.

Quốc tế ngữ

.
Quốc tế ngữ

Mô tả ảnh.
Chân dung L.L. Zamenhof, cha đẻ của Esperanto.
* Việt Nam đã đăng cai tổ chức Đại hội Quốc tế ngữ toàn cầu lần thứ 97 (UK97) vào cuối tháng 7 năm 2012 tại Hà Nội. Xin cho biết Quốc tế ngữ được hình thành như thế nào và đóng góp của nó trên đời sống toàn thế giới hiện nay ra sao? (Trần Thu Hà, Trường Đại học Phan Châu Trinh, Hội An).

- Quốc tế ngữ (Esperanto hoặc Lingvo Internacia) là ngôn ngữ nhân tạo rất hữu dụng trong giao tiếp quốc tế.
Quốc tế ngữ được Ludwik Lejzer Zamenhof, một học giả Ba Lan, sáng tạo và công bố năm 1887. L.L. Zamenhof tuy am hiểu nhiều ngôn ngữ châu Âu, nhưng ông không hiểu nhiều về châu Á cũng như các thứ tiếng của châu lục này. Vào thời điểm Quốc tế ngữ được sáng chế, ngôn ngữ này được kỳ vọng sẽ là ngôn ngữ phổ thông, được sử dụng trong mọi sinh hoạt hằng ngày của nhân dân toàn thế giới.

Lúc đầu ngôn ngữ toàn cầu này có tên là Lingvo Internacia - ngôn ngữ quốc tế. Khi Zamenhof giới thiệu nó, ông đã dùng bút danh Doktoro Esperanto (có nghĩa là “Bác sĩ Hy vọng”). Do đó, người ta đã đặt tên cho ngôn ngữ này là “Ngôn ngữ của bác sĩ Esperanto” và sau đó chỉ còn lại “Esperanto” và trở thành tên thường gọi cho tới ngày nay.

Ngôi sao xanh là biểu tượng lâu đời nhất của Esperanto, cũng được sử dụng cho lá cờ Esperanto. Màu xanh là biểu tượng cho “hy vọng” và ngôi sao 5 cánh là biểu tượng cho 5 châu lục.

Mô tả ảnh.
Cờ Esperanto
Theo http://vi.lernu.net - trang web đa ngôn ngữ nhằm giúp đỡ những người sử dụng mạng truy cập thông tin và học tiếng Esperanto, ngôn ngữ toàn cầu này có một số đặc điểm quan trọng như tính quốc tế, tính trung lập, tính bình đẳng... Đặc biệt, Esperanto tương đối dễ học, nhờ vào cấu trúc và cách xây dựng ngôn ngữ của Esperanto, nên việc nắm vững Esperanto thì luôn luôn dễ dàng hơn rất nhiều so với các ngoại ngữ khác.
Về đặc trưng và cấu tạo ngôn ngữ, Quốc tế ngữ tập hợp nhiều điểm ưu việt của các ngôn ngữ châu Âu, phần lớn từ vựng, dù bắt nguồn từ thứ tiếng nào (tiếng Hy Lạp, tiếng La-tinh hay tiếng khác), đa phần đều được chuyển sang những âm mới đơn giản và dễ đọc, dễ nhớ hơn…

Việt Nam đã có các tác phẩm được chuyển ngữ sang Esperanto như “Bình Ngô Đại cáo”, “Nhật ký trong tù”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Vợ chồng A Phủ”, hơn 100 bài dịch của Phan Hồng Vượng giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam; gần đây nhất là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” phát hành vào tháng 7-2011.

Theo Wikipedia, sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, tại thời điểm điều tra năm 1996, số người sử dụng Quốc tế ngữ như thứ tiếng thứ nhất chỉ là khoảng từ 200 đến 2.000 người. Đến nay, có khoảng 2 triệu người trải khắp 115 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng ngôn ngữ này như ngôn ngữ thứ hai của mình.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.