Tuổi ông không cao, đời ông không dài. Nhưng sự nghiệp của ông đúng là một tấm gương tận trung, tận hiếu với đất nước, quê hương, với gia đình, tộc họ, xứng đáng là một danh nhân đất Quảng.
Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại của Pháp đặt tại Aix-en-Provence, ở Kho lưu trữ Toàn quyền Đông Dương, tại Hồ sơ mang số hiệu 65530, có bản báo cáo số 119-C của Công sứ Quảng Nam ngày 1-6-1916 gửi Khâm sứ Trung kỳ, nhắc đến một tú tài người Quảng Nam tên là Đỗ Tự.
Hồ sơ Kho lưu trữ Toàn quyền Đông Dương tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp có ghi chép về Tú tài Đỗ Tự. |
Hồ sơ ghi: “... vào ngày 27 tháng 4, trong ngôi nhà của Tú tài Đỗ Tự, nằm gần chợ Miếu Bông, nơi đang tổ chức khai trương một cách hợp pháp ngôi nhà mới đó, người ta đã tiết lộ cho một số rất ít người biết về chiếu chỉ của nhà vua kêu gọi nổi dậy trong những người trung thành - gọi là “Nghĩa” - vào đêm mùng 3 rạng sáng ngày 4 tháng 5. Cũng trong đêm hôm đó, một cuộc họp lớn của những người đồng mưu do Thông Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài và Hương Thùy triệu tập đã thông qua những đường hướng lớn về tổ chức nhà nước mới và một bản tuyên ngôn kêu gọi dân chúng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa...”.
Lần giở lại lịch sử dân tộc, có thể thấy được bề dày hoạt động của Tú tài Đỗ Tự chống ách đô hộ của thực dân Pháp, chống ách áp bức bất công, quyết giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Cuốn Lịch sử thành phố Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, năm 2001, tr. 92) đã ghi nhận ông là một trong những thủ lĩnh trọng yếu của khởi nghĩa tháng 5-1916: “Cho đến cuộc khởi nghĩa Duy Tân diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần thứ nhất, những người chủ trương trong đó có những yếu nhân người Quảng Nam như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Đỗ Tự...”.
Cuốn Lịch sử Đấu tranh Cách mạng huyện Hòa Vang giai đoạn 1928 - 1954 (NXB Đà Nẵng, 1985) cho biết rõ thêm: Đỗ Tự vừa ra khỏi tù vì tham gia lãnh đạo chống thuế năm 1908 thì đi dự Đại hội Việt Nam Quang phục hội Trung kỳ tại Phú Xuân (Huế) vào tháng 2 năm 1915 cùng các đồng hương Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài...
Một cuốn sách khác, Quảng Nam: Địa lý - Lịch sử - Nhân vật của cụ Lâm Quang Thự biên soạn năm 1974 (in lại trong sách Lâm Quang Thự, NXB Đà Nẵng, 2005) cũng xác nhận thông tin như trên và cho biết thêm Đỗ Tự, tại đại hội quan trọng đó, được bầu vào ban khởi nghĩa bên cạnh các đồng hương Quảng Nam gồm Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài...
Tác giả Thiện Sinh trong bài Thái Phiên và cuộc Duy Tân khởi nghĩa đăng trên Tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn, số 123, ngày 15-2-1962, nói đến việc Tú tài Đỗ Tự làm mai mối để Thái Phiên, lúc đó giữ chức vụ kinh tài cho phong trào Đông du, tục huyền cùng con gái phú hộ Học Băng ở Quang Châu, Hòa Vang, để việc quyên tiền chóng kết quả.
Cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Đỗ Tự và Lâm Nhĩ bị đày và chết ở Lao Bảo.
Riêng về sự hy sinh của Tú tài Đỗ Tự, thì trong tộc phả, kỷ yếu của tộc Đỗ hiện còn lưu giữ, có khác với một vài cuốn sách khác. Tác giả Đỗ Thái Hòa, cháu nội của ông, đã kể về những hoạt động và sự hy sinh của ông nội mình trong một bài ghi chép rất cảm động với nhan đề “Chữ Trung không đặng, chữ Hiếu đau lòng” .
Theo đó, Đỗ Tự quê gốc ở làng Diệm Sơn, nay là xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn. Khi ông đỗ tú tài, được tộc họ và dân làng Diệm Sơn nghinh rước theo tục lệ, rất long trọng. Mấy hôm sau, triều đình Huế có trát gọi ra làm quan, ông nhất quyết không đi, mà cùng các sĩ phu và các nhà yêu nước như Trần Cao Vân, Thái Phiên tham gia phong trào chống Pháp. Ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Thức ở làng Miếu Bông, huyện Hòa Vang. Ông khuyến thiện cha mẹ vợ và bà con bên vợ giúp đỡ làm ngôi nhà có gác ở gần chợ Miếu Bông sát quốc lộ để làm nơi liên lạc hoạt động cách mạng, vì đây là nơi thông thương Bắc Nam.
Nhà ông và các nhà bà con tộc Đỗ gần đó được dùng làm nơi cất giấu tài liệu, vũ khí, ấn triện, cờ khởi nghĩa, và cũng là nơi tổ chức nhiều cuộc họp bàn chuyện quốc sự, ban bố những hịch truyền kêu gọi khởi nghĩa. Sau khi cuộc khởi nghĩa bị lộ và thất bại, căn nhà của ông Tú Tự bị bao vây lục soát. Địch mang đi rất nhiều tài liệu, vũ khí, cờ khởi nghĩa. Vợ con ông bị quản thúc, bị bắt phải đi tìm chồng, tìm cha về nộp mạng. Trước đó mấy giờ, được tin bị lộ, ông Tú Tự về quê Diệm Sơn trú trên gác xép nhà người anh là Đỗ Y. Bọn giặc kéo về làng, tìm đến nhà cha mẹ của ông đông như kiến để tìm bắt ông.
Không phát hiện ra ông, chúng bèn bắt cha ông trói lại và khiêng đi như khiêng heo. Từ gác xép nhìn ra cánh đồng thấy cảnh cha mình bị nhục hình như vậy, ông Đỗ Tự nói với người anh “Chữ Trung không đặng - chữ Hiếu đau lòng”, thôi thì tôi đành ra nộp mạng để chúng thả cha ra”. Thế là bọn giặc như hổ vồ được mồi, quây lại đánh đập ông và lôi đi. Lúc đầu chúng đưa ông ra Huế biệt giam, sau chúng kêu án tử hình, trảm giam hậu, đày đi Côn Lôn. Nhờ gia đình bán đi hàng chục mẫu ruộng để chạy vạy, lo lót, nên chúng bỏ án tử hình, chuyển sang tù chung thân, đày biệt xứ.
Chúng đưa ông vào giam ở nhà lao Tuy Hòa. Khi ở đó, dân làng biết ông là ông Tú, nên nhờ dạy học, lại thêm việc bắt mạch kê đơn, vì ông vốn có nghề này khi còn ở quê hương. Những việc nghĩa mà ông làm đã được dân làng mến mộ thương yêu. Nhưng do hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt, sau một thời gian ông lâm bệnh nặng. Gia đình biết tin lại một lần nữa bán ruộng, bán vườn để lo lót quan lại sở tại cho được đưa ông về quê nhà khi lâm chung. Ông qua đời năm 1919 khi mới 38 tuổi. Mộ ông hiện ở trong nghĩa trang tộc Đỗ làng Diệm Sơn.
Tuổi ông không cao, đời ông không dài. Nhưng sự nghiệp của ông đúng là một tấm gương tận trung, tận hiếu với đất nước, quê hương, với gia đình, tộc họ, xứng đáng là một danh nhân đất Quảng.
NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN