ra đường, thậm chí con đường giáp ranh giữa Đại Lộc và Hòa Khương, người dân buổi sáng đi làm thường mang theo cả bịch rác, vứt luôn bên vệ đường.

Nằm ở vị trí có con đường 14B cũ chạy qua, việc thu gom rác của xã Hòa Nhơn cũng còn nhiều gian nan. Chỉ các thôn gần trung tâm như Phú Hòa 1, 2, Thạch Nham Đông, Thạch Nham Tây được Công ty Môi trường đô thị thu gom, còn rác của các thôn khác vẫn vứt bừa bãi, ngay các công trình vệ sinh đạt chuẩn cũng chỉ khoảng 50%. Những thôn ở xa trung tâm, xã đang dự kiến tháng 12-2011 bắt đầu triển khai xây dựng mỗi thôn 1 điểm tập kết rác, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống.

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, một khó khăn khác trong việc hoàn thành tiêu chí môi trường là các nghĩa trang phải được xây dựng theo quy hoạch, phải cách khu dân cư từ 500m đến 1km và có tường bao. Nhưng hiện nay, số nghĩa trang ở các xã chưa làm được điều đó do được xây dựng từ rất lâu đời, cộng với yếu tố tâm linh nên việc di dời rất khó. Thói quen xây dựng nghĩa trang trên gò đồi để tránh lụt cũng là một bất lợi, những lúc mưa lụt nước chảy xuống nơi dân ở, vì vậy chỉ còn cách tạo ra khoảng cách với khu dân cư bằng một vùng đệm nhất định.

Ông Nguyễn Thương cũng chia sẻ để đạt được tiêu chí môi trường, địa phương phải giải quyết rất nhiều vấn đề và cần có thời gian để tuyên truyền cho người dân hiểu. Hằng tháng, các hội, đoàn thể ở huyện cũng thường xuyên tổ chức ngày chủ nhật xanh để thu gom, dọn dẹp cảnh quan khu dân cư… tuy nhiên cần nhất là sự chung tay, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của chính người dân.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.