Hiện nay, tuy chưa có đánh giá chính thức về xếp hạng thành phố nào đáng sống nhất Việt Nam, nhưng với việc đưa cụm từ “Thành phố đáng sống” đã nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (ĐN) lần thứ XX vừa qua, thì có thể khẳng định, đây là địa phương duy nhất trong cả nước nêu mục tiêu này ra trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của mình đến năm 2020.
Đáng sống ở đây có thể hiểu ở góc độ đáng sống về vật thể và phi vật thể, tức là các điều kiện để sống và làm việc về vật chất và tinh thần, cụ thể hơn là về công việc, thu nhập so với mức chi tiêu, nhà cửa, giá cả, dịch vụ, môi trường, an toàn xã hội, thời tiết, con người… Đáng sống ở đây còn là đáng sống đối với người ĐN và cả đáng sống với những du khách đến thăm viếng, làm ăn, học tập, công tác tại ĐN…
Hiện tại không ít du khách cho rằng, ĐN tuy phát triển kinh tế chưa bằng hai đầu đất nước, nhưng mức sống ở Đà Nẵng khá ổn định, giá cả không đắt đỏ. Và đặc biệt đây còn là thành phố văn minh nhất Việt Nam, vì không có ăn xin, ít tệ nạn, không cướp của giết người... Người dân thân thiện, ý thức văn minh rất cao, thành phố rất đẹp và hiện đại, rất nhiều danh lam thắng cảnh như Bà Nà, Non Nước, biển Mỹ Khê …
Đối với người ĐN, đánh giá một cách nghiêm túc và khách quan thì với những chủ trương cụ thể mà thành phố đạt được những năm qua thông qua thực hiện tốt các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” cũng như đang triển khai thực hiện Đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” thì xét về cả quá khứ, hiện tại và tương lai với những mục tiêu rất cụ thể này, ĐN cơ bản là một nơi đáng sống. Minh chứng rõ nhất là Đà Nẵng vừa được chọn là 1 trong 10 thành phố nhận giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”.
Bên cạnh những cái đã đạt được, để có một ĐN đáng sống hơn trong tương lai gần, không thể chủ quan tự mãn với những gì đã làm được mà phải lắng nghe, quan sát và bắt tay vào khắc phục, ngăn chặn và loại bỏ những trở ngại, hành vi, hiện tượng không nên có trong một “thành phố đáng sống”. Những hiện tượng, sự việc đó tuy nhỏ nhưng nếu bắt gặp nhiều sẽ làm cho hình ảnh của Đà Nẵng mất đi phần nào thiện cảm trong mắt mọi người, những điều mà tưởng là nhỏ nhặt nhưng lại không thể xem nhẹ.
Những chuyện nhỏ đó có thể nhỏ như chuyện ném xác chuột ra đường; chuyện khó đón xe taxi ở những khu vực như chân cầu vượt Hòa Cầm, ngoài Bến xe Trung tâm, Sân bay Đà Nẵng (vì thường xuyên bị lực lượng xe ôm ngăn cản, thậm chí là hành hung, đe dọa; vì khách đi quá gần, tài xế từ chối); chuyện cướp giật đồ trang sức, chuyện “cẩu tặc”; chuyện bu bám, chèo kéo khách du lịch… Chuyện mùi hôi thoát ra từ các khu vực có cửa cống ra sông, biển; tình trạng ngập úng mỗi khi mùa mưa về. Rồi chuyện khói bụi, chuyện thiếu nhà vệ sinh công cộng; thiếu nhiều điểm vui chơi giải trí (nhất là giải trí về đêm); thiếu công viên (cả thành phố chỉ có một công viên là Công viên 29-3, còn những công viên nhỏ, vườn hoa và tiểu cảnh thì vẫn còn khá khiêm tốn). Chuyện những công trình văn hóa khá tầm cỡ nhưng sự nhộn nhịp cũng như mức độ sáng đèn hằng đêm ở những nơi như Cung Thể thao Tiên Sơn, Nhà hát Trưng Vương, Nhà biểu diễn đa năng còn quá ít… Và cũng không nên tự thỏa mãn về mức độ “xanh-sạch-đẹp” của thành phố nếu chỉ đi so sánh với Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh mà phải là với những thành phố trong khu vực như Singapore, Kuala Lumpur… để có mục tiêu mà phấn đấu.
Một ĐN - Thành phố đáng sống, trở thành hiện thực sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng thuận của toàn dân bên cạnh những chủ trương cụ thể, mang tính đột phá của chính quyền thành phố. Phải duy trì và phát huy những thành quả đạt được từ các chương trình “5 không”, “3 có” trong những năm qua để đạt được mục tiêu đầy ý nghĩa này, vì đó là những điều kiện cần và đủ để có một ĐN đáng sống.
Dân Hùng