.
Tản văn

Mùa cơm mới

Bây giờ cuộc sống no đủ, sướng hơn ngày xưa nên ít ai còn hứng thú với mùi cơm mới, chừng mười ngày sau vụ gặt. Thóc được phơi nỏ, đem xát rồi nấu lên, mùi thơm bốc lên theo hơi nước và cơm dẻo đến nỗi, chỉ cần chan một ít nước mắm hay ít tương đậu cũng có thể ăn đến ba bát.

Chỉ mới tuần trước thôi, làng vào mùa gặt, khắp đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng ngan ngát một mùi rơm. Nắng vàng trải thảm và mây trong văn vắt. Chiều tối, những đứa trẻ quê tinh nghịch nhảy tung tăng bên đống rơm mẹ đang chất. Chúng hít hà mùi rơm như để làm giàu có kho tàng tuổi thơ của mình. Thứ mùi hương át hết tất cả, để đậu trên mái bếp, trải dài trên con đường làng hay vương trên tóc, trên vạt áo của bà và của mẹ. Tối đến, cả nhà quây quần bên mâm cơm. Mẹ vẫn bảo, với người nông dân, cơm mùa nào cũng ngon nhưng ngon nhất là cơm được nấu từ thóc mới thu hoạch. Thóc được phơi nắng trên sân cho giòn, đem đi xát. Gạo nấu được đun bằng rơm. Mùi rơm mới được đun trong lửa cũng thật đặc biệt. Mùi hương ấy quyện cả vào trong bát cơm thơm dẻo lúa mới trong tiếng nói cười rôm rả của cả nhà. Thứ mùi hương đã lưu luyến bước chân bao người con xa quê để giữa cuộc sống phồn hoa đô thị có người vẫn rưng rức nhớ.

Ăn cơm mới, nhưng nếu được ngồi nghe ông nội kể chuyện xưa thì không gì bằng. Bát cơm chính là bát ngọc, là kết tinh của bao gian nan vất vả, một nắng hai sương, là “dẻo thơm một hạt/ đắng cay muôn phần”. Ngày xưa đói kém, mất mùa, một sào lúa được mấy chục cân. Biết bao nhiêu gia đình cơm ăn không đủ no. Người ta cũng chẳng cần biết vị ngon của cơm gạo mới, chỉ cần no cái bụng rồi đi làm là được. Các cô, các chú và bố mẹ tôi ngày đó vẫn phải ăn cơm độn khoai, sắn. Cơm gạo hẩm hiu ẩm mốc cũng vẫn ngon ngọt như thường. Bây giờ, thời tiết không thuận lợi, bão gió đổ về, thân lúa xác xơ, bông lép xẹp… Gia đình nào cũng lo sợ đói kém.

Sau này, gặt hái xong xuôi, người dân thường tổ chức cúng cơm mới để tạ ơn tổ tiên, trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa. Người dân cầu được ăn những bữa cơm gạo mới dẻo ngọt thơm ngậy mùi cám, không độn, và thấy hạnh phúc. Mâm cơm mới dâng lên bàn thờ ông bà bao giờ cũng có gạo, muối, chè nếp, xôi và không thể thiếu cơm trắng, muối vừng. Nấu nồi cơm gạo mới  trắng ngần, dẻo thơm, không đơn giản như nấu cơm thường ngày. Gạo mới thu hoạch thường dẻo, không ưa nước nên phải ướm lượng nước sao cho cơm bông tơi, không nhão nhẹt. Khi cơm sôi lục sục đã tỏa mùi hương ngào ngạt, đặc quánh như sữa non. Ăn cơm mới có vị bùi, ngậy, nuốt xong còn để lại vị ngọt lan tỏa trong vòm miệng.

Rồi quê tôi được trời thương, ban cho những hạt lúa mẩy, tròn thon, những cánh đồng lúa vàng ruộm, đầy như nong kén. Những bông lúa đều tăm tắp chúc xuống, rung rung vẻ tinh nghịch theo nhịp bước chân người gánh. Tôi yêu mùi rơm mới, mùi cơm mới quê tôi. Yêu cả mùi khói đốt trên đồng, mùi khói tỏa trên nóc bếp, vấn vít phía ngọn tre. Tôi cũng như đa số người nông dân, cơm vẫn là thức ăn chính mà không gì có thể thay thế được. Tôi tự hào và yêu biết mấy bát cơm mới nấu bằng nước mưa, yêu như thứ “đặc sản” của miền quê mà không bút gì tả được, không thể diễn đạt hết bằng lời.

Ở phố, hay đi làm việc ở nước ngoài, dù có được thưởng thức nhiều cao lương mỹ vị, thì bát cơm mới nơi quê vẫn đằm thắm lưu giữ những ký ức đẹp với người con xa quê như tôi. Tôi muốn viết về điều giản dị đó, như viết về một tình yêu mộc mạc để mãi sau này tôi vẫn có thể nói cho mọi người biết, thêm trân trọng những mùa cơm mới sau những mùa gặt nhọc nhằn nơi quê, để không bao giờ quên cội rễ.

Nguyễn Văn Học
;
.
.
.
.
.