.

Loạn thần do rượu

.
Ngoài các tác hại cho sức khỏe như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư các vùng gan, dạ dày, đại tràng, miệng, thực quản, thanh quản..., lạm dụng rượu bia cũng dễ dẫn đến rối loạn tâm thần. Ngày càng có nhiều người bị loạn thần do rượu bia phải đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Đà Nẵng, trong đó có người chỉ trong vòng chưa đầy 9 tháng đã nhập viện 6 lần.

Mô tả ảnh.
Bữa ăn chiều của bệnh nhân điều trị cai nghiện rượu tại BV Tâm thần Đà Nẵng. Đa số bệnh nhân có tuổi đời 35-50 tuổi.
 
Chân dung của học trò thần Lưu Linh

36 tuổi, nhưng trông Nguyễn Minh Hải (thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) già thêm cả chục tuổi. Hải uống rượu khi chưa đầy 18 tuổi. Từ 1-2 chén rượu đưa cay, Hải trở thành kẻ nghiện rượu với tửu lượng lên đến 2 lít mỗi ngày. “3 giờ sáng đã dậy uống, lúc nào không uống là người luôn trong cảnh thèm rượu, bỏ ăn, nôn mửa; khi có rượu, uống vô người mới trở lại bình thường, minh mẫn”, Hải kể.

Từ chỗ nghiện rượu, Hải bị chứng ảo giác, hoang tưởng. Năm 2007, Hải phải vào chữa bệnh tại trung tâm Điều dưỡng người tâm thần ở Đà Sơn. Khi ra, Hải lại tìm đến rượu. Vào ra Trung tâm nhiều lần, mới đây anh bị sốc thuốc, được đưa xuống  BVTT . Hơn 3,5 tháng ở đây, Hải đã “tỉnh rượu” hoàn toàn, anh quyết định khi ra viện, sẽ đến chùa Phước Thiện, thôn An Trạch xin làm thợ xây vì chùa đang tiến hành xây dựng lại. “Tôi đến làm thợ ở chùa, như làm công đức, quyết chuộc lỗi lầm, làm lại cuộc đời”.

Lần thứ 2 nhập BVTT, Hồ Sỹ Thịnh (phường Hòa An, Cẩm Lệ) được ba anh, đã 82 tuổi, dẫn đến xin cai rượu. 20 tuổi “được” tập uống rượu bởi một người bà con  là chủ lò nấu rượu, đến nay anh Thịnh có 27 năm làm quen và suốt ngày chìm vào thứ nước “nồng, đắng, nhưng khi uống vào thấy lâng lâng, vui hơn”. Từ một người có công việc làm đàng hoàng, anh dần dần bị rượu chi phối, bỏ bê công việc, mỗi ngày phải uống ít nhất 1 lít. Đã có thời gian gần một năm anh Thịnh thử bỏ rượu bằng cách chuyển qua uống nước trà. Nhưng ma men dẫn lối, anh uống lại, nghiện nặng hơn và xuất hiện chứng ảo giác, ảo thanh do loạn thần. Đợt đầu nhập viện, hệ thống trị liệu giúp anh cắt được những cơn nghiện. Sau khi ra viện được 6 ngày, dù em trai suốt ngày giám sát, nhưng anh vẫn uống lại khi có một người cùng xóm rủ rê. Ba anh cương quyết bắt con nhập viện, hằng tuần ông lại nhờ người chở xuống bệnh viện thăm con. Anh tâm sự, đầy quyết tâm “ba anh đã bị hư một con mắt, anh cần có sức khỏe để chăm sóc ông. Lúc ba bảo “lên cai đi”, anh cảm thấy rất hối hận, nên phải ở đây một thời gian cho bớt bệnh rồi sẽ bỏ rượu luôn”.

Từ người làm công nhân khai thác gỗ, ông Lê Dục (thôn 4 Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) phải bỏ nghề về quê làm ruộng vì sức khỏe yếu sau 10 năm nghiện rượu nặng trong 30 năm uống rượu. Trong 2 giờ đồng hồ, ông có thể “làm” trọn 1,5 lít rượu. 3 tháng nhập viện tâm thần để cai, ông cũng mang vẻ quyết tâm bỏ rượu khi ra khỏi đây và có một điều hy vọng là với 3 đứa con trai, con ông không có đứa nào thiết tha làm bạn với thần Lưu Linh và cậu con trai đầu đã có gia đình riêng không uống rượu, hút thuốc…
 
Loạn thần do rượu và những hệ lụy

Bà Nguyễn Thị Lê Na, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cho biết, ở trên địa bàn, có khoảng 70% các vụ bạo lực gia đình liên quan đến rượu bia. Cách đây chưa lâu, ông N.H ở tổ 29 nghiện rượu đến mức sau mỗi lần uống là đập đầu vô tường, có lần còn tự đập cả cổ tay vào bể kính, đứt mạch máu phải đi cấp cứu, còn đánh vợ bầm tím mặt và cơ thể là chuyện thường xuyên.

Năm 2010, Hội Phụ nữ phường Thanh Khê Tây đã nhờ đến lực lượng công an can thiệp để đưa hai người đàn ông nghiện rượu đi “cải tạo” ở trại giam Bình Điền, Huế và phường cũng là địa phương dùng nhiều biện pháp để cứu vãn hạnh phúc cũng như giúp các bà vợ thoát khỏi nạn bạo hành do chồng nghiện rượu gây nên.

Bác sĩ Trần Văn Mau, Phó Giám đốc BVTT Đà Nẵng đưa ra những dấu hiệu nhận biết ở người nghiện rượu: ngày nào cũng uống, thèm khát mãnh liệt nếu không có rượu, lệ thuộc vào rượu cả về tâm lý và hành vi (gây hấn, run tay, vã mồ hôi), uống vào buổi sáng, xao nhãng công việc, sức khỏe kém, nhân cách suy đồi. Nếu bệnh nhân ngưng uống rượu từ 24-72 tiếng (do bệnh tật), sẽ xuất hiện cơn sảng rượu. Khi uống trở lại, bệnh nhân sẽ tái nghiện rất nhanh chóng do tính sẵn có của rượu và bản thân rượu là chất gây nghiện rất mạnh. Giai đoạn này, bệnh nhân sẽ bị loạn thần, xuất hiện các ảo giác (ảo thanh, ảo thị, ảo giác xúc giác); hoang tưởng (ghen tuông và có hành vi gây ra bạo lực gia đình).

Tại BVTT, trước đây người cai nghiện rượu ở chung với người bị bệnh tâm thần nhưng từ tháng 3-2011 đến nay, bệnh viện lập khoa mới là Pháp y nghiện chất, thì người cai rượu có kết quả điều trị tốt hơn. Bác sĩ Mau cho rằng, để trị được chứng nghiện rượu, người bệnh phải uống thuốc lâu dài để đạt tới phản xạ có điều kiện nhìn thấy rượu là sợ, nhưng điều tiên quyết là người nghiện rượu phải có ý chí, quyết tâm cai rượu, tránh tái nghiện. Đặc biệt người trong gia đình phải giám sát chặt chẽ để bệnh nhân không quay lại uống rượu. Bởi ở  BVTT, có đến hơn 70% số bệnh nhân quay lại điều trị lần 2, 3.  Từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 109 bệnh nhân, trong đó có 1 người quay lại 6 lần, 1 người 5 lần, 5 người 3 lần và 25 người quay lại 2 lần.

BVTT Đà Nẵng đang sử dụng biệt dược esperal trong cai nghiện rượu. Đây là loại thuốc theo kiểu “lấy độc trị độc”: khi uống rượu thuốc sẽ chuyển thành chất acetaldehyd rồi sau đó chuyển thành carbonic và nước để được loại ra khỏi cơ thể. Vì acetaldehyd rất độc sẽ làm cho người đã uống thuốc mà lại uống rượu sẽ bị ngộ độc như: tim đập nhanh, buồn nôn, nôn mửa, mặt đỏ bừng, vã mồ hôi, nhức đầu chóng mặt, hạ huyết áp… Chính những tác động rất khó chịu này khiến cho người nghiện rượu thấy ghê sợ rượu mà không muốn uống nữa.

Loại thuốc này khi kê cho bệnh nhân chữa trị tại nhà, họ đã giấu đi không uống và rất dễ tái nghiện trở lại.

Sắp tới bệnh viện sẽ dùng thuốc Naltrexon. Thuốc được cho là có tác dụng sửa chữa rối loạn hệ thần kinh như làm tăng hoạt động của chất sinh học dẫn truyền thần kinh là GABA, làm giảm sự thèm rượu của người nghiện.

 
Hoàng Nhung
;
.
.
.
.
.