.
Hồ sơ tên đường

Trần Quang Khải cầm quân tài, ngoại giao giỏi

.
Trần Quang Khải (1241-1294) là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, em ruột Trần Thánh Tông, biệt hiệu là Lạc Đạo, quê làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định, là một danh tướng thời Trần. Từ nhỏ, ông đã được vua cha phong tước Chiêu Minh Vương và cho thụ giáo với Bảng nhãn Lê Văn Hưu - Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu. Sử chép ông là người có học thức, hiểu tiếng nói của các bộ tộc ít người.

Mô tả ảnh.
Đường Trần Quang Khải, Đà Nẵng.
 
Năm 1282, trước nguy cơ xâm lược của quân Nguyên, vua Trần Thánh Tông đã cử ông làm Thượng tướng Thái sư. Ông đã cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh chỉ huy quân sĩ đánh thắng giặc, lập được những chiến tích vẻ vang. Trong đó, trận ông chỉ huy đánh tan quân Nguyên ở Chương Dương và Thăng Long, khôi phục kinh thành vào cuối tháng 5-1285, được sử sách ca ngợi là “chiến công to nhất lúc bấy giờ”.

Còn nhớ, Trần Quốc Tuấn là con Trần Liễu, Trần Quang Khải là con Trần Cảnh. Trần Liễu là chồng của Thuận Thiên công chúa, chị của công chúa Lý Chiêu Hoàng, còn Trần Cảnh cưới Chiêu Hoàng khi bà này mới 7 tuổi. Về sau, Chiêu Hoàng không có con nên năm 1237, Trần Thủ Độ bắt vợ của Trần Liễu đang có thai ba tháng về làm vợ Trần Cảnh (lúc này đã là vua Trần Thái Tông). Vì thế, giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải đã có mối bất hòa cá nhân.

Năm 1282, Trần Quang Khải được thăng làm Thượng tướng Thái sư nắm cả quyền quân sự lẫn hành chính. Năm sau, trước tình hình áp lực quân Nguyên Mông gia tăng, triều đình tiến phong Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc. Như vậy, về thực quyền quân sự, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trở thành cấp trên của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải.

Hưng Đạo Vương nhận thấy mối hiềm khích giữa hai người có thể làm đổ vỡ công cuộc kháng Nguyên nên chủ động tìm cách giải hòa. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép có lần Quốc Tuấn đến thăm, cùng Quang Khải xuống thuyền đi chơi suốt ngày. Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, mới đùa bảo Quang Khải: “Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm”. Nói rồi, cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Quang Khải vui vẻ đáp lại: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”. Từ đó, hai người quên mối hiềm khích riêng, cùng tướng văn, tướng võ nhất tâm giúp vua đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thêm 2 lần nữa.

Ngoài tài cầm quân, Trần Quang Khải được sử sách nhắc đến như một nhà ngoại giao giỏi. Năm 1281, khi nhà Nguyên chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ hai, chúng cho Sài Thung đem 1.000 quân đưa bọn Trần Dĩ Ái về nước. Khi chúng tới biên giới thì bị quan quân nhà Trần phục đánh. Trần Dĩ Ái bỏ chạy, Sài Thung được mời khéo về Thăng Long, bị giữ chân ở đó làm kế hoãn binh cho quân ta có thời gian ứng phó với giặc.

Khi Sài Thung về nước, Trần Quang Khải làm bài thơ đưa tiễn rất thân tình, đoạn kết có câu: Vị thẩm hà thời trùng đỗ diện,/ Ân cần ác thủ tự huyên lương. (Chưa biết ngày nào lại cùng gặp mặt,/ Để ân cần nắm tay nhau hàn huyên). Vẫn ung dung tự tại trước sự hống hách, kẻ cả của sứ giả một nước sắp xua quân sang xâm lược, Trần Quang Khải quả là nhà ngoại giao khôn khéo.

Sau chiến tranh, ông xin từ chức, về Phúc Hưng Viên ở Nam Định, sống đến cuối đời. Ông mất ngày 26-7-1294 đã để lại tập thơ Lạc đạo (Vui đời đạo lý) nay đã tuyệt bản, chỉ còn lại 9 bài do Phan Phu Tiên sưu tầm, in trong Việt âm thi tập.

Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho con đường dài 2.650m, rộng 6m, nối đường Nguyễn Phan Vinh (gần UBND phường Thọ Quang) ra suối Đá (Bãi Bụt), quận Sơn Trà. Đường này đã có từ lâu nhưng chưa có tên, dân gian thường gọi là đường Suối Đá, nay mang tên đường Trần Quang Khải theo Nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa V, ngày 10-7-1999 về đặt và đổi tên một số đường của Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.