.

Lan man chuyện rượu

.
Người ta thường nói xưa như trái đất, nhưng có một cái xét ra cũng xưa không kém, đó là... rượu - một thức uống có lịch sử lâu đời và mang tính toàn cầu.

Mô tả ảnh.
Đừng bao giờ để rượu “uống” người. (Ảnh: V.T.L)
Không biết tự bao giờ, rượu trở thành một phần tất yếu của đời sống người Việt. Rượu là một trong những đề tài được văn chương nhắc đến nhiều nhất. Nhiều anh lỡ làm “đồ đệ” của Lưu Linh rồi, mỗi lần muốn bà xã “hỉ xả” cho mình cái chuyện đi “lỳ một lam” là vận dụng kho ca dao, tục ngữ mà “xin khéo”. Đi nhà mới, đám cưới, thôi nôi... thậm chí đi họp lớp, nhóm bạn cũng viện lý do “vô tửu bất thành lễ” để bù khú có khi suốt ngày. Bạn bè, khách khứa tới thăm thì lăng xăng líu xíu hối vợ chạy đi kiếm mồi đặng làm một xị, vì “khách đến nhà không trà thì rượu”…

“Rượu vào” không chỉ “lời ra”, mà còn dễ làm người ta nổi nóng, khóc cười vô cớ, mất khả năng nhận biết khoảng cách, chân nam đá chân chiêu nên dễ bị… đo đất. Một khi rượu đã “uống” người rồi thì người vẫn biết mình đang nói gì, làm gì, có điều người không kiểm soát được hành động, lời nói của mình. Vì thế, ngạn ngữ Ấn Độ mới khuyên: “Hãy đứng cách xa con voi bảy bước, cách con trâu mười bước và cách thằng say... ba mươi bước”.

Có lần, trong một bàn nhậu, anh nọ cao hứng nhắc lại cái vụ “ba mươi bước” nói trên, chủ yếu là khuyên nhau “vui vẻ vài ve về với vợ”, nhưng bất đồ, một anh bật dậy như chiếc lò xo, giọng nhầy nhụa: Nè, đừng chơi chữ nghe, bụng đầy chữ như Lý Bạch, Nguyễn Công Trứ... nếu không nhờ rượu thì đố mà ra thơ... 

Nói thế chỉ đúng một nửa. Bởi tao nhân mặc khách xưa người ta thưởng (thức) rượu, chứ đâu có nhậu (nhẹt) tưng bừng đến độ “quên đường về” như nhiều đệ tử Lưu Linh ngày nay. Xưa, có khi chỉ độc ẩm hoặc đối ẩm cũng đủ thấy “Dở duyên với rượu không từ chén/ Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời” (Nguyễn Công Trứ). Chừ, nhậu chỉ một vài người với nhau thì cho là chưa đúng điệu, mà phải “trà tam, tửu tứ” (trà ba, rượu bốn), thành ra mỗi cuộc nhậu là một cuộc “sát phạt” đầy âm thanh của ly tách và miệng lưỡi, thậm chí có khi có cả tiếng vang của binh khí!

Uống rượu một mình có Mỵ trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Nàng rất xinh đẹp, nhưng bị con trai của kẻ gạt nợ lấy mất tuổi xuân, nàng khổ như con trâu, con ngựa, sống vô cảm, vô hồn, mấy lần muốn chết. Khi đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài đến, cả đất trời và con người tưng bừng sức sống. Tiếng sáo, tiếng khèn và những điệu nhảy diễm tình đã gợi nhớ và đánh thức tâm hồn Mỵ. Nàng lén lấy hũ rượu, uống ừng ực như nuốt hận. Men say đã giục nàng hồi tưởng về những mùa xuân tươi đẹp cũ thời con gái và lòng dấy lên khát khao được sống. Men say đã giúp Mỵ tìm lại được mình và vượt lên nỗi đau…

Nhưng đó là trong tiểu thuyết. Ngoài đời, ngày nay có một số nữ lưu muốn bình đẳng với nam giới, đòi làm “nữ vô tửu như kỳ vô phong”. Đành rằng phụ nữ bây giờ không ít người đã là lãnh đạo, cũng phải giao tiếp với xã hội và tất nhiên cũng phải biết “nâng lên để xuống” như nam giới. Có điều, uống bia rượu cũng có dăm bảy đường, phụ nữ thì không thể “tới bờ tới bến” như nam giới được. Nam say thì không mất gì, nữ mà nhậu “quắc cần câu” thì có nguy cơ mất hết, ngay cả cái “ngàn vàng”.

Các hãng bia, rượu giờ chọn tiếp thị sản phẩm toàn các em xinh như mộng. Không ít bạn nhậu, trước vì cảm cái sắc mà sau phải lụy cái tửu: Tay tiên rót chén rượu đào/ Đổ đi thì tiếc, uống vào thì say.

Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu “Rượu ngon và gái đẹp là hai thứ thuốc độc hòa hợp với nhau”, cùng nghĩa như thế, Á Đông chỉ dùng hai từ Hán Việt là “tửu sắc”. Có ai đó đã ví sóng nước mắt người đàn bà đẹp bao giờ cũng có tác dụng như một ly rượu ngon mà người đàn ông là kẻ bợm rượu. Vì thế, quý bà hãy để ý, không ít quý ông “chiều chiều lại nhớ chiều chiều” là nhớ cái khoản sắc chứ chưa hẳn là cái khoản tửu.

Rượu có khi cũng được việc. Như anh nọ để lòng yêu một người, nhưng chẳng biết cách nào tỏ tình, bèn nghĩ ra bữa nhậu với các đồng nghiệp. Sau khi uống vài ly “lấy trớn”, mới đủ dũng khí đứng lên cụng ly với người mình yêu và hét nhiều lần đến khản giọng “anh yêu em”.

Xét cho cùng, bản thân rượu chỉ là một thức uống, tốt hay xấu là do người dùng nó. Vấn đề là điểm dừng. Hãy cân nhắc, đừng để rượu quật đổ ta, như lời khuyên của một ngạn ngữ Tây Ban Nha: Thêm nước vào rượu ta làm hư rượu, không thêm nước vào rượu ta làm hư ta.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.