Tại một hội nghị mới đây của thành phố về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ (CB), ông Trần Văn Huy, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết có hiện tượng “ngâm” CB do vẫn còn những bất cập trong quy hoạch, luân chuyển, điều động...
Theo đó, một số CB được quy hoạch nhưng không thể đề bạt, bổ nhiệm hoặc chỉ đảm nhiệm một chức danh trong suốt nhiều năm. Điều đó dẫn đến một hệ lụy là CB mặc dù tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhưng mất dần ý chí tiến thủ, thiếu phấn đấu và rèn luyện, thiếu năng động và sáng tạo trong công việc... Đồng thời, việc “ngâm” CB sẽ dẫn đến “hiện tượng domino”, không tạo ra bước đột phá trong công tác CB; nhất là CB trẻ và CB nữ.
Ngược với hiện tượng “ngâm” là tình trạng “nhúng” CB trong quá trình luân chuyển. Việc luân chuyển CB để rèn luyện, thử thách và tích lũy kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý là một chủ trương đúng đắn để từ đó có đủ điều kiện để đánh giá CB; qua đó đề bạt, bổ nhiệm CB đảm đương những vị trí trong hệ thống chính trị khi cần thiết và vẫn bảo đảm tính định hướng lâu dài, bền vững.
Thế nhưng, vẫn còn có hiện tượng “nhúng” - nghĩa là luân chuyển CB hoặc điều động CB sang vị trí mới trong một thời gian ngắn rồi lại chuyển sang vị trí khác. Điều đó dẫn đến việc CB bị “chín ép”, chưa đủ điều kiện để thâm nhập thực tiễn, chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình công tác. Đồng thời, chính CB không được sự ủng hộ nhiệt tình, sự hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ và tạo điều kiện của hệ thống chính trị ở cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ được giao, để có điều kiện làm việc thực sự với chức trách của mình. Bởi, nhiều người vẫn nghĩ CB được điều động đó về cơ sở chỉ là chốn “ăn nhờ ở đậu” chứ không gắn bó dài lâu.
Chính vì vậy, khi nhìn nhận về tồn tại trong công tác luân chuyển CB, có ý kiến cho rằng, việc luân chuyển vẫn còn theo nhu cầu công tác và theo quy định đối với các chức vụ chủ chốt, chưa tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thử thách đối với CB trong diện quy hoạch. Còn trong công tác quy hoạch, thì nhiều cấp ủy và CB lãnh đạo chưa chủ động xây dựng quy hoạch CB, không tích cực chuẩn bị người thay thế hoặc quy hoạch mang tính hình thức; chưa gắn quy hoạch CB với đào tạo, luân chuyển, bố trí, sử dụng CB. Đó là chưa nói đến tình trạng “khép kín” trong công tác quy hoạch CB, chỉ bó hẹp trong phạm vi CB hiện có của mỗi địa phương, mỗi ngành, đơn vị; đặc biệt chưa có sự liên thông theo ngành, lĩnh vực giữa các cấp, giữa Đảng, đoàn thể với chính quyền...
Chính những tồn tại trên đã dẫn đến hiện tượng “nhúng” và “ngâm” - một biểu hiện cụ thể của tình trạng bị động, lúng túng trong công tác CB hiện nay.
Để giải quyết những tồn tại đó trong công tác CB, nhất là trong quy hoạch và luân chuyển, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu cho rằng, cùng với quy hoạch “động” và “mở”, cần tạo bước đột phá bằng việc công khai các chức danh quy hoạch để tạo điều kiện cho CB phấn đấu đồng thời có cơ sở để giám sát, theo dõi. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể và rõ ràng để có cơ sở đánh giá CB trước, trong và sau khi quy hoạch cũng như luân chuyển; từ đó đưa việc đánh giá CB - được xem là khâu “khó và yếu nhất”, đạt được hiệu quả, thiết thực. Việc đánh giá CB đúng đắn, sát thực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển... đồng thời có cơ sở vững chắc để đưa ra khỏi diện quy hoạch những CB không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, mức độ hoàn thành nhiệm vụ...; bổ sung những nhân tốt mới có triển vọng.
Còn theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, thì cần xem xét mở rộng chức danh cấp phó để có điều kiện bố trí CB nhằm triển khai chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và thử thách; qua đó tạo môi trường cho CB rèn luyện và trưởng thành, bảo đảm các tiêu chuẩn để đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển... một cách bền vững hơn.
Anh Quân