.

Tiền đề xây dựng nông thôn mới

.
Trong 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) được ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch và thực hiện quy hoạch là tiêu chí khó nhất và là tiền đề để xây dựng 18 tiêu chí còn lại.

Mô tả ảnh.
Đường liên thôn Cẩm Nê - Thạch Bồ (xã Hòa Tiến) là một trong những minh chứng về lợi ích của người dân trong quy hoạch, xây dựng NTM.
 
Khó nhất, bởi đây là tiêu chí thứ nhất và cả 11 xã toàn huyện Hòa Vang hiện vẫn “trắng” tiêu chí này. Khi Đà Nẵng được chọn là 1 trong 11 tỉnh, thành trên cả nước thí điểm về xây dựng NTM, thì Hòa Vang, huyện nông thôn duy nhất của thành phố, đã chuẩn bị những bước cần thiết để triển khai chương trình này, trong đó lấy tiêu chí đầu tiên làm bước đột phá.

Quy hoạch, kinh phí và chợ

Ông Đặng Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, phân tích: Hiện đất đai của các xã đã có quy hoạch của thành phố và huyện rồi, diện tích còn lại được địa phương bố trí, sắp xếp ra sao, khu dân cư, chợ búa, trường học, khu sản xuất làng nghề… như thế nào, cũng phải có quy hoạch riêng nhưng phải khớp nối, hòa nhịp với quy hoạch từng ngành của huyện và quy hoạch chung của thành phố.

Kinh phí quyết định thành công, nhưng theo ông Thương, Hòa Vang hiện vẫn chưa được cấp thẩm quyền xét duyệt về kinh phí để có thể chủ động được kế hoạch triển khai xây dựng NTM. Để “mở cửa” cho 18 tiêu chí còn lại, các xã tập trung vào “chìa khóa” là tiêu chí đầu tiên Quy hoạch và thực hiện quy hoạch và mỗi xã cũng phải mất khoảng 1 tỷ đồng để lập xong quy hoạch chi tiết cho địa phương mình.

Ông Thương đơn cử như trong vấn đề xây dựng chợ nông thôn, một mình thì chẳng địa phương nào dám làm và chỉ dám làm khi có 30 - 40% kinh phí hỗ trợ của thành phố.

Theo bảng tổng hợp Kết quả xét duyệt NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia do Phòng NN&PTNT huyện lập vào cuối năm 2010 thì Hòa Châu đạt 13/19 tiêu chí, xếp thứ nhì toàn huyện sau Hòa Tiến (đạt 15/19 tiêu chí). Ít ai nghĩ rằng một xã “á quân” trong bảng xếp hạng trên lại chưa đạt tiêu chí về chợ nông thôn. Ông Nguyễn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì lẽ ra năm nay đã khởi công xây dựng chợ ở thôn Đông Hòa thuộc khu B Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, nhưng do nhiều lý do (trong đó có lý do từ kinh phí, như ông Thương xác nhận) nên chuyển sang năm 2012 mới khởi công.

Xã Hòa Sơn xếp cuối cùng trong bảng tổng hợp nói trên, chỉ mới đạt 4/19 tiêu chí. Theo ông Trần Vĩnh An, Bí thư - Chủ tịch xã, chợ An Ngãi Đông mới xây sau quy hoạch đã đạt chuẩn, còn chợ Hòa Sơn (còn gọi là chợ An Ngãi Tây) thì xây lâu rồi, phải mở rộng diện tích, nâng cấp tường rào cổng ngõ, hệ thống thoát nước mới đạt chuẩn. Riêng ở thôn Xuân Phú thì tồn tại một chợ tạm, địa phương đang trình cấp có thẩm quyền để quy hoạch, đầu tư xây chợ mới nhằm đạt tiêu chí thứ 7 về chợ
nông thôn.

Xây dựng NTM và ý thức người dân

Quy hoạch xây dựng NTM phải có sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư; cần bảo đảm tính đồng bộ, tính phù hợp, tính thích nghi, tính hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của bản địa; đối với các xã nên chú trọng tính đặc thù của vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất…
Nguồn: Chỉ thị 09-CT/HU ngày 21-10-2011 của Huyện ủy Hòa Vang về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng NTM trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2011-2015.
Có một thực tế là xã nào có nhiều dự án quy hoạch của huyện, thành phố thì sẽ không làm mà đạt một số tiêu chí. Ví như xã Hòa Ninh, theo ông Lê Đức Thương, Phó Chủ tịch UBND xã, dự án khu nhà ở chuyên gia đang tiến hành giải thửa thu hồi 1.178ha đất, cộng với các dự án cũ, cả xã có trên 2.000 ha đất bị thu hồi. Như thế, Hòa Ninh sẽ không còn nông nghiệp và sẽ mặc nhiên đạt tiêu chí 3 về thủy lợi. Ngoài ra, do quy hoạch nên các khu dân cư mới được mở ra từ các dự án này sẽ có nhiều đường giao thông đạt chuẩn, và xã cũng sẽ (không làm mà) đạt tiêu chí 2 về giao thông.

Cuối năm 2010, xã Hòa Ninh chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí. Thật ngạc nhiên khi bảng tổng hợp nói trên ghi Hòa Ninh là xã duy nhất ở Hòa Vang chưa đạt tiêu chí thứ 4 về điện và tiêu chí thứ 15 về y tế!

Ông Thương giải thích: Đề án xây dựng NTM khởi động từ năm 2010, khi đó Hòa Ninh không đạt tiêu chí về điện vì mạng lưới điện cả xã, do được xây dựng từ những năm 1997-1998 bằng vốn ODA, phần lớn là dây trần nên không an toàn. Tháng 7 vừa qua, sau khi xã lập tờ trình đề nghị, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, trực tiếp là Điện lực Liên Chiểu, đã thay toàn bộ dây trần bằng dây cáp vặn xoắn tại 5/9 trạm biến áp trên toàn xã và kéo thêm nhiều đường dây nhánh rẽ để đưa điện vào các cụm dân cư ở xa trụ điện chính.

Về y tế của Hòa Ninh, theo ông Thương, từ cơ sở hạ tầng đến kỹ thuật, đội ngũ con người đều đạt, nhưng lại không đạt số lượng người dân tham gia BHYT tự nguyện. Đời sống người dân hiện đã tốt hơn, nhưng với mức đóng BHYT hiện nay 448 nghìn đồng/người là quá cao so với thu nhập của người dân Hòa Ninh. Xã chọn tiêu chí về y tế làm bước đột phá của mình trong xây dựng NTM và phấn đấu đạt tiêu chí thứ 15 này vào năm 2015.

Trong xây dựng NTM, mọi tầng lớp nhân dân giữ vai trò chủ thể và nhận thức người dân là rất quan trọng đối với sự thành công của chương trình. Từ quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến văn hóa - xã hội - môi trường, người dân phải biết cụ thể, dân tham gia thì được lợi ích như thế nào, kinh phí ra sao, đóng góp hay đầu tư… Thế nhưng, như Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Thương nhận xét, hiện chỉ một số cán bộ biết ít nhiều về NTM chứ dân thì hầu hết vẫn chưa hiểu xây dựng NTM cụ thể là làm chi.

Xã Hòa Tiến vừa bê-tông hóa con đường dài 700m, nối từ thôn Cẩm Nê đến thôn Thạch Bồ. Đường nội đồng này trước chỉ rộng 3m nay mở ra rộng 5m và lề đường mỗi bên 0,5m theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Người dân tham gia bằng đất nông nghiệp, cùng với Nhà nước cải thiện đường giao thông nông thôn, xây dựng NTM.

Ở xã Hòa Ninh, nếu được tuyên truyền rộng rãi về NTM thì người dân sẽ tích cực mua BHYT tự nguyện, vừa lợi ích cho bản thân, vừa góp phần xây dựng NTM.

Cần một sự hòa nhịp từ cả hệ thống chính trị cho đến các tầng lớp nhân dân để Quy hoạch và thực hiện quy hoạch sẽ là tiêu chí không khó, và Chương trình hành động của Chính phủ (theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 của Chính phủ) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ sớm đạt được hiệu quả như mong muốn.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.